Câu chuyện minh bạch và niềm tin: Không mới, nhưng vẫn "nóng"
Ðã trở thành hoạt động thường niên của ngành chứng khoán, nếu như những năm trước đây, hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK, do Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức thường chỉ có sự tham gia của những người trong ngành, thì điểm mới tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2019 diễn ra cuối tuần qua là có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành có mối liên hệ gần gũi với lĩnh vực tài chính, chứng khoán như Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Ngân hàng Nhà nước…
Chia sẻ tại sự kiện này, ý kiến từ phía công ty chứng khoán, ngân hàng, doanh nghiệp niêm yết… đề cập một câu chuyện tuy không mới, nhưng đang là thực trạng “nóng”, đó là tính minh bạch trên thị trường và niềm tin trong nhà đầu tư.
Là người gắn bó với TTCK ngay từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HÐQT, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán SSI (SSI) chia sẻ, chức năng quan trọng nhất của TTCK là huy động vốn cho doanh nghiệp, nên cần phải khiến nhà đầu tư quan tâm đến thị trường và giải pháp nằm chính là tính minh bạch của thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
“Thực tế thì sao? Thực trạng trên TTCK là mua vào, bán ra để kiếm lời, chưa tạo được niềm tin trong nhà đầu tư rằng TTCK là một nơi để giữ tiền. Thêm vào đó, nhiều người còn e ngại do doanh nghiệp chưa đồng hành với nhà đầu tư. Doanh nghiệp chỉ quan tâm hút tiền của nhà đầu tư, sau đó tiêu tiền vào những việc đôi khi theo ý của doanh nghiệp, chưa coi nhà đầu tư là người chủ thực sự…”, ông Hưng thẳng thắn.
Chia sẻ góc nhìn trên, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank nhìn nhận, tiềm năng để TTCK đảm đương đúng vai trò là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế còn lớn. Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ làm sao nâng cao tính minh bạch trên thị trường, để nhà đầu tư thuận lợi khi đưa ra quyết định đầu tư…
Cho rằng tính minh bạch trên TTCK cần tiếp tục được cải thiện, Phó chủ tịch UBCK Phạm Hồng Sơn nêu lên thực trạng một số công ty đại chúng vẫn chưa chủ động trong công khai thông tin về tình hình hoạt động, quản trị, cũng như tình hình sử dụng vốn, số liệu tại báo cáo tài chính còn sai sót, chất lượng quản trị công ty trên TTCK Việt Nam còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực…
“Trên thực tế, các doanh nghiệp trên TTCK, kể cả doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn, mới chỉ tuân thủ các quy định, mà chưa thực sự chủ động hướng tới việc cải thiện chất lượng quản trị công ty để nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông…”, ông Sơn đánh giá.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Chính phủ đã đưa ra nhiều định hướng để không chỉ giải quyết câu chuyện minh bạch và niềm tin, mà còn mang tính bao trùm hơn, trong đó tập trung vào tái cơ cấu thị trường, cải cách quy định pháp lý nhằm mở ra dư địa phát triển mới cho thị trường theo hướng chuyên nghiệp, theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Mục tiêu đưa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2020
Trước khi gợi mở những đường hướng mới cho nỗ lực tiếp tục tái cấu trúc TTCK, liên quan đến việc tiếp sức cho TTCK ở góc độ nền tảng vĩ mô trong năm 2019, cũng như giai đoạn tới, Phó thủ tướng Vương Ðình Huệ cam kết 2 vấn đề: Thứ nhất, củng cố và tăng cường hơn nữa ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, gia tăng sức chống chịu của các chủ thể thị trường trước các biến động của tình hình trong và ngoài nước, trong đó có thị trường vốn, chứng khoán.
“Làm việc này không phải theo kiểu ăn đong, mà là cả giai đoạn 2017-2020, Chính phủ đều đã có kịch bản với chiến lược cụ thể, làm âm thầm, nhưng quyết liệt, trong đó đề cập cụ thể về điều hành phối hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá…", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai, Chính phủ cam kết duy trì, khơi thông các động lực tăng trưởng và muốn TTCK, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã niêm yết hay chưa niêm yết chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu này.
