Quỹ Pyn Elite thậm chí còn “mơ” rằng, VN-Index có thể đạt mục tiêu 1.800 điểm trong thời gian tới.

Quỹ Pyn Elite thậm chí còn “mơ” rằng, VN-Index có thể đạt mục tiêu 1.800 điểm trong thời gian tới.

Giấc mơ sàn chứng khoán màu xanh

(ĐTCK) Đón một mùa Xuân mới, ai cũng mong sẽ có một năm đầu tư an lành, sàn chứng khoán nhiều màu xanh để không ai bị lỗ và nếu lãi thì sẽ lãi tốt…

Bớt thua lỗ - giấc mơ giản dị trong năm 2020

Nhận định của ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS), chỉ có khoảng 5% nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam có lãi, trong khi 95% số nhà đầu tư còn lại ghi nhận tài khoản âm hoặc không/chưa tăng đã từng gây “sốc” đối với thị trường.

Song, với những người đeo bám thị trường trong thời gian qua thì hoàn toàn có thể cảm nhận được.

Dĩ nhiên, không thể có một con số thống kê chính xác tỷ lệ lỗ, lãi của nhà đầu tư bởi chứng khoán thay đổi tại từng thời điểm.

Nhưng với tình trạng phụ thuộc của chỉ số VN-Index vào các cổ phiếu bluechip như hiện tại, việc chỉ số tăng không phản ánh được hết bản chất của thị trường và ngay cả khi VN-Index tăng mạnh, tỷ lệ nhà đầu tư lỗ vẫn còn rất lớn.

Vậy nên, giấc mơ giản dị nhất của thị trường trong năm 2020 là làm sao giảm bớt tỷ lệ thua lỗ, còn nhà đầu tư thì sẽ tăng tỷ lệ lợi nhuận, ít nhất cũng phải nhích hơn so với lãi suất ngân hàng.

Có một thực tế là, đa phần nhà đầu tư có tâm lý có thể chấp nhận để cổ phiếu bị lỗ lớn, hơn là cho phép cổ phiếu đạt mức lãi lớn.

Nghĩa là nhà đầu tư thường “ăn non”, nhưng khi lỗ thì lại không bán ngay mà tiếp tục nắm giữ, hay nói cách khác là chấp nhận khoản lãi nhỏ hơn là khoản lỗ nhỏ.

Lỗ thì thất vọng, buồn chán là đương nhiên. Nhưng lãi mà vẫn có cảm giác tiếc nuối thì nghe có phần vô lý, tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn hợp lý trong đầu tư chứng khoán.

Đó là khi bán non, bán xong thì cổ phiếu tăng kịch trần…, hay cổ phiếu lãi thì không chốt, chờ khi giá rơi mới bán thì phần lợi nhuận cũng teo lại.

“Tôi đang giữ tỷ trọng cổ phiếu  chỉ khoảng 30% trên tổng tiền đầu tư. Tôi hạn chế dùng margin vì nhận thấy thị trường chưa có nhiều động lực tăng trưởng trong ngắn hạn.

Tuy vậy, nếu để lựa chọn nhóm cổ phiếu ưu tiên giải ngân và nắm giữ, tôi chọn đầu tư vào những cổ phiếu giá trị đang có thị giá thấp, có tiềm năng tốt và đảm bảo mức lợi suất cổ tức hơn hoặc tối thiểu bằng lãi suất ngân hàng (trên 8%/n)”, anh Trần Anh Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội nói và chia sẻ thêm, trong năm 2019, tổng thể danh mục đầu tư ghi nhận mức lãi xấp xỉ 10%, trong khi có những thời điểm tỷ lệ này lên đến gần 30%.

"Việc đảm bảo có lãi và mức lãi cao hơn lãi suất ngân hàng trong bối cảnh phần lớn nhà đầu tư thua lỗ đã là thành công, nhưng nếu thực hiện đúng thời điểm hơn thì có thể ghi nhận mức lợi nhuận cao hơn", anh Tuấn tiếc nuối.

Nếu như việc canh thời điểm đúng để bán cổ phiếu rất quan trọng thì có một bài học không bao giờ cũ, theo anh Tuấn, đó là biết cách “cắt lỗ” đúng thời điểm.

Việc cắt lỗ là vô cùng cần thiết bởi nó giúp bảo vệ nhà đầu tư trước những khoản tổn thất lớn.

Thực tế dòng tiền hiện tại không thiếu, nếu không muốn nói là dư giả, nhưng lại đang “bí” chỗ để đầu tư bởi những cổ phiếu có tiềm năng thì đã và đang ở vùng đỉnh, trong khi nhiều nhóm cổ phiếu được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng như dệt may, thủy sản, xuất khẩu… lại đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

"Nhiều nhà đầu tư lựa chọn kênh trái phiếu, gửi tiền ngân hàng… cũng chỉ mang tính tạm thời để đỡ “chôn vốn”, còn chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có sức hút nhất, chỉ vì thời điểm chưa thực sự phù hợp nên tiền còn ngoài thị trường”, nhà đầu tư Trần Trung Dũng (Hải Phòng) chia sẻ.

