Khi sức cầu không tăng mà nguồn cung chứng khoán tăng mạnh, chỉ số rơi là hậu quả chung với thị trường

Khi sức cầu không tăng mà nguồn cung chứng khoán tăng mạnh, chỉ số rơi là hậu quả chung với thị trường

Gian nan giải quyết cổ phiếu “ế”

(ĐTCK) Phát hành tăng vốn là nhu cầu cấp thiết của nhiều doanh nghiệp, nhưng không ít doanh nghiệp thất bại, loay hoay tìm cách giải quyết số cổ phiếu “ế”.

Đại hội đồng cổ đông năm 2018 của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 212,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:0,67 để tăng vốn điều lệ lên 5.516 tỷ đồng. Mức giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần, bằng 70% giá trị sổ sách của Công ty tại thời điểm 31/12/2017. Tổng giá trị của đợt chào bán là 2.124 tỷ đồng, SCR dự kiến sẽ dùng để mua 79,82% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Toàn Hải Vân, mua thêm vốn của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Thành Thành Công (TTC IZ) để tăng tỷ lệ sở hữu lên 50,05% và mua 51% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Khai thác và Quản lý khu công nghiệp Đặng Huỳnh. Cả 3 công ty này đều là thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công.

Trong đợt phát hành lần thứ nhất với hơn 48,7 triệu cổ phần, SCR chỉ bán được 24,24 triệu cổ phần. Mới đây, SCR công bố nghị quyết thông qua việc xử lý số cổ phiếu không chào bán hết và Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công là doanh nghiệp sẽ mua lại số cổ phần này từ nay đến hết ngày 22/6/2018.

Không phải doanh nghiệp nào cũng “may mắn” tìm được người mua như vậy, bởi SCR và Đầu tư Thành Thành Công có mối liên hệ từ những thành viên trong cùng một gia đình (lãnh đạo hai công ty là người nhà) và có những dự án “ràng buộc” nhất định. Theo đó, Đầu tư Thành Thành Công nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 49 triệu cổ phiếu SCR, trở thành cổ đông lớn.

Trước đó, Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) và Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG) cũng phải tìm cách giải quyết cổ phiếu phát hành không thành công cho cổ đông hiện hữu, chuyển sang phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân.

Có nhiều lý do đằng sau những thương vụ mua bán, có thể là sự ràng buộc về quyền lợi sau này, nhưng khi các cổ đông hiện hữu từ chối mua cổ phiếu và doanh nghiệp phân phối cho một số đối tác/nhà đầu tư thì có thể coi như doanh nghiệp chuyển hướng từ phát hành cho cổ đông hiện hữu sang phát hành riêng lẻ.

Giá chào bán của các đợt phân phối đó hầu hết ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu, nên với những doanh nghiệp có thị giá cổ phiếu cao hơn mệnh giá, việc phát hành sẽ thuận lợi hơn.

Dự kiến, trong quý II hoặc quý III/2018, Công ty cổ phần City Auto (CTF) thực hiện chào bán 21,6 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Lãnh đạo CTF cho biết, giá phát hành chỉ bằng một nửa thị giá, nhưng nếu không phát hành thành công để thu được số tiền 216 tỷ đồng như dự tính thì Công ty sẽ đàm phán với các ngân hàng/tổ chức tín dụng bù đắp thêm vốn cho nhu cầu đầu tư.

Theo phương án của Hội đồng quản trị CTF, số vốn thu được từ đợt phát hành sẽ được bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động của Công ty, đầu tư xây dựng thêm mới các showroom trong giai đoạn 2018 - 2019. Bên cạnh đó, Công ty sẽ thực hiện mua lại những showroom có vị trí thuận lợi của các doanh nghiệp cùng ngành nghề, hoặc trực tiếp tham gia mua cổ phần chi phối của các doanh nghiệp có mạng lưới phân phối lớn, hệ thống showroom đa dạng, ví trí đẹp để mở rộng thị phần.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo kết quả đấu giá quyền mua cổ phần của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN) do Bộ Giao thông Vận tải sở hữu. Tổng số lượng đặt mua hợp lệ là 262.000 quyền mua, chỉ bằng 0,07% tổng khối lượng chào bán (hơn 371,5 triệu quyền mua). Với giá đấu thành công bình quân bằng giá khởi điểm 6.026 đồng/quyền mua, tổng giá trị quyền mua bán được chỉ vỏn vẹn 1,58 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng doanh nghiệp muốn gọi vốn và khối lượng phát hành tăng mạnh đã gây ra tình trạng bội cung, khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng “ế” cổ phiếu.

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết thừa nhận, việc tăng vốn lớn ở một khía cạnh nào đó gây áp lực cho doanh nghiệp trong việc tạo ra lợi nhuận sau đó, nếu chiến lược phát triển không tốt sẽ khiến nhà đầu tư mất niềm tin và bản thân doanh nghiệp gặp khó khó khăn ở đợt huy động vốn sau này.

Định lượng điểm cân bằng trong cung - cầu vốn tại doanh nghiệp đã khó, điểm cân bằng giữa cung - cầu chứng khoán trên thị trường còn phức tạp và khó khăn hơn nhiều. Khi sức cầu không tăng mà nguồn cung chứng khoán tăng mạnh, ế là hậu quả trực tiếp với các doanh nghiệp, chỉ số rơi là hậu quả chung với thị trường.                 

Tin bài liên quan