Giải mã cổ phiếu “nóng” SSN

Giải mã cổ phiếu “nóng” SSN

(ĐTCK) Gia nhập UPCoM năm 2013 và không mấy được quan tâm kể từ thời điểm lên sàn, nhưng từ nửa cuối năm 2016, cổ phiếu SSN của CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn bất ngờ trở thành mục tiêu săn đón hàng đầu của các nhà đầu tư.

Theo thống kê tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), SSN là 1 trong 10 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên UPCoM trong 6 tháng qua. Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, khối lượng khớp lệnh trung bình của cổ phiếu này đạt gần 180.000 đơn vị/phiên. Cùng với thanh khoản tăng đột biến, thị giá SSN đã đạt mức tăng gần 90%, từ 12.400 đồng/cổ phần (trong phiên 9/6/2016) lên 22.400 đồng/CP (chốt phiên 9/2/2017).

Đà tăng vọt của thanh khoản và thị giá của SSN từ tháng 5/2016 là bất ngờ nếu soi chiếu trên góc độ hiệu quả kinh doanh của Công ty. Trong suốt năm 2016, SSN không công bố báo cáo tài chính các quý cũng như ước tính kết quả kinh doanh. Thông tin tài chính quá khứ cũng không lấy gì làm tích cực.

Giải mã cổ phiếu “nóng” SSN ảnh 1

Lần giở lại hồ sơ hoạt động của SSN, Công ty được thành lập năm 1993 và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 12/2006 với vốn điều lệ 96 tỷ đồng. Trước năm 2011, SSN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy sản, nhưng từ năm 2011 mở rộng sang kinh doanh các mặt hàng nông sản, sắt thép, vật tư…

Cũng từ năm này, hiệu quả kinh doanh của Công ty có chiều hướng đi xuống. Kết thúc năm 2012, SSN ghi nhận khoản lỗ 23,63 tỷ đồng, nợ vay cao gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu. Năm 2013, Công ty tiếp tục ghi nhận số lỗ 12,67 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2014, sau khi Nhà nước đã thoái vốn thành công, SSN đã có những bước tái cơ cấu tình hình tài chính, giảm nợ vay ngân hàng. Từ năm 2015, Ban lãnh đạo Công ty quyết định thay đổi định hướng kinh doanh, tập trung vào hoạt động kinh doanh bất động sản nhằm khai thác nguồn quỹ đất đang quản lý.

Cũng trong năm này, SSN đã phát hành riêng lẻ thành công 30 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 96 lên 396 tỷ đồng; trong đó, CTCP Đầu tư Thanh niên Sài Gòn rót gần 200 tỷ đồng mua 20,2 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ.

Tính đến thời điểm hiện tại, SSN có 3 cổ đông lớn nắm giữ hơn 57% gồm ông Nguyễn Nhân Kiệt (đại diện cho CTCP Đầu tư Thanh niên Sài Gòn) nắm giữ 46,04% và 2 cổ đông tổ chức là Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (5,01%) và Công ty Quản lý quỹ Viettinbank (5%).

Sau cả năm 2016 không công bố bất cứ thông tin nào về kết quả kinh doanh, đến đầu năm 2017, SSN công bố báo cáo hợp nhất sơ bộ của quý IV/2016 với doanh thu vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lên tới 230,5 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, SSN ghi nhận lãi ròng 252,9 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần lợi nhuận cả năm 2015 (11,7 tỷ đồng), nhờ khoản lợi nhuận khác 266 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này vượt xa so với kế hoạch 23 tỷ đồng đã được cổ đông SSN thông qua hồi đầu năm.

Con số lợi nhuận hơn 250 tỷ đồng trong năm 2016 của SSN đang là một dấu hỏi mà các cổ đông SSN phải chờ đợi giải trình chính thức từ lãnh đạo doanh nghiệp này. Hiện tại, SSN chưa công bố báo cáo tài chính 2016, mà mới có báo cáo sơ bộ kết quả quý IV/2016 (chỉ gồm báo cáo kết quả kinh doanh và bảng cân đối kế toán).

Theo báo cáo này, với khoản lãi trong quý IV, SSN sẽ xóa hết khoản lỗ lũy kế hơn 22 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2015 và có 219 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Một điểm đáng lưu ý khác, tại bảng cân đối kế toán thời điểm 31/12/2016, khoản mục vốn góp chủ sở hữu của SSN ghi nhận con số 421,5 tỷ đồng, cho thấy SSN đã tăng vốn điều lệ (trước đó 396 tỷ đồng). Tuy nhiên, Công ty không hề công bố thông tin về đợt phát hành tăng vốn.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với SSN để tìm hiểu vấn đề, nhưng hiện chưa nhận được câu trả lời từ doanh nghiệp.

Tin bài liên quan