Giá chứng chỉ quỹ ETF sẽ biến động giống y hệt VN30 Index hoặc HNX30 Index

Giá chứng chỉ quỹ ETF sẽ biến động giống y hệt VN30 Index hoặc HNX30 Index

ETF nội rục rịch chuyển động

(ĐTCK) Trong khi UBCK, Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán đang hoàn thiện hành lang pháp lý cho quỹ ETF thì từ thị trường đã có những kế hoạch khai trương quỹ ETF đầu tiên tại Việt Nam, đem đến một công cụ cho những nhà đầu tư muốn đánh cược vào cả thị trường.

ETF, đơn giản đến bất ngờ

Các quỹ đầu tư hoán đổi danh mục (exchange-traded fund, ETF) ra đời và phát triển trên một thực tế: nhà đầu tư sau một thời gian dài đầu tư nhận thấy rằng, cho dù họ có thể lỡ chọn nhầm cổ phiếu và thua lỗ, nhưng tổng thể cả TTCK vẫn tăng. ETF là công cụ để họ chuyển sang đầu tư vào cả thị trường.

ETF hiểu đơn giản là một loại chứng khoán có biến động giá y hệt với giá của một chỉ số tham chiếu nào đó. Nếu một quỹ đầu tư ETF mô phỏng chỉ số VN30 Index, giá của chứng chỉ quỹ đó về cơ bản sẽ biến động y hệt như VN30 Index: VN30 Index tăng 18% từ đầu năm tới nay, giá của chứng chỉ này cũng sẽ tăng 18%; ngược lại, nếu VN30 Index giảm xuống, giá chứng chỉ này cũng giảm tương ứng.

Giao dịch của ETF cũng thuận tiện gần như giao dịch một cổ phiếu: chứng chỉ ETF được niêm yết trên sàn chứng khoán, giá trị tài sản ròng trong ngày (iNAV) của ETF theo khung pháp lý hiện tại ở Việt Nam sẽ được hiển thị 15 giây/lần (tại các nước phát triển, giá này được công bố song song theo thời gian thực) và về nguyên tắc, iNAV cũng chính là giá giao dịch của chứng chỉ quỹ ETF. Thời gian để tiền/chứng khoán về tài khoản sau khi mua bán ETF là T+4.

ETF thậm chí có một đặc điểm ưu việt hơn cổ phiếu: ngoài giao dịch thứ cấp trên sàn, nhà đầu tư còn có thể mua bán sơ cấp chứng chỉ ETF với chính đơn vị phát hành ra chứng chỉ đó (các quỹ đầu tư).

Sự ra đời của ETF đem đến một cách đầu tư ngược lại hoàn toàn với cách truyền thống. Nếu những quỹ đầu tư trước kia giao cho các nhà quản lý quỹ lựa chọn những cổ phiếu mà họ cho là tốt nhất để đạt được lợi nhuận cao nhất, thì đối với ETF, các nhà quản lý quỹ chỉ còn vai trò thiết lập ra một sản phẩm mô phỏng theo đúng một chỉ số tham chiếu và để cho nhà đầu tư tự đánh cược vào cả thị trường.

Chính sự đơn giản này là lý do khiến ETF bùng nổ tại các thị trường phát triển trong những năm gần đây. Năm 2012, tổng tài sản đầu tư vào các quỹ ETF trên thế giới tăng trưởng 22%. Năm 2013, mức tăng trưởng này là 28%, trong đó lượng tiền đóng mới đóng góp 14,7% và 13,5% tăng trưởng còn lại là nhờ việc tăng giá tài sản. Tính đến cuối năm 2013, tổng tài sản đổ vào dòng sản phẩm này đạt 2.250 tỷ USD.

Sẽ sử dụng VN30 Index và HNX30 Index

Tại nước ngoài, các quỹ ETF thường tự xây dựng một chỉ số tham chiếu riêng, với những tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng ngay từ khi thành lập. Đối với các quỹ ETF chuẩn bị thành lập tại Việt Nam hiện nay, do một số điều kiện pháp lý, các quỹ chỉ có thể mô phỏng theo các chỉ số do Sở GDCK xây dựng, triển vọng nhất là hai chỉ số VN30 Index và HNX30 Index. Tuy nhiên, chỉ riêng rổ chỉ số VN30 Index cũng đã chiếm 55 - 60% giá trị giao dịch của sàn TP. HCM, còn HNX30 Index chiếm tới 80 - 85% giá trị giao dịch của sàn Hà Nội.

Có những nhà quản lý quỹ kỳ vọng nhiều vào ETF ở Việt Nam. Các cá nhân ở Việt Nam có thể sẽ rất thích ETF, bởi chi phí giao dịch ETF thấp và nhà đầu tư không cần nghiên cứu một công ty cụ thể nào đó để chọn lựa cổ phiếu, mà chọn ETF để chỉ cần thị trường lên là được hưởng lợi.

Nhưng bên cạnh những công ty này, thực tế lại chưa có nhiều công ty khác chắc chắn về việc nên lập ETF ngay lúc này hay chưa. Công ty Quản lý quỹ VinaWealth, một trong những công ty hăng hái nhất trong việc lập quỹ mở và đang chuẩn bị khai trương thêm một số quỹ mở mới nói: “Cơ sở pháp lý về ETF và quỹ đầu tư bất động sản (REIT) ở Việt Nam đã có, tuy nhiên, VinaWealth sẽ cân nhắc điều kiện thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư để có quyết định phù hợp”.

Một nhà quản lý quỹ nước ngoài đầu tư ở Việt Nam thậm chí lo ngại rằng, quỹ ETF sẽ khiến thị trường nhỏ như Việt Nam dễ biến động hơn.

“ETF hấp dẫn những nhà đầu tư có khẩu vị đầu tư ngắn hạn”, nhà quản lý quỹ này nói và dẫn chứng hai quỹ ETF nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam: “Các quỹ nước ngoài như VNM và FTSE đang tạo ra nhiều biến động cho thị trường, vì nhu cầu cố hữu điều chỉnh danh mục cổ phiếu định kỳ của các quỹ này”.

Tuy nhiên, ít nhất trong ngắn hạn, các quỹ ETF nội chưa thể gây biến động mạnh đến thị trường. Các quỹ mở hiện nay nhìn chung mới chỉ huy động được 50 - 100 tỷ đồng/quỹ, rất nhỏ so với giá trị giao dịch cả ngàn tỷ đồng một ngày trên sàn TP. HCM.    

Tin bài liên quan