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, mà ngay cả các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp cũng khó đạt được hiệu quả đầu tư vượt trội so với xu hướng chung của thị trường.

Yếu tố may mắn trong đầu tư là điều không định được, nhưng điều có thể làm là hãy đầu tư vào những cổ phiếu mình biết rõ nhất, những ngành nghề, công ty có hoạt động minh bạch.   

Tâm lý nôn nóng, quy mô tiền nhỏ, không nhất quán về chiến lược giao dịch cũng như đầu tư có trọng điểm... đã khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân không có kết quả như mong đợi, thậm chí thua lỗ ngay cả trong thị trường đang ở giai đoạn “uptrend”.

Có nhiều chiến lược đầu tư hiệu quả, cũng như yếu tố cần lưu ý mà chúng ta có thể nghiên cứu và học hỏi để có thể cải thiện hoạt động đầu tư cá nhân.

Rõ ràng, nhà đầu tư khó có thể lựa chọn danh mục “beat the market” (đánh bại thị trường) bởi điều này ngoài kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, thì còn phụ thuộc vào sự may mắn ở đúng thời điểm.

Yếu tố may mắn trong đầu tư là điều không định được, nhưng điều có thể làm là hãy đầu tư vào những cổ phiếu mình biết rõ nhất, những ngành nghề, công ty có hoạt động minh bạch.

Tín hiệu lạc quan

Vẫn còn đó những lo ngại về bất ổn địa chính trị thế giới, nhưng điều không thể phủ nhận đó là môi trường kinh tế Việt Nam đang tốt lên, với những yếu tố được "điểm cộng" như ổn định chính trị, định hướng của Chính phủ tập trung vào xuất khẩu, dịch vụ, du lịch và nhất là tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân…

Năm 2020, chứng khoán Việt vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan, đó là lạm phát và tỷ giá kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục được duy trì ổn định nhờ sự điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước những năm qua.

Về kinh tế Việt Nam, Quốc hội đã thông qua tăng GDP kế hoạch 2020 là 6,8% và tỷ lệ lạm phát kiểm soát không để vượt quá 4% là nền tảng cho một nền kinh tế vĩ mô ổn định.

Báo cáo chiến lược 2020 của nhiều công ty chứng khoán cũng cho rằng, quy mô TTCK tiếp tục có sự phát triển trong năm 2020, dù với tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại so với năm 2019, nhưng mang tính phân hóa và chọn lọc hơn.

Theo đó, mức cao nhất trong năm 2020 của các chỉ số chính được dự báo tăng khoảng 5-10% so với đỉnh của năm 2019.

CTS dự báo, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2020 đạt khoảng 15%.

Tuy nhiên, nếu loại trừ nhóm ngành ngân hàng, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 7% và nếu tiếp tục loại nhóm cổ phiếu Vingroup ra khỏi rổ tính toán, con số tăng trưởng lợi nhuận có lẽ chỉ khoảng 3%.

Với tốc độ tăng trưởng giảm như vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào việc điều chỉnh giảm P/E của VN-Index.

Mức tăng điểm của VN-Index trong 2020, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt sẽ vừa phải và theo sát yếu tố cơ bản hơn là do sự thổi phồng về giá. VN-Index có thể sẽ dao động trong vùng 950 - 1120 điểm…

Các quỹ ngoại dường như có góc nhìn tích cực hơn với bức tranh thị trường trong năm nay. VinaCapital cho rằng, câu chuyện tích cực của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn trong năm 2020, dù rằng biến động kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể chắc chắn.

Quỹ đầu tư này tin rằng, nền kinh tế và TTCK sẽ tiếp tục có vị thế tốt để vượt qua các thách thức, từ đó chỉ số VN-Index có thể tăng 10-15% trong năm 2020. Quỹ Pyn Elite thậm chí còn “mơ” rằng, VN-Index có thể đạt mục tiêu 1.800 điểm trong thời gian tới.

Năm kinh doanh mới 2020 mở ra trong bối cảnh thế giới ngày càng có nhiều biến động khó lường, thách thức.

Với nhà đầu tư Việt Nam, trải qua một năm 2019 không dễ dàng, ai ai cũng mong năm mới thị trường sẽ khởi sắc.

Theo đó, sàn chứng khoán sẽ tràn ngập màu xanh, thay vì sắc đỏ đã quá nhiều trong năm cũ. Mong là vậy, nhưng thực tế, trong đầu tư cơ hội luôn đi cùng rủi ro, khó ai nói chắc được.

Chỉ biết rằng, mùa Xuân là mùa của hy vọng và khi nhiều thành viên thị trường cùng hy vọng và nỗ lực cho sự tăng trưởng thì TTCK chắc chắn sẽ chuyển động theo hướng tích cực hơn.

Tin bài liên quan