Ảnh ShutterStock.

Ảnh ShutterStock.

Giải mã “sức ỳ”của thị giá cổ phiếu ASM (Tập đoàn Sao Mai)

(ĐTCK) Liên tục báo lãi đột biến trong 3 quý đầu năm, nhưng cổ phiếu ASM của CTCP Tập đoàn Sao Mai vẫn là là mệnh giá. Vì sao lại có nghịch lý này?

Doanh thu, lợi nhuận "bốc đầu"

ASM gây bất ngờ với giới đầu tư về kết quả kinh doanh khi 3 quý đầu năm nay liên tiếp báo cáo lợi nhuận mỗi quý cao hơn hẳn lợi nhuận thu về hàng năm trong giai đoạn 2005 - 2017.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của ASM lần lượt là 5.147 tỷ đồng và 1.048 tỷ đồng. Kết quả này lần lượt cao gấp 2,5 lần và 6,2 lần kết quả cả năm 2017. ASM đã vượt 17% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

kết quả kinh doanh đột biến của ASM. 

Sự đột biến này đến chủ yếu từ những hoạt động liên quan tới doanh nghiệp chuyên về cá tra là CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI).

Trong quý I, ASM đã tiến hành tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty liên kết là IDI lên 51,14%, biến IDI trở thành công ty con của ASM. Việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào IDI đã mang lại lợi nhuận tài chính hơn 429 tỷ đồng cho ASM. Và kể từ quý II/2018, nhờ hợp nhất doanh thu từ IDI, doanh thu thuần của ASM tăng trưởng chóng mặt.

Chưa dừng lại ở đó, ASM còn tiếp tục đăng ký mua thêm 27 triệu cổ phiếu IDI để tăng tỷ lệ sở hữu lên 66% trong khoảng thời gian từ 2/11 đến 30/11.

Ngày 9/11 vừa qua IDI đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2017 và tạm ứng cổ tức đợt 1/2018, tổng tỷ lệ là 20% trong đó 9% bằng cổ phiếu và 11% bằng tiền mặt, thanh toán vào cuối tháng 11. Với số lượng sở hữu hiện tại, ASM sẽ ghi nhận khoảng 111 tỷ đồng vào doanh thu quý IV. Nếu kịp mua thêm cổ phiếu IDI trước ngày 9/11, khoản lợi tức này sẽ còn tăng thêm. 

Nhưng hàng tồn kho và nợ phải trả cũng tăng chóng mặt

Trên một số diễn đàn chứng khoán trong vài tháng vừa qua, các lời khuyến nghị mua cổ phiếu ASM liên tục xuất hiện với những đánh giá khả quan về mã chứng khoán này.

EPS 9 tháng đầu năm 2018 của ASM ở mức 3.956 đồng, gấp nhiều lần so với mức 569 đồng đạt được trong cùng kỳ năm trước. Theo lẽ thường, EPS tăng sẽ đẩy mạnh giá trị trên sàn của cổ phiếu. Vậy vì sao thị giá của ASM vẫn không có sự đột biến?

Tất nhiên, thị trường luôn có lý lẽ riêng của nó.

Cuối quý I, tín hiệu lợi nhuận tăng trưởng "thần kỳ" đã tạo động lực cho cổ phiếu ASM. Mã chứng khoán này bắt đầu giai đoạn tăng từ cuối tháng 3/2018 từ mức khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh hơn 10 tháng là 15.150 đồng/cổ phiếu. Sau khi rơi về vùng giá cũ theo đà giảm chung của thị trường vào giữa tháng 7, ASM có nhiều phiên tăng giá liên tiếp đi liền sau đó lại là 3 - 4 phiên giảm giá.

Từ phiên 27/9, ASM bắt đầu chuỗi giảm giá và hiện thị giá đang cố kháng cự để không về mốc mệnh giá.

so sánh biến động thị giá cổ phiếu ASM và chỉ số VN-Index. 

Trên thực tế, sau khi thâu tóm IDI làm công ty con, cùng với doanh thu tăng mạnh thì ASM cũng phải đối mặt với tình trạng các khoản phải thu và hàng tồn kho tăng mạnh.

Hàng tồn kho tính đến 30/9/2018 của ASM lên tới 2.134 tỷ đồng, tăng hơn 812 tỷ đồng trong 9 tháng, trong đó dự phòng giảm giá hơn 10,2 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng trong 9 tháng, lên 2.874 tỷ đồng vào cuối tháng 9 vừa qua; trong đó, hơn 1.196 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn khách hàng. ASM cũng phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 53,3 tỷ đồng, trong khi đầu năm không có. Việc doanh thu tăng, song các khoản phải thu tăng theo là một trong những yếu tố bất thường tại một số doanh nghiệp, tạo nên rủi ro với nợ khó đòi trong dài hạn.

Nợ phải trả của ASM tính đến cuối quý III là trên 5.385 tỷ đồng, tăng 94% so với hồi đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 2.908 tỷ đồng, nợ tài chính dài hạn hơn 1.251 tỷ đồng, tổng nợ tài chính gấp hơn 3 lần hồi đầu năm.

Trước đó, việc ASM tăng sở hữu tại IDI lên 51% không qua chào mua công khai và IDI vốn là công ty liên quan đến ông Lê Thanh Thuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị ASM khiến nhà đầu tư  nghi ngại tính minh bạch của thương vụ này. IDI vốn là công ty do ông Thuấn thành lập và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 2003 cho đến nay.

Ngoài ra, ASM không có cổ đông lớn là "người ngoài". Hiện 4 cổ đông lớn đang nắm giữ cổ phần trên 5% tại ASM đều là người nhà của ông Thuấn và đa số giữ chức vụ trong Công ty. Cụ thể, bên cạnh ông Thuấn đang nắm giữ 19,31% ASM, 3 cổ đông lớn còn lại là vợ và 2 con gái của ông Thuấn. Việc cổ đông lớn là người nhà cùng với việc không có cổ đông lớn nào là tổ chức khiến nhà đầu tư khá e ngại khi đầu tư vào cổ phiếu này.

Đồng thời, lợi nhuận nửa năm đầu có sự đóng góp lớn của việc đánh giá lại giá trị đầu tư vào IDI là nguyên nhân chính khiến EPS của ASM trong 9 tháng tăng mạnh. Bên cạnh việc nhìn vào chỉ số doanh thu lợi nhuận đột biến ở từng quý, các nhà đầu tư cần thêm khoảng thời gian để có thể đánh giá tính chính xác và bền vững của những chỉ số này về mặt dài hạn.                 

Tin bài liên quan