Giao dịch chui cổ phiếu: Xử nhẹ sẽ nhờn

Giao dịch chui cổ phiếu: Xử nhẹ sẽ nhờn

(ĐTCK) Đã có án phạt lên tới nửa tỷ đồng cho hành vi vi phạm công bố thông tin khi giao dịch cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp được ban hành thời gian qua, nhưng tình trạng này vẫn liên tục tái diễn.

Lỗi giao dịch “chui” phổ biến

Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều trường hợp cổ đông nội bộ tại các doanh nghiệp niêm yết vi phạm quy định về công bố thông tin khi thực hiện mua, bán cổ phiếu đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt.

Ngày 6/11/2017, bà Lưu Hải Anh, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang (SKG) đã bị xử phạt số tiền lên đến 535 triệu đồng do bán “chui” 5.400 cổ phiếu SKG từ ngày 16/6 -15/7/2017. Mức phạt khá “nặng” với số tiền phạt gần gấp đôi giá trị chứng khoán đã bán tính theo thị giá khi đó, bởi cơ quan quản lý xác định giao dịch này diễn ra ngay trước khi SKG công bố quyết định bị Chi cục Thuế huyện Phú Quốc (Kiên Giang) xử phạt hành chính về thuế, dẫn đến việc thị giá cổ phiếu lao dốc. Như vậy, hành vi này còn vi phạm về giao dịch nội bộ cổ phiếu nên phải nộp phạt và nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp.

Trong những năm gần đây, số vi phạm trên thị trường chứng khoán cũng có xu hướng ngày càng gia tăng. Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giai đoạn từ năm 2010 - 2015, cơ quan này đã ban hành hơn 900 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 60 tỷ đồng.

Trong năm 2016, Ủy ban Chứng khoán đã ban hành 121 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 70 tổ chức và 51 cá nhân vi phạm và từ đầu năm 2017 đến hết ngày 14/11, đã có 168 quyết định xử phạt với 58 cá nhân và 110 tổ chức được ban hành. Trong đó, số hành vi vi phạm liên quan đến công bố thông tin của những người đứng đầu doanh nghiệp và người có liên quan chiếm tỷ trọng lớn.

Đáng chú ý, có trường hợp 4 cá nhân tại một doanh nghiệp cùng bị xử phạt. Chẳng hạn, ông Đỗ Quang Sơn, bà Nguyễn Ngọc Anh, ông Đỗ Đức Huấn và bà Phạm Thị Phúc bị xử phạt do báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch hay không báo cáo theo quy định trước khi thực hiện giao dịch trong vai trò là người có liên quan thành viên Hội đồng quản trị CTCP Xây dựng và thương mại Long Thành (KDM).

Trước đó, ngày 29/5/2017, bà Nguyễn Thị Mai Hương, ông Lê Xuân Nghĩa, ông Tào Ngọc Tuấn và bà Phạm Thị Thủy là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc tại CTCP Gạch ngói Nhị Hiệp (NHP) cũng bị xử phạt vì bán quyền mua cổ phiếu nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán trước khi thực hiện…

Xử nhẹ nên “nhờn luật”?

Cổ đông nội bộ và người có liên quan được xem là những người hiểu rõ và có khả năng tiếp cận sớm các thông tin về doanh nghiệp. Lợi thế thông tin giúp họ có khả năng giao dịch trước thị trường và thu lợi ích lớn từ những giao dịch đó, trong khi gây thiệt hại nặng nề cho những nhà đầu tư biết thông tin sau, làm giảm lòng tin của với doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.

Do vậy, để giảm thiểu tình trạng bất cân xứng thông tin, đảm bảo thị trường chứng khoán vận hành minh bạch, hiệu quả, xây dựng lòng tin của nhà đầu tư, không chỉ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới đều buộc mọi giao dịch của lãnh đạo doanh nghiệp, của cổ đông nội bộ phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin hết sức chặt chẽ.

Những trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm có thể bị kết tội giao dịch nội bộ (sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác) và bị xử lý rất nặng.

Chẳng hạn như trường hợp Kenneth Lay, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc và Jeff Skilling - Giám đốc điều hành của Tập đoàn Enron (Mỹ) đã bị buộc tội giao dịch nội gián (bên cạnh các cáo buộc khác) do đã bán một lượng cổ phiếu đang nắm giữ trước khi các bê bối kiểm toán, tài chính tại tập đoàn này bị khui ra và Jeff Skilling phải lĩnh án đến 24 năm tù là ví dụ.

