Giá xăng dầu, có minh bạch được không?

(ĐTCK-online) Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 55/2007/NĐ-CP về cơ chế điều hành thị trường xăng dầu trong nước đang được lấy ý kiến đóng góp và thu hút sự quan tâm của cả người dân và DN. Ở nhiều thời điểm, sự tréo ngoe của giá xăng dầu trong nước so với giá thế giới, tăng nhiều giảm ít, trong khi đây lại là mặt hàng quan trọng đối với đời sống người dân và hoạt động DN, đã gây không ít bức xúc trong dư luận.

Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 55/2007/NĐ-CP, ban soạn thảo đã đưa công khai công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Đây sẽ là công cụ tham chiếu để sử dụng trong công tác quản lý. Cũng theo dự thảo trên, cơ quan chức năng đưa ra 3 phương án điều hành giá xăng dầu trong nước để lấy ý kiến đóng góp. Cụ thể, trường hợp các yếu tố làm giá cơ sở tăng đến 3% thì DN phải giữ nguyên giá bán lẻ; các yếu tố làm tăng giá cơ sở từ hơn 3% đến 12% thì DN được tăng giá không quá 50% của mức tăng giá cơ sở, thời gian giữa 2 lần tăng liên tiếp tối thiểu là 10 ngày; các yếu tố làm tăng giá cơ sở trên 12% thì DN được tăng 50% mức tăng giá cơ sở và thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý để được tăng cao hơn.

Với độ nhanh nhạy của phương tiện truyền thông hiện nay, giá xăng dầu thế giới được cập nhật hàng ngày. Việc đưa công thức tính toán giá cơ sở vào nghị định mới sẽ giúp cho đông đảo người tiêu dùng có căn cứ khoa học để tính toán được giá xăng dầu trong nước dựa trên giá xăng dầu thành phẩm thế giới. Quan trọng hơn nữa là nghị định mới nếu được ban hành sẽ tạo ra môi trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh thông thoáng hơn. Nếu như trước đây chỉ có DN kinh doanh xăng dầu quốc doanh, thì tới đây thành phần kinh doanh xăng dầu được khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng (DN đáp ứng điều kiện của Nghị định), cơ chế giá minh bạch, rõ ràng, cũng góp phần thu hút thêm nguồn lực bên ngoài kinh doanh trong lĩnh vực này.

Điểm tiến bộ trong dự thảo Nghị định được ghi nhận, song phân tích kỹ hơn những phương án này, không ít chuyên gia vẫn tỏ ý băn khoăn và cho rằng, cần phải cụ thể hóa, chi tiết hơn nếu muốn người tiêu dùng được đảm bảo quyền lợi. Bởi ngay Nghị định 55/2007/NĐ-CP cũng đã đưa ra điều kiện khá rõ ràng về kinh doanh xăng dầu nhưng tại sao Petrolimex vẫn không có đối trọng?

Sự tréo ngoe của giá xăng dầu trong nước so với giá thế giới đã gây không ít bức xúc trong dư luận

Sự tréo ngoe của giá xăng dầu trong nước so với giá thế giới đã gây không ít bức xúc trong dư luận

Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định mới vào ngày 29/7, ông Nguyễn Thanh Toản, Phó giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc nêu quan điểm: “Petrolimex chiếm tới 60% thị phần, lại nắm giữ  tới 6.000 cửa hàng bán xăng dầu ở những vị trí đẹp. DN muốn cạnh tranh, dù có bán giá rẻ cũng không thể đưa được hàng vào hệ thống hơn một nửa số cây xăng trên toàn quốc của Petrolimex”. Chính vì không có cạnh tranh nên Petrolimex không giảm giá thì các DN khác cũng không giảm, “liên kết ngầm” giữa các DN trong trường hợp này khó có thể xóa bỏ. Để xóa bỏ cơ chế độc quyền như vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, phải có cơ chế tách các cửa hàng xăng dầu ra. “Cổ phần hóa hệ thống cây xăng của Petrolimex là giải pháp nên xem xét”, ông Toản nêu ý kiến.

Cũng có ý kiến cho rằng, với cách xây dựng giá cơ sở như quy định này thì vẫn chỉ có một giá bán lẻ xăng dầu trong nước, bởi các yếu tố hình thành đã được quy định hết. Dù còn nhiều ý kiến tranh cãi và chưa phương án nào được quyết, song việc xây dựng một cơ chế kinh doanh xăng dầu tiến bộ hơn, tạo điều kiện cho Nhà nước và người dân cùng giám sát biến động giá mặt hàng nhạy cảm này đang là đòi hỏi thiết yếu.      

·         Giá cơ sở bao gồm các yếu tố sau: (Giá CIF + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt) x tỷ giá ngoại tệ + chi phí kinh doanh định mức + lợi nhuận định mức trước thuế + thuế giá trị gia tăng + phí xăng dầu + mức trích quỹ bình ổn giá + các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định pháp luật hiện hành.

·        (Nguồn: Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 55/2007/NĐ-CP)

·         Theo Bộ Tài chính, giá CIF là giá xăng dầu thế giới theo công bố của Plalt’s Singapore được tính bình quân của số ngày dự trữ lưu thông theo quy định hiện hành cộng chi phí phát sinh để đưa xăng dầu về đến cảng Việt Nam (chi chí bảo hiểm, chi phí vận chuyển...)