Giao dịch chứng khoán sáng 22/6: Nhiều cổ phiếu penny chưa hết nóng

Giao dịch chứng khoán sáng 22/6: Nhiều cổ phiếu penny chưa hết nóng

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu thị trường vừa và nhỏ vẫn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư với giao dịch sôi động và nhiều mã tiếp tục duy trì đà tăng trần.

Thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu chốt lời trong những phiên gần đây, sau đợt hồi phục tích cực từ tháng 4.

Cụ thể, ngay sau khi thử thách vùng kháng cự mạnh 900 điểm, áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến VN-Index cắm đầu đi xuống và để mất tới hơn 30 điểm trong phiên 11/6. Tiếp theo đó, thị trường chứng kiến thêm “cú bồi” ngày 15/6 khi toàn bộ mã lớn bất ngờ giảm sâu trong nửa cuối phiên, cũng lấy đi của VN-Index hơn 30 điểm.

Tuy nhiên, trong những phiên cuối tuần qua, tâm lý nhà đầu tư đã bình ổn hơn, cùng dòng tiền tiếp tục tham gia sôi động, tạo động lực để thị trường nhanh chóng trở lại đường đua.

Đặc biệt, trong phiên cuối tuần ngày 19/6, sự bứt phá của “ông lớn” ngành bất động sản – VIC tăng trần, đã kéo VN-Index tăng vọt lên mức giá cao nhất ngày, tiến sát ngưỡng 870 điểm.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), phiên cuối tuần đã nhen nhóm tín hiệu tích cực trở lại sau 1 tuần giao dịch khá ảm đạm.

Bên cạnh đó, ông Khanh cho biết, giai đoạn cuối tháng 6 sang tháng 7 là cao điểm nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo bán niên nên sẽ tạo nhiều đợt sóng giao dịch cổ phiếu. Chỉ số VN-Index sẽ khó tăng mạnh mà xu hướng sẽ duy trì theo hướng tịnh tiến đi lên dzic dzac. Thị trường vẫn đang rất tốt cho các giao dịch ngắn hạn vì vậy nhà đầu tư tiếp tục mạnh dạn nắm giữ cổ phiếu.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 22/6, mặc dù tâm lý nhà đầu tư khá tham dò nhưng với trụ đỡ chính là các bluechip, thị trường vẫn duy trì sắc xanh. Chỉ số VN-Index nhanh chóng thử thách mốc 870 điểm ngay khi mở cửa.

Trong nhóm VN30, phần lớn đều giao dịch khởi sắc nhưng biên độ tăng khá hẹp khiến thị trường thiếu động lực để bứt cao. Chỉ số VN-Index chỉ dao động lình xình trong vùng giá trên.

Đáng chú ý, điểm sáng trong phiên cuối tuần trước là VIC nhanh chóng vụt tăng do lực bán gia tăng sau phiên tăng trần trước đó. Hiện VIC đảo chiều giảm nhẹ 0,4% và tạm đứng tại mức giá 96.900 đồng/CP sau gần 1 giờ giao dịch.

Nhóm cổ phiếu thị trường vẫn là điểm nóng. Trong đó, HQC tạm hạ nhiệt khi để mất sắc tím nhưng vẫn tăng khá tốt 4,1%, tạm đứng tại mức giá 2.280 đồng/CP cùng giao dịch sôi động hơn 6,9 triệu đơn vị; còn ITA giữ đà tăng trần lên mức 5.670 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh gần 9 triệu đơn vị và dư mua trần 1,65 triệu đơn vị. Ngoài ra, SCR, TNI, DAG, MHC… cũng khoe sắc tím.

Mặc dù giữa phiên, nhóm bluechip gia tăng sức ép khiến thị trường quay đầu điều chỉnh nhẹ, tuy nhiên, ngay khi thủng mốc tham chiếu, lực cầu nhập cuộc tích cực đã kích hoạt thị trường bật ngược đi lên. Chỉ số VN-Index trở lại trạng thái giằng co quanh mốc 870 điểm đến hết phiên.

