Giao dịch chứng khoán chiều 14/8: Bất ngờ cuối phiên

Giao dịch chứng khoán chiều 14/8: Bất ngờ cuối phiên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu bắt đáy cuối phiên đã giúp thị trường bớt giảm sâu và VN-Index may mắn giữ được ngưỡng kháng cự 850 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần 14/8.

Dù có chút rung lắc đầu phiên nhưng thị trường nhanh chóng hồi phục trở lại. Tuy nhiên, ngay khi thử thách ngưỡng kháng cự 860 điểm, áp lực bán đã gia tăng khiến thị trường dần thu hẹp biên độ. Diễn biến phân hóa mạnh trên thị trường đã đẩy VN-Index về sát vùng tham chiếu khi chốt phiên sáng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục phân hóa khiến VN-Index giao dịch giằng co trong biên độ hẹp. Tuy nhiên, trạng thái này chỉ diễn ra trong 30 phút đầu phiên và dần trở nên kém tích cực khi áp lực bán gia tăng.

Sắc đỏ bao phủ trên diện rộng cùng sức ép gia tăng tại nhóm bluechip khiến thị trường nới rộng đà giảm điểm, chỉ số VN-Index thủng mốc 850 điểm. Và, lực cầu bắt đầu xuất hiện vào cuối phiên giúp một số cổ phiếu lớn thu hẹp đà giảm tuy nhiên không đủ dứt khoát để kéo thị trường tăng điểm trở lại.

Chốt phiên, VN-Index giảm 4,31 điểm (-0,5%), xuống 850,74 điểm với 145 mã tăng và 239 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 304,71 triệu đơn vị, giá trị 5.162,85 tỷ đồng, tăng 18,86% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,61 triệu đơn vị, giá trị 424,33 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn giao dịch kém khởi sắc như VIC đảo chiều mất điểm, hay một số mã nới rộng biên độ giảm như VCB -1,2% xuống 82.000 đồng/CP, BID -1,6% xuống 39.000 đồng/CP, CTG -1,1% xuống 23.500 đồng/CP, MSN -1,8% xuống 53.400 đồng/CP, HPG -1,6% xuống 24.100 đồng/CP.

Trong đó, HPG là mã giao dịch sôi động nhất sàn HOSE với khối lượng khớp lệnh đạt 15,36 triệu đơn vị.

Mặt khác, bộ 3 trụ đỡ chính của thị trường là SAB, VHM, VNM cũng thu hẹp biên độ tăng đáng kể. Trong khi VHM và VNM tăng chưa tới 0,5%, thì SAB cũng chỉ nhích hơn 1%.

Trong khi phần lớn bluechip đều có chiều hướng không mấy tích cực thì HDB tiếp tục có phiên tăng thứ 10 liên tiếp. Kết phiên, HDB +1,1% lên mức 27.400 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh 1,99 triệu đơn vị.

Mới đây, HĐQT HDBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và cổ tức tổng tỷ lệ 30%. Theo đó, Ngân hàng dự kiến phát hành tối đa gần 290 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ từ 9.810 tỷ đồng lên 12.708 tỷ đồng.

Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành gần 145 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 15%, nguồn thực hiện được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2019 đã được kiểm toán. HDBank sẽ tiếp tục phát hành khối lượng tương đương để trả cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần trong báo cáo tài chính kiểm toán 2019. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2020.

Ở nhóm cổ phiếu nóng, cặp đôi ITA và HQC có thanh khoản tích cực, chỉ đứng sau HPG với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 10,8 triệu đơn vị, tuy nhiên, kết phiên cả 2 đều bị đẩy về vùng giá gần thấp nhất ngày với ITA -3,3% xuống 4.100 đồng/CP và HQC -4,1% xuống 1.620 đồng/CP.

Tương tự, trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng mạnh khiến HNX-Index có thời điểm thủng mốc 115 điểm nhưng lực cầu bắt đáy kích hoạt giúp chỉ số này trở về vùng giá chốt phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,64 điểm (-0,54%), xuống 116,23 điểm với 72 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,7 triệu đơn vị, giá trị 538,88 tỷ đồng, tăng 26,96% về khối lượng và 29,95% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm tới 108,73 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.573 tỷ đồng, trong đó riêng VCG thỏa thuận 105,57 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.512 tỷ đồng.

Nếu trong phiên sáng, VCG có chút rung lắc sau phiên tăng trần hôm qua (13/8), thì sang phiên chiều, chiếc áo tím được giữ khá vững chắc. Kết phiên, VCG +9,85% lên mức giá trần 29.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1,32 triệu đơn vị và dư mua trần 52.000 đơn vị.

Ngoại trừ điểm sáng VCG, còn lại hầu hết các cổ phiếu trong nhóm HNX30 vẫn giao dịch không mấy tích cực.

Cụ thể, SHB -1,6% xuống 12.500 đồng/CP, PVS -1,6% xuống 12.100 đồng/CP, PVI -1,9% xuống 30.200 đồng/CP, ACB -0,78% xuống 25.300 đồng/CP… Trong đó, ACB là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên HNX với 6,68 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Đứng thứ 2 về thanh khoản là cổ phiếu nhỏ HUT khi khớp 4,36 triệu đơn vị và đóng cửa, cổ phiếu này cũng để mất điểm khi -4,55% xuống 2.100 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường tiếp tục duy trì đà giảm điểm trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,27%) xuống 56,71 điểm với 144 mã tăng và 99 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,57 triệu đơn vị, giá trị 259,79 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,06 triệu đơn vị, giá trị 11,84 tỷ đồng.

Mặc dù đà giảm không quá sâu nhưng nhiều mã lớn như ACV, BCM, VEA, BSR, MCH, VIB… đều mất giá.

Trong khi đó, cổ phiếu LPB đã hồi phục khi +1,1% lên 8.800 đồng/CP và khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường UPCoM, đạt 4,22 triệu đơn vị.

Hai mã tí hon PVX và KSH đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 3,39 triệu đơn vị và 1,97 triệu đơn vị. Kết phiên cả PVX và KSH đều tăng trần.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm theo chỉ số VN30. Trong đó, VN30F2008 giảm 0,6% xuống 793,5 điểm với thanh khoản dẫn đầu đạt 188.374 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 38.324 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, có 32 mã tăng, 45 mã giảm và 8 mã đứng giá. Trong đó, CVIC2003 là mã có thanh khoản nhất với 67.085 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa giảm về mức 320 đồng. Tiếp theo là CMWG2009 đạt 66.619 đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng lên 740 đồng/CQ.

Tin bài liên quan