“Ðể thực hiện được 2 cam kết trên là không đơn giản, nhất là trong bối cảnh thế giới bất định như hiện nay...”, Phó thủ tướng nói.
Với TTCK, Phó thủ tướng cho biết, sẽ tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ thị trường đến năm 2020, định hướng đến 2025, với mục tiêu là tái cơ cấu toàn diện thị trường để thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn, với cơ cấu hợp lý hơn giữa TTCK và thị trường tiền tệ, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu…
Phấn đấu đưa thị trường cổ phiếu đạt quy mô 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu bằng 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng nhà đầu tư đạt 3% dân số vào 2020 và 5% vào 2025 (hiện nay là 2,2%)...
Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, UBCK xây dựng trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể với tham vọng là cơ cấu lại và phát triển TTCK trước mắt tới năm 2020, lộ trình tới năm 2025, chứ không phải “ăn đong” từng năm.
Trong năm 2019, tiếp tục tập trung vào tái cơ cấu đồng bộ hàng hóa, nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, phát triển thị trường minh bạch, chuyên nghiệp, bền vững, sớm nâng hạng thị trường.
Việc tái cơ cấu hàng hóa được thúc đẩy theo hướng đa dạng cơ sở hàng hóa, thông qua việc Chính phủ tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo danh mục đã được phê duyệt.
Vừa qua, Chính phủ đã tiến hành rà soát từng m2 đất trước khi cổ phần hóa, xử lý kịp thời các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng không lên sàn. Ðến năm 2020, toàn bộ ngân hàng phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK.
Trong năm nay, triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Cùng với xây dựng thêm các bộ chỉ số là phát triển các quỹ ETF, bất động sản, tập trung đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu…
“Ðể nâng cao chất lượng hàng hóa, phải tăng cường kiểm tra hoạt động huy động và sử dụng vốn, xử lý nghiêm các trường hợp tăng vốn ảo, nhất là với các trường hợp trước khi trở thành công ty đại chúng và đưa cổ phiếu lên sàn. Tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán, trường hợp công ty kiểm toán vi phạm thì cần phải công khai để chịu sự trừng phạt của thị trường. Xây dựng triển khai đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, nâng cao chất lượng quản trị công ty…”, Phó thủ tướng lưu ý.
Liên quan đến tái cơ cấu cơ sở nhà đầu tư, lãnh đạo Chính phủ gợi ý, cần ban hành tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nhỏ, nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường thông qua nghiệp vụ công ty chứng khoán cho phép họ mở tài khoản và xác thực khách hàng trực tuyến.
Việc cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán cần tập trung yêu cầu các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tự xây dựng và triển khai hoạt động tái cơ cấu theo hướng đổi mới chất lượng quản trị rủi ro, quản trị công ty. Phân chia các tổ chức này thành 4 nhóm gồm hoạt động lành mạnh, bình thường, kém và không còn khả năng phục hồi để ứng xử phù hợp.
Tới đây, khi Luật Chứng khoán sửa đổi được ban hành, sẽ rút giấy phép hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán không còn điều kiện hoạt động.
Liên quan đến hướng cơ cấu lại tổ chức thị trường, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, UBCK sớm thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam như đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo mô hình 1 sở 2 sàn, nhằm tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư…
VI phạm để kiếm 100 tỷ đồng, nhưng chỉ phạt 1-2 tỷ đồng là không đủ răn đe
Liên quan đến đường hướng phát triển cho giai đoạn tới của thị trường, lãnh đạo Chính phủ cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 là Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi).