Tại Việt Nam, giao dịch của cổ đông nội bộ và người có liên quan luôn nhận được sự quan tâm, chú ý của giới đầu tư và những động thái này này đều có tác động đến diễn biến giá của cổ phiếu trên thị trường. Để ngăn chặn các hành vi giao dịch nội bộ, đảm bảo công bằng giữa các cổ đông, sự phát triển ổn định của thị trường, các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán yêu cầu cổ đông nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin tối thiểu 3 ngày làm việc trước khi thực hiện giao dịch, cũng như báo cáo sau khi hoàn tất giao dịch hoặc hết thời hạn đăng ký giao dịch.

Trường hợp vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 100 triệu đồng (Nghị định 145/2016/NĐ-CP và Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán). Thậm chí, trong trường hợp vi phạm bị xác định là giao dịch nội bộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt lên đến 10 tỷ đồng hoặc 7 năm tù (Điều 209, 210, Bộ luật Hình sự 2015).

Quy định là vậy, nhưng tại sao khi thị trường chứng khoán tăng trưởng cao, giao dịch ngày càng sôi động thì các án phạt giao dịch cổ phiếu “chui” lại càng có xu hướng gia tăng?

Lý do mà các lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan đưa ra trong văn bản giải trình đại loại theo một mẫu số chung là: vi phạm do sơ suất, không biết hoặc quên nghĩa vụ phải công bố thông tin, lỗi của bộ phận hỗ trợ, thậm chí sai sót do môi giới nghe và đặt nhầm lệnh…

Có thể trong nhiều tình huống, lý do vi phạm về công bố thông tin của cổ đông nội bộ và người có liên quan thực sự là như vậy, bởi lẽ trong điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, nếu muốn mua/bán “chui” cổ phiếu để hưởng lợi, họ có thể “mượn” tài khoản người khác đứng tên để giao dịch.

Cơ quan quan giám sát cũng rất khó để phát hiện hay chứng minh mối liên hệ giữa các tài khoản này và cổ đông nội bộ, người có liên quan. Nhưng chắc chắn có không ít trường hợp cố tình vi phạm và tình huống này thường xảy ra tại một số doanh nghiệp “nhạy cảm” được thị trường chú ý, có “tì vết”, hoặc lượng cổ phiếu cần bán ra lớn nếu công bố thông tin trước có thể tác động mạnh đến giá. Khi đó, họ chấp nhận giao dịch chui và sẵn sàng nộp phạt, bởi số tiền vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng là quá nhỏ so với mức lợi thu được.

Theo quy trình, sau khi nhận được giải trình của người vi phạm, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán tiếp tục thanh tra để kết luận có hay không hành vi giao dịch nội gián, thao túng giá chứng khoán…, tuy nhiên, để kết luận và áp dụng khung hình phạt này đòi hỏi phải có bằng chứng về số lợi bất chính thu được, trong khi con số này rất khó xác định.

Thực tế cho thấy, không ít khi giao dịch “chui” của lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan có giá trị lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, nhưng việc xử phạt hầu như chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính. Việc xác định có thu lợi bất chính, kết luận giao dịch nội bộ như trường hợp bà Lưu Hải Anh, Kế toán trưởng SKG hay cao hơn là xử lý hình sự là rất hiếm thấy.

Phải chăng vì thế mà hành vi “quên” công bố thông tin trước giao dịch của cổ đông nội bộ vẫn liên tục tiếp diễn?

Mức xử phạt với hành vi giao dịch cổ phiếu chui có thể không lớn, nhưng việc lãnh đạo doanh nghiệp và người nhà không công bố thông tin trước khi mua bán cổ phiếu, dù vô tình hay cố ý,  sẽ gây mất mát lớn cho doanh nghiệp.

“Mất tiền là mất một, mất uy tín mới là mất mười”, việc tuân thủ các quy định về công bố thông tin không chỉ là câu chuyện tuân thủ pháp luật, mà quan trọng hơn thể hiện trách nhiệm của người lãnh đạo đối với nhà đầu tư, cổ đông và với chính doanh nghiệp. Bởi niềm tin của nhà đầu tư chỉ được xây dựng trên cơ sở sự minh bạch và tôn trọng. Doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững nếu có được sự tin tưởng và ủng hộ, sát cánh của cổ đông.

Tin bài liên quan