Fed khó làm chứng khoán Việt bất an

Fed khó làm chứng khoán Việt bất an

(ĐTCK) Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tạm hoãn tăng lãi suất trong tháng 8, nhưng theo giới chuyên gia phân tích, nhiều khả năng cơ quan này sẽ tiến hành hai đợt tăng lãi suất vào tháng 9 và cuối năm nay. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự chuẩn bị để đón nhận những thông tin này, nên sự tác động, nếu có, cũng không nằm ngoài các kịch bản dự báo.

Trong cuộc họp về chính sách tiền tệ tháng 8, Fed đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất tham chiếu cho vay qua đêm ở khoảng 1,75 - 2%/năm, đồng thời khẳng định lại quan điểm nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng vững chắc hơn với các số liệu lạm phát và việc làm tích cực.  

Theo đánh giá của ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lộ trình tăng lãi suất đang đi đúng kỳ vọng trước đó của giới đầu tư quốc tế.

Cụ thể, Fed dự kiến có thể sẽ tăng lãi suất thêm hai lần vào tháng 9 và tháng 12.

Những tác động xung quanh động thái chính sách của Fed với thị trường chứng khoán trong nước, theo ông Hoàng, có tính chất trung tính với thị trường giai đoạn này, do lộ trình tăng lãi suất của Fed đang đi đúng kỳ vọng trước đó.

Ông Hoàng cũng lưu ý, trước đây, giới phân tích từng dự liệu khả năng Fed có thể nâng lãi suất nhiều hơn 4 lần trong năm nay. Tuy vậy, với các yếu tố bất định đang xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khả năng này là khó có thể xảy ra.

Việc tăng lãi suất của Fed ít nhiều tác động đến dòng vốn trên toàn cầu, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến xu hướng của các thị trường chứng khoán.

Dòng vốn ngoại có xu hướng rút ròng khỏi các thị trường mới nổi kể từ khi Fed bắt đầu lộ trình nâng lãi suất đồng USD trở lại.

Với nguồn lực hiện có, cùng thông điệp rõ ràng về định hướng điều hành, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể giữ mức giảm giá của tỷ giá trung tâm quanh 2 - 2,5% cho năm 2018 - thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực 

- Ông Trương Minh Hoàng, Giám đốc phân tích VCBS

Tuy vậy, ông Lê Anh Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) nhận định, việc Fed tăng lãi suất sẽ ít có tác động đến thị trường chứng khoán trong nước, do quy mô thị trường còn khá nhỏ nên việc bán tháo trên diện rộng là khó xảy ra.

Fed tăng lãi suất thường đi kèm với việc lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng theo và theo các chuyên gia, lo ngại xung quanh dòng vốn rút ra khỏi các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam là có cơ sở.

Bởi áp lực bán ròng của các nhà đầu tư ngoại xuất phát từ thị trường thế giới vẫn diễn biến khó lường, trong khi các số liệu vĩ mô trong nước và thế giới không còn đóng vai trò hỗ trợ tích cực như quý I.

Như vậy, áp lực bán ròng có thể tiếp diễn, đặc biệt trong bối cảnh các tin tức hỗ trợ kèm theo các động lực tăng trưởng của thị trường còn chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, ông Hoàng kỳ vọng, áp lực này sẽ không lớn.

Có lẽ, còn quá sớm đánh giá rõ nét rằng, dòng vốn ngoại sẽ vào tiếp hay rút ra khỏi thị trường Việt Nam khi kinh tế vĩ mô trong nước như tỷ giá và lạm phát được điều hành đi đúng hướng và dần lấy lại sự ổn định.

Thực tế, những tác động từ lộ trình tăng lãi suất của Fed đã dần trở nên quen thuộc với thị trường Việt Nam. Tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước cũng đã có sự điều chỉnh phù hợp.

“Với nguồn lực hiện có, cùng thông điệp rõ ràng về định hướng điều hành, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể giữ mức giảm giá của tỷ giá trung tâm quanh 2 - 2,5% cho năm 2018 - thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.

Trong khi đó, vào các thời điểm căng thẳng tỷ giá, giao dịch tại các ngân hàng thương mại có thể ở ngưỡng sát trần tính trong biên độ 3% đã được quy định so với tỷ giá trung tâm”, ông Trần Minh Hoàng nhìn nhận.

Dù rủi ro từ các yếu tố bất định trên thị trường chứng khoán vẫn đang hiện hữu, nhưng hiện tại với đặc điểm nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 70% giao dịch thường xuyên, ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất, theo ông Hoàng, có thể sẽ không lớn.

Hơn nữa, việc Fed tăng lãi suất đã có lộ trình nên không còn quá mới mẻ để gây sốc đến thị trường.

Tin bài liên quan