Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Đường dài minh bạch thông tin tài chính

(ĐTCK) Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một thành viên trong đoàn đàm phán nâng hạng thị trường chứng khoán chia sẻ, trong các cuộc trao đổi, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến vấn đề minh bạch thông tin tài chính. 

Về cơ bản, họ đánh giá cao chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), nhưng đó là so với điều kiện của nền kinh tế trong nước hiện nay, chứ so với tương quan và yêu cầu của thế giới thì vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong thương vụ BIDV bán 15% cổ phần cho HanaBank với giá trị hơn 1 tỷ USD mới đây, Chủ tịch HanaBank cho biết, thời gian đàm phán kéo dài 3 năm, chủ yếu là để HanaBank rà soát, kiểm tra lại toàn bộ tình hình tài chính của BIDV, hiểu rõ về Ngân hàng rồi mới quyết định đưa tiền vào. Muốn thu hút tiền vào thì minh bạch tài chính là quan trọng nhất.

Một trong những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn, các ngân hàng đã và đang triển khai thực hiện là áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); các cơ quan quản lý cũng đã hoạch định lộ trình cho vấn đề này, từ năm 2022 - 2024 sẽ thí điểm thực hiện, từ năm 2025 sẽ bắt buộc một số đối tượng doanh nghiệp áp dụng.

Tuy nhiên, nếu áp dụng IFRS không trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp và được thực hiện một cách thực chất với các quy định đồng bộ cũng như nỗ lực của nhiều phía, thì khó có thể cải thiện thông tin tài chính so với hiện nay.

Lãnh đạo VPBank cho hay, họ đã mất gần 10 năm triển khai IFRS, hàng năm, Ngân hàng vẫn công bố song song báo cáo kiểm toán theo 2 chuẩn mực và phải vượt qua rất nhiều khó khăn.

Dự phòng rủi ro theo IFRS lên tới 170 - 200% so với khi áp dụng VAS, lợi nhuận những năm đầu áp dụng IFRS có khi chỉ bằng 60% so với khi áp dụng VAS, trong nhiều trường hợp có thể khiến các nhà lãnh đạo ngân hàng e ngại tác động đến nhà đầu tư, cổ đông.

Ðặc biệt, do yêu cầu của cơ quan thuế, các doanh nghiệp, ngân hàng vẫn phải thực hiện song song 2 hệ thống báo cáo tài chính (trong đó, báo cáo tài chính theo VAS là cơ sở để tính thuế), rồi còn chi phí, sự thay đổi trong hệ thống quản trị nội bộ của ngân hàng… để đáp ứng các yêu cầu của IFRS.

Vì vậy, nếu không có sự cam kết của lãnh đạo cấp cao nhất doanh nghiệp, để lồng ghép việc thực hiện chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào các hoạt động quản trị hàng ngày, mà việc này chỉ thực hiện ở bộ phận kế toán, kiểm toán nội bộ, thì khó có thể kỳ vọng về một sự chuyển mình của doanh nghiệp.

Một nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, để đảm bảo tính minh bạch thông tin trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết, cần có rất nhiều điều kiện, bao gồm các điều kiện về pháp lý và quản lý nhà nước như hệ thống chuẩn mực kế toán và các quy định liên quan đến quá trình công bố báo cáo tài chính, kiểm toán độc lập, trình độ, kiến thức về kế toán - tài chính của nhà đầu tư cá nhân…

Ngoài ra, còn có các điều kiện bên trong doanh nghiệp như hệ thống kiểm soát nội bộ, ban lãnh đạo (gồm hội đồng quản trị và ban giám đốc), ban kiểm soát. Ðây là những điều kiện tác động và chi phối đến chất lượng xử lý dữ liệu kế toán phục vụ cho việc lập và công bố báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Như vậy, trên hành trình để thị trường chứng khoán Việt Nam có tiếng nói chung với khu vực và thế giới, để doanh nghiệp có thể thu hút thêm các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, không chỉ cần nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Tin bài liên quan