Giao dịch chứng khoán sáng 14/8: Phân hóa rõ nét

Giao dịch chứng khoán sáng 14/8: Phân hóa rõ nét

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu khiến VN-Index không thể chinh phục thành công mốc 860 điểm trong phiên sáng nay.

Mặc dù dòng tiền vẫn chưa mấy sôi động trở lại kể từ sau khi công bố ca nhiễm mới ngoài cộng đồng tại Đà Nẵng, nhưng trong gần nửa đầu tháng 8, diễn biến thị trường khá khởi sắc khi chỉ số chung lần lượt dành lại các mốc kháng cự cao hơn nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip.

Trong phiên hôm qua (13/8), nhóm cổ phiếu bluechip cũng đã đảm nhận vai trò nâng đỡ thị trường khá tốt khi hầu hết đều tăng điểm, đã dẫn dắt chỉ số VN-Index vượt xa ngưỡng kháng cự 850 điểm, dù nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng sức ép lên thị trường với giá trị bán ròng đạt gần 175 tỷ đồng, tăng 75% so với phiên trước đó.

Với việc VN-Index vượt xa vùng giá 850 điểm đã giúp giới phân tích có cái nhìn lạc quan hơn về thị trường. Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên cuối tuần ngày 14/8.

Áp lực rung lắc có thể xuất hiện trong phiên kế tiếp khi chỉ số dao động trong vùng kháng cự 852-858 điểm, tuy nhiên, về xu hướng tổng thể, chúng tôi vẫn kỳ vọng vào khả năng chỉ số sẽ kéo dài đà tăng hiện tại với đích đến tiếp theo nằm tại vùng kháng cự 876-883 điểm trong ngắn hạn.

Không nằm ngoài dự đoán trên, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng 14/8 nhanh chóng quay đầu điều chỉnh trước sức ép đến từ một số bluechip.

Tuy nhiên, đà giảm không quá lớn và VN-Index dần đảo chiều hồi phục nhờ lực cầu gia tăng. Trong đó, các mã lớn như SAB, VHM, VNM đang là bộ 3 nâng đỡ chính cho thị trường với mức tăng nhỉnh hơn 1%.

Giao dịch trên sàn vẫn khá túc tắc bởi tâm lý thận trọng. Sau khoảng 80 phút giao dịch, cổ phiếu OGC và DXG có khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HOSE, đạt hơn 4 triệu đơn vị.

Sau khi chạm ngưỡng 860 điểm, áp lực bán gia tăng khiến thị trường dần đuối sức. Thị trường trở lại phân hóa mạnh và may măn VN-Index giữ được đà tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 175 mã tăng và 178 mã giảm, VN-Index tăng 0,79 điểm (+0,09%), lên 855,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 159,29 triệu đơn vị, giá trị 2.719,66 tỷ đồng, tăng 12,1% về khối lượng và 14,37% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,35 triệu đơn vị, giá trị 143,44 tỷ đồng.

Nhóm bluechip cũng phân hóa với 13 mã tăng và 14 mã giảm.

Ở chiều tăng, điểm nhấn là SAB nới rộng biên độ khi +2,2% lên 187.100 đồng/CP, trong khi VNM và VHM thu hẹp biên độ và giảm dưới 1%. Ngoài ra, các mã còn lại như VRE, TCB, VIC chỉ còn nhích nhẹ.

Mặt khác, các mã giảm điểm cũng trong biên độ hẹp đều trên dưới 0,5%, ngoại trừ duy nhất BID giảm nhỉnh hơn 1%.

Không chỉ bluechip giao dịch không mấy tích cực, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng giằng co và nhiều mã nóng quay đầu mất điểm như HQC, OGC, ITA, ROS, DLG…

Trong đó, HQC -1,78% xuống 1.660 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu nhưng sụt giảm mạnh, đạt 5,8 triệu đơn vị khớp lệnh; OGC -0,5% xuống 4.190 đồng/Cp và khớp 5,64 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, trong khi hầu hết hầu hết các mã đều đảo chiều giảm điểm thì LHG vẫn duy trì sắc tím và xác lập phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp.

Trên sàn HNX biến động khá giằng co và liên tục đổi sắc. Tuy nhiên, lực bán gia tăng về cuối phiên đẩy HNX-Index xuống mức thấp nhất của phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 46 mã tăng và 62 mã giảm, HNX-Index giảm 0,64 điểm (-0,54%), xuống 116,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,27 triệu đơn vị, giá trị 299,48 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đột biến khi có thêm 107,67 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.558 tỷ đồng, trong đó VCG vẫn là nhân tố chính khi thỏa thuận tới hơn 105 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.512 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ qua 2 phiên giao dịch, cổ phiếu VCG đã có giao dịch thỏa thuận lên tới hơn 127 triệu đơn vị. Hiện chưa có thông tin chính thức giao dịch khủng này.

Được biết, trong cơ cấu cổ đông lớn của VCG, An Quý Hưng hiện là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 57,71%, tương đương 254,9 triệu cổ phiếu VCG; tiếp theo là nhóm Bất động sản Cường Vũ nắm giữ 94 triệu cổ phiếu; Đầu tư Star Invest nắm giữ 33,45 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 28,98%. Còn lại các tổ chức và cổ đông nhỏ lẻ chỉ chiếm khoảng 13,3%.

Không chỉ giao dịch thỏa thuận khủng, VCG tiếp tục tỏa sáng trong phiên sáng nay khi chốt phiên vẫn tăng kịch trần lên mức 29.000 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Ngoài điểm sáng VCG, trong nhóm HNX30 chỉ còn vài điểm xanh nhạt tại DP3, SHS, VCS, còn lại đều giảm hoặc đứng giá tham chiếu. Trong đó, các mã lớn như ACB, SHB, PVS, PVI đều mất giá.

Cổ phiếu ACB dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 3,66 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp theo đó, MBG khớp hơn 2 ,5 riệu đơn vị, còn các mã PVS, SHS, HUT, KLF, SHB, NVB, VCG cùng khớp trong khoảng 1-2 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, mặc dù thị trường hồi phục và giao dịch khởi sắc trong phần lớn thời gian nhưng lực bán gia tăng cuối phiên đã đẩy UPCoM-Index về dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,1%), xuống 56,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 13,23 triệu đơn vị, giá trị gần 147 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,58 triệu đơn vị, giá trị 3,05 tỷ đồng.

Vua thanh khoản trên UPCoM vẫn thuộc về LPB với hơn 2 triệu đơn vị được giao dịch thành công nhưng chốt phiên cổ phiếu này vẫn giảm nhẹ -1,15% xuống 8.600 đồng/CP.

Trong khi đó, DVN đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản với 1,22 triệu đơn vị và chốt phiên +5,17% lên 12.200 đồng/CP.

Tin bài liên quan