“Tôi đã làm việc với Ban soạn thảo 5 tiếng đồng hồ để soát xét các nội dung của dự án luật. Ðề nghị các các bộ, ngành tiếp tục góp ý, rà soát để tạo khung khổ pháp lý cho TTCK phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế. Cùng với khắc phục các bất cập đang tồn tại, khung pháp lý mới cần hỗ trợ cho TTCK phát triển minh bạch, an toàn, bền vững và chuyên nghiệp, tiếp cận thông lệ quốc tế, góp phần nâng hạng thị trường…”, Phó thủ tướng gợi mở.
Theo lãnh đạo Chính phủ, việc sửa Luật Chứng khoán phải đồng bộ với sửa các luật khác như Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp. Cần nghiên cứu bổ sung chức năng, thẩm quyền điều tra của UBCK. Quy định mới của pháp luật chứng khoán cần vừa nâng cao chất lượng hàng hóa, vừa gia tăng tính răn đe với các vi phạm...
“Cần có có chế tài mạnh hơn đối với các hành vi thao túng, làm giá chứng khoán. Tăng phạt hành chính là đúng, nhưng nếu vi phạm mà kiếm lợi 100 tỷ đồng, nhưng chỉ phải nộp phạt 1-2 tỷ đồng thì không đủ sức răn đe…”, Phó thủ tướng lưu ý.
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cam kết đồng hành cùng với các bộ, ngành trong triển khai các nhiệm vụ để hoàn thiện thể chế, xây dựng các công cụ phát triển TTCK
TTCK không chỉ là kênh đầu tư bổ sung, mà còn là "cỗ máy" phân bổ lại các nguồn lực tài chính, tạo sự năng động cho nền kinh tế, phản ứng kịp thời trước sự biến động của dòng vốn.
Ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư.
Về tổng thể, trong quá trình tái cơ cấu đầu tư, Việt Nam hướng đến giảm tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước tới năm 2020 sẽ còn 31-34%, nhưng mục tiêu này đã được thực hiện trong giai đoạn 2017-2018. Ðiều này cho thấy, nguồn vốn khu vực công đã giảm, trong khi vẫn duy trì được tăng trưởng GDP hàng năm xấp xỉ 7%. Ðây là minh chứng rõ ràng cho vai trò của thị trường vốn, đặc biệt là TTCK, để huy động nguồn đầu tư từ những nguồn vốn hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, TTCK còn giữ vai trò của kênh luân chuyển vốn từ các hoạt động kém hiệu quả sang các hoạt động hiệu quả hơn, từ các doanh nghiệp làm ăn yếu kém sang các doanh nghiệp có khả năng sử dụng vốn tốt hơn, tạo ra dòng tiền để phân bổ lại nguồn lực cho nền kinh tế.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cam kết đồng hành cùng với các bộ, ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ để hoàn thiện thể chế, xây dựng các công cụ phát triển TTCK trong thời gian tới.
Cần phát triển hơn nữa thị trường trái phiếu để đa dạng hóa thị trường tài chính
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, NHNN sẽ cùng Bộ Tài chính và các cơ quan, ban ngành liên quan bám sát thị trường để phối hợp chặt chẽ trong việc giữ ổn định và thúc đẩy các phân khúc của thị trường tài chính.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
Năm 2018, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiến bộ rõ nét khi khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đưa vào giao dịch tăng tới 70% so với năm 2017, nhưng vẫn cần phát triển hơn nữa bởi điều này sẽ giúp hệ thống ngân hàng giảm áp lực trong việc cung ứng vốn trung - dài hạn, cũng như thuận lợi cho công tác phát triển thị trường tài chính lành mạnh.
Về trái phiếu chính phủ, hiện hệ thống ngân hàng đang nắm giữ khoảng 50% số lượng trái phiếu chính phủ. Nếu chủ sở hữu được đa dạng hóa, nói cách khác là số trái phiếu này được phân phối cho các nhà đầu tư khác, hoặc bản thân các các ngân hàng nắm giữ trái phiếu chính phủ kinh doanh tài sản này như kinh doanh tiền tệ ngắn hạn trên thị trường theo chuẩn mực quốc tế, thì đây sẽ là một nguồn vốn dài hạn lớn cho nền kình tế.
