Giải chấp có còn là nỗi lo?

Giải chấp có còn là nỗi lo?

(ĐTCK-online) Khả năng để TTCK giảm về vùng đáy cũ là không nhiều. Áp lực phải bán giải chấp thu tiền về cũng không lớn khi một nguồn cầu mới đã xuất hiện để hấp thụ một phần nguồn cung giá thấp.

Ngày 30/6 là thời hạn mà các ngân hàng thương mại (NHTM) phải giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất (chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng) về mức 22% đang đến gần. Áp lực phải giảm về mức này vẫn còn rất lớn.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến thời điểm 30/5/2011 vẫn còn 18 ngân hàng có tỷ lệ cho vay tín dụng phi sản xuất trên 22% tổng dư nợ, trong đó 9 ngân hàng có tỷ lệ này trên 30%. Tuy nhiên, áp lực phải giảm cho vay phi sản xuất đối với TTCK hiện đã không còn đáng sợ như trước.

Cho vay chứng khoán vốn chủ yếu là hoạt động cho vay ngắn hạn của các NHTM. Trong khi đó, hoạt động cho vay bất động sản thường kéo dài hơn, nên các NHTM khó có thể thu hồi vốn trong một thời gian ngắn. Do vậy, khi phải giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất nêu trên tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 1/3/2011, thì chứng khoán là một trong những lĩnh vực đầu tiên của nhóm cho vay phi sản xuất mà các NHTM siết lại. Khi đến hạn, các khoản cho vay lần lượt được thu dần về và như vậy, áp lực cho đến ngày 30/6 đã giảm đi rất nhiều. Điều này cũng giải thích tại sao TTCK của Việt Nam liên tục suy giảm từ đầu năm 2011 đến nay, đặc biệt là đối với các cổ phiếu trên sàn Hà Nội. Giá của nhiều cổ phiếu đã giảm về mức thấp hơn cả thời điểm khủng hoảng vào tháng 3/2009.

Khi TTCK tăng trở lại vào giữa tháng 5/2011, cổ phiếu nằm trong danh sách bị giải chấp và phải thu hồi ở các CTCK đã được bán dần. Thị trường đã chứng kiến những phiên giao dịch kỷ lục với giá trị giao dịch cả 2 sàn trên 1.000 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu cần phải giải chấp đã được bán bớt ra một phần khiến cho nguồn cung này giảm đi đáng kể. Trong khi đó, khi giá cổ phiếu tăng trở lại và vượt qua mức giá phải bán để thu hồi vốn trước đó thì các CTCK dừng bán. Tính riêng giai đoạn phục hồi của thị trường từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6, giá nhiều cổ phiếu đã tăng trở lại từ 10 - 40%, bao gồm cả cổ phiếu blue-chip và cổ phiếu penny. Tính đến ngày 23/6/2011, giá cổ phiếu HAG tăng 40%, HPG 12%, SSI 16%, KLS 43%, PVC 25%, PVA 47%, PVE 55% so với mức thấp nhất trong tháng 5/2011.

Nguồn cầu mới trên thị trường bắt đầu xuất hiện. Ngoài nguồn cầu từ các NĐT dài hạn thì còn có thể có thêm nguồn cầu khác từ các NĐT bán ngoại tệ (cả tổ chức và cá nhân).

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng lượng ngoại tệ mà NHNN đã mua vào trong thời gian qua lên tới gần 3 tỷ USD, tương đương hơn 60.000 tỷ đồng. Điều này có thể gần giống với thời điểm khi NHNN bơm tiền đồng ra mua lại lượng ngoại tệ từ các NĐT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam năm 2007.

Việc lựa chọn kênh nào để đầu tư sau khi bán ngoại tệ có lẽ sẽ được các NĐT cá nhân xem xét. Lạm phát đang có dấu hiệu giảm dần khi CPI tính theo tháng liên tục giảm làm lãi suất tiết kiệm thỏa thuận có xu hướng giảm. Trong khi đó, bất động sản hầu như đóng băng và mới chỉ bắt đầu giảm giá, thị trường ngoại tệ thì đang bị siết chặt. Vì vậy, kênh đầu tư chứng khoán có lẽ là một trong những kênh quan trọng mà NĐT cá nhân hướng tới.

Khả năng để TTCK giảm về vùng đáy cũ là không nhiều. Áp lực phải bán giải chấp thu tiền về cũng không lớn khi một nguồn cầu mới đã xuất hiện để hấp thụ một phần nguồn cung giá thấp. Khi qua thời điểm 30/6, áp lực về việc thu tiền từ cổ phiếu tiếp tục giảm xuống thì một sóng mới có thể xuất hiện trên TTCK.