Giao dịch chứng khoán chiều 30/6: Bán mạnh cuối phiên, VN-Index giảm phiên thứ 6 liên tiếp

Giao dịch chứng khoán chiều 30/6: Bán mạnh cuối phiên, VN-Index giảm phiên thứ 6 liên tiếp

(ĐTCK) Sau diễn biến tích cực ở phiên sáng, lệnh bán bất ngờ tăng mạnh trong phiên chiều kéo VN-Index quay đầu, ghi nhận phiên giảm thứ 6 liên tiếp.

Phiên lao dốc đột ngột ngày 29/6 dường như đã kích thích dòng tiền bắt đáy ngay khi thị trường mở phiên hôm nay. Theo đó, hoạt động giao dịch diễn ra sôi động trong khoảng 1 giờ đầu và VN-Index có thời điểm đã tăng tới hơn 11 điểm, trước khi hạ nhiệt về cuối phiên.

Những tưởng sau giờ nghỉ trưa thị trường sẽ trở lại nhịp tăng, thì lệnh bán bất ngờ tăng mạnh, kéo VN-Index lao nhanh về mốc 820 điểm, tức giảm gần 8 điểm so với mốc tham chiếu. Đã có những nỗ lực để đưa VN-Index về sát tham chiếu, nhưng trước áp lực bán lớn, thêm một nhịp xả trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa ATC nên VN-Index không tránh được phiên giảm thứ 6 liên tiếp.

Đóng cửa, với 273 mã giảm và 138 mã tăng, VN-Index giảm 4,25 điểm (-0,21%) xuống 825,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 358,39 triệu đơn vị, giá trị 4.946,57 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên 29/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 49,84 triệu đơn vị, giá trị 899,86 tỷ đồng. Trong tháng 6, VN-Index giảm 4,55%.

Nhóm cổ phiếu Vingroup giao dịch tích cực trong phần lớn phiên hôm nay, đóng vai trò trụ đỡ chính cho VN-Index, trong đó VHM có lúc tăng 4%. Tuy nhiên, áp lực lớn khiến nhóm này yếu dần về cuối phiên, ảnh hưởng tới đà hồi phục của VN-Index. Đáng kể nhất là VIC đã lùi về tham chiếu 89.000 đồng, thậm chí VRE còn giảm -2,4% về 24.800 đồng, trong khi VHM chỉ còn tăng 2% lên 75.500 đồng.

Ngoài VHM, chỉ còn 4 mã bluechips khác tăng điểm là HPG +0,6% lên 26.800 đồng, VNM +0,7% lên 112.700 đồng, VJC +1,1% lên 108.000 đồng, HDB +0,4% lên 24.800 đồng.

Ngược lại, các mã MSN, SAB, GAS, VCB, BID, CTG, VPB, MBB… đều giảm từ 1-3%, SBT -4%.

HPG khớp lệnh 14,82 triệu đơn vị khớp lệnh, ROS và STB với khoảng 11 triệu đơn vị. Đây là 3 mã thanh khoản tốt nhất rổ VN30, cao hơn đáng kể các mã đứng sau như SSI (3,78 triệu đơn vị), POW (3,4 triệu đơn vị)…

Tại nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với loạt mã HSG, HQC, DLG, AMD, LDG, HHS, HBC, DXG, DBC…, trong đó FLC, ITA, HÀI, DHR, TCD, TSC giảm sàn.

TNI, FIT, IDI, DIG… là các mã tăng hiếm hoi. Đáng chú ý, DAH và PSH tăng trần, thanh khoản mạnh khi khớp lệnh khoảng 3 triệu đơn vị.

HSG bất ngờ dẫn đầu thanh khoản HOSE với 20,42 triệu đơn vị được sang tên. Khớp lệnh từ 10-19 triệu đơn vị có HQC, FLC, ITA, TNI, ROS và STB.

Trên sàn HNX, áp lực cũng tăng lên trong phiên chiều khiến chỉ số sàn này đảo chiều giảm điểm, thanh khoản giảm mạnh.

Đóng cửa, với 65 mã tăng và 98 mã giảm, HNX-Index giảm 0,56 điểm (-0,51%) về 109,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 37,57 triệu đơn vị, giá trị 325,38 tỷ đồng, giảm 30% về khối lượng và 33% về giá trị so với phiên 29/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,76 triệu đơn vị, giá trị 216,3 tỷ đồng. Trong tháng 6, HNX-Index giảm nhẹ 0,05%.

Trong rổ HNX30, đa phần các mã trụ đều giảm như ACB -0,4% về 22.800 đồng, SHB -0,8% về 13.000 đồng, PVS -0,8% về 11.900 đồng, TVC -7,1% về 9.100 đồng, CEO -5,2% về 7.300 đồng, khớp lệnh từ 2-3 triệu đơn vị.

HUT giảm về 2.600 đồng (-3,7%), khớp lệnh hơn 12 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. KLF giảm sàn về 1.800 đồng, khớp lệnh nhiều thứ 2 với 5,29 triệu đơn vị. NVB -2,3% về 22.800 đồng, khớp lệnh 1,8 triệu đơn vị.

MBG tăng trần lên 5.200 đồng, khớp lệnh 2,7 triệu đơn vị và là mã tăng duy nhất trong nhóm cổ phiếu có thanh khoản từ 1 triệu đơn vị trở lên.

TNG, DGC, VCS, DHT, VC3… đều tăng, nhưng thanh khoản không mạnh.

Trên UPCoM, diễn biến cũng tương tự như 2 sàn niêm yết khi cũng gặp sức ép lớn trong phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, sàn này đã may mắn đảo chiều thành công vào cuối phiên, thanh khoản cũng tăng theo.

Đóng cửa, với với 84 mã tăng và 93 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%) lên 55,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,50 triệu đơn vị, giá trị 362,70 tỷ đồng, tăng 17% về khối lượng và 63% về giá trị so với phiên 29/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,6 triệu đơn vị, giá trị 197,5 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn sàn này duy trì được sắc xanh (DVN, VRG, TVN, VCP, SEA, VOC…), tăng điểm, hoặc về được tham chiếu (VGT, MSR, VLC, QNS, OIL, VIB…), qua đó giúp chỉ số sàn này đảo chiều thành công.

Tuy nhiên, cả 3 mã có thanh khoản cao nhất sàn đều không tăng điểm. LPB -6,8% về 8.200 đồng, khớp lệnh 5,39 triệu đơn vị. BSR và PVV đứng giá 6.900 đồng và 700 đồng, khớp lệnh 2,25 triệu và 1,03 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều giảm điểm. Trong đó, VNF2007 mất 1,4% xuống 752,2 điểm, với khối lượng khớp lệnh 197.982 đơn vị, khối lượng mở 22.161 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, có 21 mã tăng và 42 mã giảm (1 mã giảm sàn), 6 mã không có giao dịch và 1 mã đứng giá, trong đó CMWG2002 là mã có thanh khoản cao nhất, đạt 470.136 đơn vị khớp lệnh và kết phiên giảm sàn về 10 đồng/CQ.

Tin bài liên quan