Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 ước đạt 6,2 tỷ USD, giảm gần 1,2 tỷ USD so với tháng trước.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 ước đạt 6,2 tỷ USD, giảm gần 1,2 tỷ USD so với tháng trước.

Giảm áp lực nhập siêu: Thúc đẩy xuất khẩu

(ĐTCK-online) Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhập siêu đã giảm đáng kể trong tháng 1 với ước tính chỉ còn 1,3 tỷ USD. Có thể do đây là tháng cận Tết Nguyên đán, việc nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng cho dịp này không còn sôi động như trước. Mặt khác, nhiều sắc thuế đã được điều chỉnh và có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 làm tăng chi phí nhập khẩu. Nếu xu hướng này được duy trì, cán cân xuất nhập khẩu năm 2010 sẽ lạc quan, giảm áp lực lên chính sách tỷ giá.

Xuất nhập khẩu tháng 1

Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm gần 600 triệu USD (-11%) so với tháng trước. Song, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tháng này tăng 28,1%. Nguyên nhân là do, trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng so với tháng 1/2009 như dầu thô tăng 114%, cao su tăng 87%, gạo tăng 23%, than đá tăng 40%. Dự báo, trong thời gian tới, nhiều mặt hàng xuất khẩu sẽ tăng về sản lượng như hạt điều, chè, hạt tiêu, gạo, sắn và sản phẩm sắn…, đưa kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 ước đạt 6,2 tỷ USD, giảm gần 1,2 tỷ USD (-16%) so với tháng trước. Nhờ vậy, nhập siêu từ mức rất cao, tới trên 2 tỷ USD trong tháng 11/2009, giảm còn trên 1,9 tỷ USD trong tháng 12/2009 và ước tính chỉ còn 1,3 tỷ USD trong tháng 1 này. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu tháng này tăng 86,6%, do giá nguyên liệu thế giới hiện tại cao hơn nhiều so với tháng 1/2009, ví dụ xăng dầu tăng 53%, sắt thép 86%, kim loại thường khác tăng 216%, chất dẻo tăng 114%, sợi dệt tăng 175%...

Mặt hàng

Tháng 12/2009

Tháng 1/2010

Dầu thô

426

570

Thủy sản

387

270

Dệt may

882

750

Giày dép

472

380

Cao su

197

155

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ lực (đơn vị: triệu USD)

Mặt hàng

Tháng 12/2009

Tháng 1/2010

Sắt thép

504

283

Ôtô

410

195

Máy móc, thiết bị

1.451

1.100

Bài toán khó

Do tháng 1 là thời điểm cận Tết Nguyên đán nên nhập khẩu có thể “chùng” so với các tháng trước, vì thế kiểm soát nhập siêu và cân đối cán cân thanh toán vẫn là vấn đề được quan tâm trong năm 2010 này.

Theo chỉ tiêu Quốc hội giao, tăng trưởng xuất khẩu của năm 2010 là 6% so với năm 2009, tương ứng với kim ngạch đạt khoảng 59,9 tỷ USD. Để giữ được tỷ lệ nhập siêu bằng 20% kim ngạch xuất khẩu thì mức nhập siêu năm 2010 có con số tuyệt đối là 12 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc năm 2010, cả nước có kim ngạch nhập khẩu không quá 71,9 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, nếu không theo dõi và có biện pháp điều tiết từ đầu năm, nhập khẩu cả năm sẽ tăng cao. Thứ nhất, do kinh tế thế giới phục hồi, nên giá cả hầu hết các mặt hàng nguyên liệu, nhiên vật liệu đều tăng cao. Giá bình quân các mặt hàng như sắt, thép, dầu thô, phân bón, chất dẻo…, vào cuối năm 2009 tăng mạnh so với đầu năm. Nếu lấy giá ở các tháng cuối năm 2009 (tăng 10% so với bình quân cả năm 2009) để tạm tính cho giá nhập khẩu của năm 2010, thì dù lượng hàng nhập khẩu được giữ như năm 2009, kim ngạch nhập khẩu của năm 2010 vẫn sẽ tăng thêm 10%.

Trong các mặt hàng chủ lực, không thể không đề cập đến kim ngạch xuất nhập khẩu dầu thô, xăng, dầu. Lượng xăng, dầu nhập khẩu năm 2010 sau khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động dự báo giảm khoảng 3,5 triệu tấn, nhưng giá mặt hàng này trong năm 2010 được nhận định tăng khá, vì thế kim ngạch nhập khẩu xăng dầu có thể duy trì ở mức như năm 2009. Mặt khác, Bộ Công thương cũng dự đoán, năm 2010, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giải ngân nhiều hơn, dẫn tới nhu cầu gia tăng nhập khẩu các loại máy móc, nguyên liệu.

Trong các biện pháp kiểm soát nhập siêu được đề cập, giải pháp về thuế được nhắc tới khá nhiều. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, hiệu quả có thể không cao. Các biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng hạn chế nhập khẩu (hàng tiêu dùng). Song tỷ trọng của nhóm này chỉ chiếm 8,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2009 (5,98 tỷ USD so với 68,3 tỷ USD), nên nếu áp dụng quyết liệt mọi biện pháp thì mức giảm nhập khẩu cũng không quá lớn. Bộ Công thương dự đoán, tỷ trọng nhập khẩu của nhóm sản phẩm này năm nay sẽ được rút xuống còn 8,5%, tương đương 6,32 tỷ USD.

Giảm nhập siêu do đó chỉ có cách là tăng xuất khẩu. Tuy kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn phục hồi, nhưng xuất khẩu năm 2010 đối với Việt Nam vẫn không dễ. Ngoài rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu, một điểm đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu của năm 2009 có tỷ trọng lớn từ xuất khẩu vàng, đá quý (trị giá 2 tỷ USD). Năm 2010, nếu loại bỏ yếu tố này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kim ngạch xuất khẩu. Nắm bắt trước những vấn đề khó khăn, theo Bộ Công thương, một trong những điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu là công tác xúc tiến thương mại sẽ được quan tâm hơn nữa. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho mảng hoạt động này sẽ tăng hơn nhiều so với mức 172 tỷ đồng của năm 2009.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực (đơn vị: triệu USD)