Chốt phiên, sàn HOSE có 189 mã tăng và 155 mã giảm, VN-Index tăng 2,26 điểm (+0,26%), lên 870,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 205,32 triệu đơn vị, giá trị 2.732,51 tỷ đồng, giảm 10,86% về khối lượng và tăng 11,56% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (19/6). Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 5 triệu đơn vị, giá trị 136,41 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong nhóm VN30 là CTD. Cuối tuần qua, Kusto đã phủ nhận có quan hệ với The8th và tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận một cuộc chuyển giao vị trí, nhưng vẫn tiếp tục đầu tư phát triển tại Coteccons.

Trong phiên sáng nay, CTD tiếp tục duy trì đà tăng khá tốt và đã được kéo lên mức giá trần 67.800 đồng/CP trong gần 30 phút cuối phiên, với khối lượng khớp lệnh hơn 0,61 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,16 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, trái với sự tỏa sáng trong phiên cuối tuần trước, cổ phiếu VIC đã để mất 0,7% và tạm dừng phiên sáng nay tại mức giá 96.600 đồng/CP, còn “người anh em” VHM lại hồi phục và hỗ trợ tích cực cho thị trường khi tăng 2% lên mức 78.000 đồng/CP.

Còn lại các mã trong nhóm VN30 giao dịch phân hóa với mức biến động khá hẹp.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường vừa và nhỏ, trong khi HQC, DLG, SJF, AMD… chịu áp lực chốt lời và quay đầu điều chỉnh, thì vẫn có những điểm sáng như ITA, TNI, SCR, QBS… bảo toàn sắc tím.

Trong đó, ITA tăng 7% lên mức giá trần 5.670 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất sàn HOSe với hơn 16,83 triệu đơn vị được khớp lệnh, cùng lượng dư mua trần gần 0,7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau nhịp tăng khá tốt đầu phiên, thị trường đã hạ nhiệt và giao dịch giằng co, liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 45 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index tăng 0,06 điểm (+0,06%), lên 115,42 điểm.

Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,84 triệu đơn vị, giá trị 352,81 tỷ đồng, tăng 54% về lượng và 44,75% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần 19/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,35 triệu đơn vị, giá trị 52,93 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, nhóm cổ phiếu bluechip trên HNX cũng biến động trong biên độ hẹp.

Trong đó, các mã tác động thiếu tích cực như ACB, DGC, PVI, VCG, VCS có mức giảm trên dưới 0,5%, ngoại trừ LHC -1,73% xuống 68.200 đồng/CP, PVB -2,56% xuống 15.200 đồng/CP, BVS -2% xuống 9.800 đồng/CP…

Trái lại, CEO +2,15% lên 9.500 đồng/CP, MBS +2% lên 10.100 đồng/CP, SHS +2,34% lên 13.100 đồng/CP, NDN +2,26% lên 18.100 đồng/CP…

Đáng chú ý ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, MBG tăng kịch trần lên mức 5.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt hơn 7,1 triệu đơn vị; tiếp theo đó DST cũng đột biến khi tăng vọt từ mức giá sàn lên trần và chốt phiên tại mức giá 7.500 đồng/CP, khối lượng khớp 3,92 triệu đơn vị.

Ngoài ra, HKB, DS3, VIG, VKC… cũng tăng hết biên độ.

Trên UpcoM, đà tăng được duy trì trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,53%), lên 56,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 15,34 triệu đơn vị, giá trị hơn 154 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 3 tỷ đồng.

Cặp đôi quen thuộc LPB và BSR dẫn đầu thanh khoản trên UPCom với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 5,35 triệu đơn vị và hơn 2 triệu đơn vị, đây cũng là 2 mã duy nhất chuyển nhượng thành công hàng triệu đơn vị. Chốt phiên, cả LPB và BSR đều đứng giá tham chiếu.

Trong khi đó, các mã lớn như VEA, VGI, VGT, OIL, ACV… đều giao dịch khởi sắc, là điểm tựa chính cho đà tăng của thị trường.

Tin bài liên quan