Sớm sửa đổi các quy định liên quan đến mở tài khoản, tỷ lệ sở hữu... đối với nhà đầu tư ngoại, cũng như tăng cường triển khai các sản phẩm mới để tăng thu hút vốn ngoại
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital.
Là thành viên tham gia và theo sát TTCK Việt Nam trong nhiều năm qua, với mong muốn thị trường phát triển bền vững, Dragon Capital kiến nghị một số vấn đề sau: Thứ nhất, quy định về mở tài khoản ngân hàng cho tổ chức không có tư cách pháp nhân theo Thông tư 32/2016/TT-NHNN và Thông tư 23/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đang gây khó khăn cho các quỹ đầu tư, ngân hàng đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ðể giúp nhà đầu tư ngoại thuận lợi hơn trong gia nhập thị trường, cần sửa đổi các thông tư này theo hướng phù hợp hơn. Về tỷ lệ sở hữu, cần sửa đổi quy định tại Ðiều 23 - Luật Ðầu tư về việc coi doanh nghiệp có sở hữu nước ngoài trên 51% là doanh nghiệp ngoại để tránh tạo ra cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp.
Ðồng thời, cần nâng room ngoại tại các ngân hàng từ 30% lên 49% nhằm tăng thu hút vốn ngoại khi các ngân hàng đang nỗ lực tăng vốn đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.
Thứ hai, ở các TTCK phát triển, tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức tham gia chiếm 50-70%, nhưng ở TTCK Việt Nam thì ngược lại. Sự thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp gây khó khăn cho các nhà đầu tư cá nhân - vốn là những đối tượng cần có sản phẩm an toàn và lâu dài. Ðiều này khiến cho hoạt động của thị trường thiếu ổn định. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng để thành lập quỹ hưu trí tự nguyện, mở đường cho loại hình tổ chức khác tham gia vào thị trường, đa dạng sản phẩm đầu tư.
Thứ ba, việc thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết cổ phiếu sau cổ phần hóa, thoái vốn của Chính phủ đã và đang giúp cải thiện nguồn cổ phiếu cho TTCK Việt Nam, tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. Ðể hoạt động này đạt nhiều kết quả tích cực hơn, những phương thức phát hành tiên tiến như phương thức dựng sổ cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa.
Cần khung chính sách phù hợp cho việc phát hành thêm cổ phần cho các ngân hàng
Bà Nguyễn thị Kim Oanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank
TTCK Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng quan ngại của nhà đầu tư là làm sao có được thông tin đầy đủ, minh bạch để thuận lợi khi ra quyết định đầu tư. Do đó, cần phải có nguyên tắc kế toán, kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh Nghị định 20/2017/NÐ-CP về quản lý thuế của doanh nghiệp có giao dịch liên kết, cũng như có khung chính sách phù hợp cho việc phát hành thêm cổ phần cho các ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của Basel II...
Cơ hội để TTCK Việt Nam được MCSI công nhận là thị trường mới nổi là hiện hữu
Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietjet Air
Trong thời gian tới, nhằm tăng cường sức hấp dẫn của thị TTCK cơ sở, kỳ vọng Luật Chứng khoán sửa đổi sớm được thông qua, các sản phẩm chứng khoán mới được đưa vào khai thác, hàng hóa trên TTCK được đa dạng hóa bằng việc đẩy mạnh hoạt động niêm yết mới, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cùng với đó là giảm bớt thời gian chứng khoán về tài khoản khi thời gian T+3 như hiện nay là khá dài...
Một khi những yếu tố này đi vào thực tế, cơ hội để TTCK Việt Nam được MCSI công nhận là thị trường mới nổi là hiện hữu.
Sớm sửa đổi các quy định liên quan đến mở tài khoản, tỷ lệ sở hữu... đối với nhà đầu tư ngoại, cũng như tăng cường triển khai các sản phẩm mới để tăng thu hút vốn ngoại