Giao dịch chứng khoán chiều 23/4: Nhà đầu tư chùn tay, VN-Index chỉ tăng 5 điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 23/4: Nhà đầu tư chùn tay, VN-Index chỉ tăng 5 điểm

(ĐTCK) Sau phiên sáng ghi nhận sự giảm tốc của VN-Index, giao dịch đã chậm lại đáng kể thời sau giờ nghỉ trưa, khiến chỉ số gần như chỉ đi ngang, kèm thanh khoản thị trường sụt giảm và diễn biến phân hóa cao giữa các nhóm cổ phiếu.

Sau phiên sáng chững lại, thị trường bước vào phiên chiều với giao dịch chậm lại đáng kể, VN-Index gần như chỉ đi ngang tại số điểm khi kết phiên sáng trong biên độ rất hẹp, thậm chí có thể nói là gần như không đổi, mặc dù có thời điểm tăng trở lại mốc 775 điểm, nhưng đợt khớp lệnh ATC đã thêm một lần đẩy chỉ số thoái lui.

Đóng cửa, sàn HOSE có 195 mã tăng và 143 mã giảm, VN-Index tăng 4,99 điểm (+0,65%), lên 773,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gàn 205,8 triệu đơn vị, giá trị 3.292,6 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,4 triệu đơn vị, giá trị 370,7 tỷ đồng.

Các mã lớn trong VN30 phân hóa mạnh hơn phiên sáng, với 16 mã tăng, 9 mã giảm với đa số cũng chỉ biến động nhẹ trên dưới 1%. Đi cùng 5 mã đứng tham chiếu (BID, MSN, PLX, SSI, CTD).

Một vài cổ phiếu nổi bật và có mức tăng khá như GAS +2,5% lên 65.100 đồng; SAB +3,2% lên 180.600 đồng; HPG +3,9% lên 21.600 đồng; VRE +2,3% lên 24.100 đồng; ROS +2% lên 3.640 đồng; VHM +1,8% lên 66.600 đồng; MWG +1,8% lên 83.500 đồng.

Mất điểm không mã nào giảm sâu, lớn nhất là VPB,  khi -1,5% xuống 19.900 đồng; VNM -1,4% xuống 96.100 đồng và HDB -1% xuống 20.600 đồng.

Thanh khoản HPG vẫn duy trì đứng đầu nhóm và cao nhất HOSE với hơn 8,3 triệu đơn vị khớp lệnh; ROS có hơn 7 triệu đơn vị; STB có 5,4 triệu đơn vị; POW có 5 triệu đơn vị. Nhóm SSI, CTG, VRE, SBT, MBB, VPB có từ 2,6 triệu đến 3,7 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường phân hóa mạnh với đóng cửa trong sắc xanh có HQC, PVD, AAA, DLG, KBC, DCM, LDG, SKG, HAG, SJF.

Cùng với đó là sắc tím đáng kể tại QCG, CSM, GIL, PAC, DHM, FRT và đặc biệt là HSG, khi lực mua mạnh, trong khi bên nắm giữ không muốn bán đã khiến cổ phiếu này chỉ có 1,77 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua giá trần lên tới hơn 9,6 triệu đơn vị.

Trái lại, kết phiên giảm điểm cũng không ít như ITA, GTN, DBC, PVT, SCR, DPM, KSB, TDH, IDI, TTB, ASM, cùng 2 mã DRH, TVB đều nằm sàn lần lượt tại 4.980 đồng và 10.650 đồng, khớp lệnh đều có hơn 1,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, giao dịch cũng chỉ cầm chừng, khi chỉ số HNX-Index bò ngang quanh tham chiếu, mặc dò có vài thời điểm chớm đỏ, nhưng may mắn cũng đóng cửa trong sắc xanh nhờ nhịp nảy nhẹ vào cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 44 mã tăng và 34 mã giảm, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,16%), lên 106,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,1 triệu đơn vị, giá trị 365,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,63 triệu đơn bị, giá trị 157,2 tỷ đồng.

Các mã nhỏ trong phiên sáng tăng kịch trần tiếp tục giữ vững số điểm khi đóng cửa như KLF, VIG, C69 SPP, BII, HDA, DST, trong khi giảm sàn có HUT, PVX và ART, TIG đứng tham chiếu.

Các mã lớn như ACB -0,5% xuống 20.300 đồng; CEO -1,5% xuống 6.800 đồng; SHS -3,6% xuống 8.100 đồng; TAR -6,2% xuống 31.600 đồng.

Còn lại tích cực hơn phiên sáng như SHB +1,3% lên 16.400 đồng; PVS +2,6% lên 11.800 đồng; PVI +1% lên 30.800 đồng; VCG +0,4% lên 25.100 đồng; DGC +1,6% lên 25.900 đồng; NVB +2,5% lên 8.200 đồng.

Thanh khoản KLF vẫn dẫn đầu sàn với hơn 8,9 triệu đơn vị khớp lệnh. Tiếp theo là PVS với hơn 5,4 triệu đơn vị HUT có 3,5 triệu đơn vị; NVB có 3,3 triệu đơn vị; ART có 2,9 triệu đơn vị; ACB có 2 triệu đơn vị; SHB có 1,78 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, diễn biến tích cực hơn với chỉ số UpCoM-Index đã dần đi lên và đóng cửa ở mức điểm cao hơn phiên sáng.

Nhóm gần 30 cổ phiếu thanh khoản cao nhất gần như tất cả đều tăng, trong đó các mã nhỏ POB, CDO, PVV còn tăng kịch trần.

3 mã được giao dịch nhiều nhất là BSR với 3,4 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 7,1% lên 6.000 đồng; OIL có 2,18 triệu đơn vị được khớp, tăng 10% lên 7.700 đồng; LPB có 2 triệu đơn vị, tăng 1,4% lên 7.000 đồng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,5%), lên 51,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,84 triệu đơn vị, giá trị 137,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,6 triệu đơn vị, giá trị 42,63 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó, VN30F2005 đáo hạn gần nhất giảm 1,16% xuống 678,9 điểm với hơn 260.000 đơn vị khớp lệnh, khối lượng mở có gần 30.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sự phân hóa mạnh diễn ra với khoảng hơn 20 mã, và 27 mã tăng, cùng không ít đứng tham chiếu, trong đó, CTCB2001 có giao dịch sôi động nhất với 0,56 triệu đơn vị khớp lệnh, và giảm xuống 600 đồng/cq.

Tin bài liên quan