Giao dịch chứng khoán chiều 2/7: Sức cầu yếu, VN-Index giảm điểm trở lại

Giao dịch chứng khoán chiều 2/7: Sức cầu yếu, VN-Index giảm điểm trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên hào hứng hôm qua, dòng tiền nhanh chóng trở nên dè dặt hơn trong phiên hôm nay, khiến thị trường sụt giảm cả điểm số và thanh khoản.

Dư âm từ phiên tăng điểm mạnh ngày 1/7 giúp VN-Index mở cửa ngày 2/7 trong sắc xanh. Tuy nhiên, đà tăng này nhanh chóng đảo chiều khi lượng cung giá thấp lớn được đẩy vào thị trường, trong khi bên mua tỏ ra dè dặt hơn rất nhiều, khiến diễn biến thị trường diễn ra chậm, VN-Index chỉ giằng co trong biên độ hẹp.

Tình trạng trên tiếp tục diễn ra trong phiên chiều, khiến VN-Index không có cơ hội để bứt khỏi sự giằng co, kết quả không thể giữ được sự tích cực từ phiên trước đó và giảm trở lại.

Đóng cửa, với 168 mã tăng và 210 mã giảm, VN-Index giảm 1,11 điểm (-0,13%) về 842,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 223,14 triệu đơn vị, giá trị 3.753,87 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên 1/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,89 triệu đơn vị, giá trị hơn 862 tỷ đồng.

Trong rổ VN30, số mã giảm chiếm gần gấp đôi số mã tăng với 18 mã, nhưng không mã nào giảm quá 2%, nên VN-Index không giảm sâu. Trong đó, giảm mạnh nhất là POW -1,9% về 9.100 đồng, tiếp đó là VNM -,15% về 113.000 đồng. Các mã ROS, STB, SSI, VIC giảm hơn 1%.

Ngược lại, một số mã tăng tích cực như MSN +3,1% lên 57.200 đồng, SAB +2,4% lên 166.900 đồng, BVH +2,1% lên 46.900 đồng…

Đáng chú ý, CTD tiếp tục treo cứng trong sắc tím cho đến hết phiên tại mức giá 79.00 đồng, khớp lệnh hơn 0,4 triệu đơn vị và còn dư mua trần gần 1,9 triệu đơn vị. Đây cũng là phiên tăng trần thứ 2 liên tục của mã này.

Diễn biến phân hóa mạnh cũng diễn ra tại nhóm cổ phiếu thị trường. Các mã FLC, HSG, HQC, DLG, LDG, DXG, HAI, AMD… giảm điểm, còn ITA, HBC, DBC, GTN, ASM, TNI, MHC, KSB… cùng tăng điểm.

FLC dẫn đầu thanh khoản với 21,25 triệu đơn vị, giảm 6,2% về 3.630 đồng. ROS đứng thứ 3 với 11,37 triệu đơn vị, giảm 1,3% về 3.000 đồng.

HPG đứng thứ 2 với hơn 13 triệu đơn vị, tăng 0,7% lên 27.600 đồng. HBC và DBC cùng tăng tích cực, lần lượt là 3,9% lên 10.750 đồng và 4,8% lên 47.900 đồng, khớp lệnh 5,87 triệu và 3,36 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến giằng co mạnh hơn so với HOSE, nhưng cũng không về được tham chiếu khi sức cầu hạn chế. Trong 10 mã khớp lệnh cao nhất sàn, không có mã nào đạt tới 2 triệu đơn vị - đã thể hiện rõ điều này.

Đóng cửa, với 70 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index giảm 0,08 điểm (-0,07%) về 111,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,3 triệu đơn vị, giá trị 241,5 tỷ đồng, giảm 30% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên 1/7. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,31 triệu đơn vị, giá trị 17,9 tỷ đồng.

Việc các mã vốn hóa lớn nhất như ACB, SHB, VCS, PVS, PVC, CEO… còn giảm điểm khiến chỉ số HNX-Index chưa thể tăng. Trong đó, ACB -0,4% về 23.100 đồng, SHB -1,5% về 13.000 đồng, CEO -2,5% về 7.800 đồng… NVB đứng giá 8.600 đồng.

HUT +2,8% lên 2.700 đồng, khớp lệnh 1,9 triệu đơn vị. TVC +4% lên 10.400 đồng, khớp lệnh 1,05 triệu đơn vị. DST tăng trần lên 6.000 đồng, khớp lệnh 1,03 triệu đơn vị. Bảy mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị còn lại là KLF, NVB, SHS, CEO, SHB, PVS, ACB.

Trên UPCoM, sau nhịp tăng đầu phiên, thị trường này chìm trong sắc đỏ sau đó, thanh khoản cũng trong tình trạng èo uột.

Đóng cửa, với 101 mã tăng và 53 mã giảm, UPCom-Index giảm 0,16 điểm (-0,29%) về 55,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 160 tỷ đồng, giảm 27% về khối lượng và 36% về giá trị so với phiên 1/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,74 triệu đơn vị, giá trị 3,9 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn trên sàn này tăng điểm, nhưng hiếm mã tăng quá 1%, nên UPCom-Index không thể bứt lên. Chẳng hạn, các mã BSR, VIB, VGI, OIL, QNS, ACV… đều không tăng quá 0,6%. VRG là mã hiếm hoi tăng 2,1%, CTR cũng chỉ tăng 0,9%.

LPB dẫn đầu thanh khoản với 1,96 triệu đơn vị, nhưng đứng giá 8.200 đồng. Ngoài ra chỉ có thêm 2 mã thanh khoản cao là BSR và VIB với lần lượt 1,88 triệu và 1,31 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, cho dù chỉ số cơ sở giảm. Trong đó, hợp đồng VN30F2007 đáo hạn ngày 16/7 tăng 0,57% lên 773 điểm với 219.722 hợp đồng được chuyển nhượng, cao nhất nhóm, khối lượng mở 26.643 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, có 16 mã tăng (1 mã tăng trần), 28 mã giảm và 2 mã đứng giá. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CHDB2003 với 235.790 đơn vị được giao dịch, đóng cửa đứng giá 960 đồng. Mã tăng trần là CCTD2001 lên 2.370 đồng với 143.960 đơn vị được giao dịch.

Tin bài liên quan