Ngành thép là một trong những ngành được dự báo triển vọng trong quý đầu năm nay.

Ngành thép là một trong những ngành được dự báo triển vọng trong quý đầu năm nay.

Dự báo sớm lợi nhuận quý đầu năm

(ĐTCK) Thị trường bước vào tuần giao dịch cuối cùng của quý I/2019. Trong bối cảnh xu hướng tăng điểm đang chững lại, câu chuyện về những doanh nghiệp được dự báo có kết quả kinh doanh khả quan quý đầu năm có thể trở thành điểm nhấn thu hút dòng tiền, nhưng vẫn cần thận trọng.

Mong manh ngưỡng 1.000 điểm

Kể từ khi chinh phục mốc 1.000 điểm ngày 12/3/2019, VN-Index liên tục chịu thử thách quanh ngưỡng này khi có nhiều phiên tăng giảm đột ngột, đặc biệt là những phiên giảm mạnh ngày 21 và 25/3, bất chấp việc đón nhận tín hiệu lạc quan từ xu hướng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài, việc hút vốn thành công của các quỹ ETF ngoại và nội, đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc hay tiến trình nâng lãi suất tại Mỹ, châu Âu…

Diễn biến trên khiến không ít nhà đầu tư lo ngại xu hướng tăng kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay bị bẻ gãy. Thậm chí, một số ý kiến nghi ngại có sự liên hệ giữa thị trường phái sinh và biến động bất thường của VN-Index, khi cùng một kịch bản biến động mạnh liên tục được lặp đi lặp lại xung quanh các phiên đáo hạn của hợp đồng này.

Mặt khác, thị trường bước vào tuần giao dịch cuối cùng của quý I/2019, cũng là thời điểm cao điểm của mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm 2019, với tâm điểm là thông tin về kế hoạch sản xuất - kinh doanh cả năm nói chung, cũng như ước kết quả kinh doanh quý đầu tiên nói riêng của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đà tăng của thị trường chứng khoán đang gặp thử thách, những thông tin này được nhìn nhận sẽ là yếu tố thu hút sự chú ý của dòng tiền, hỗ trợ các chỉ số hồi phục, bên cạnh các thông tin tích cực về vĩ mô. 

Những ngành dự báo triển vọng

CTCP Nhựa và môi trường Xanh An Phát (mã AAA) cho biết, trong tháng 1/2019, sản lượng xuất khẩu của AAA đạt mức kỷ lục 9.100 tấn, tăng 137% so với cùng kỳ 2018. Trong tháng 3/2019, AAA dự kiến sẽ xuất khẩu 8.500 tấn bao bì, tăng 120% so với cùng kỳ và con số này sẽ tiếp tục được duy trì (hoặc đạt cao hơn) trong các tháng tiếp theo.

Năm 2019, AAA lên kế hoạch đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 510 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2018. Theo lãnh đạo AAA, sự khởi đầu tích cực trong quý đầu năm sẽ là cơ sở để Công ty thực thi kế hoạch đề ra, cho dù ĐHCĐ thường niên năm nay được tổ chức vào cuối tháng 4, trễ hơn hơn 1 tháng so với năm ngoái. Trên thị trường, thị giá cổ phiếu AAA đã tăng gần 11% kể từ đầu năm 2019, thanh khoản cũng cải thiện so với cuối năm 2018.

Lạc quan về kết quả kinh doanh quý I/2019 cũng là điều mà nhiều doanh dệt may, thủy sản, thép… dự kiến, khi diễn biến thị trường trong nước và xuất khẩu có nhiều yếu tố tích cực. Chẳng hạn, với ngành thép, mặc dù đang đối mặt với không ít thách thức như giá điện tăng làm tăng chí phí đầu vào, song việc giá thép tăng mạnh trở lại trong những tháng đầu năm và dự báo duy trì ở mức cao trong thời gian tới đã tạo kỳ vọng sáng cho các nghiệp ngành này, bởi giá thép nguyên liệu tăng cũng đồng nghĩa với giá bán thép thành phẩm tăng, cũng như được hoàn nhập trích lập dự phòng cho hàng tồn kho.

Với những doanh nghiệp hoạt động trong ngành phân phối, bán lẻ (MWG, FRT, PNJ…) và dịch vụ du lịch (TCT, SKG…) - vốn có lợi nhuận tốt trong quý đầu năm, kết quả năm 2019 cũng được dự báo tích cực. Số liệu của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) cho biết, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2 tháng đầu năm đạt 17.396 tỷ đồng và 729 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 20% so với cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, MWG đã hoàn thành 16% kế hoạch doanh thu và 20% kế hoạch lợi nhuận năm mới được ĐHCĐ 2019 thông qua.

Tại nhóm ngân hàng - nhóm cổ phiếu có quy mô vốn hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index và nhiều thời điểm đóng vai trò dẫn dắt chỉ số, lợi nhuận quý I/2019 cũng được dự báo tăng trưởng nhờ hạn mức tín dụng đầu năm dồi dào, cho dù tốc độ có thể sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm 2018. Theo tính chu kỳ, quý I thường là giai đoạn thấp điểm đối với các ngân hàng, song việc có khởi đầu thuận lợi sẽ tạo tâm lý tích cực về triển vọng cả năm. 

Cẩn trọng với sóng lợi nhuận đầu năm

Thị trường chứng khoán đã có khởi đầu năm 2019 khá tích cực với sự đồng thuận tăng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, từ bộ 3 cổ phiếu "họ" Vingroup (VIC, VHM và VRE), các cổ phiếu ngân hàng, đến nhiều mã lớn khác như SAB, VNM, GAS… Mặt khác, trong bối cảnh biến động tại các bluechips bắt đầu có sự phân hóa, câu chuyện lợi nhuận quý I có thể trở thành điểm nhấn và thu hút dòng tiền, hỗ trợ thị giá cổ phiếu trên thị trường. Tuy vậy, không phải nhóm ngành nào cũng có triển vọng tăng trưởng.

Đơn cử, việc dịch tả lợn đang diễn ra đang khiến giá heo cả 3 miền giảm mạnh, dự báo sẽ ảnh hưởng đến kết quả đến mảng chăn nuôi của nhiều doanh nghiệp như CTCP Chăn nuôi Phú Sơn (mã PSL), CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) hay CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN)…

Hay với ngành chứng khoán, tại ĐHCĐ tổ chức ngày 21/3, lãnh đạo CTCP Chứng khoán FPT (mã FTS) cho biết, lãi dự kiến 2 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 30 tỷ đồng, chưa bằng một nửa con số của quý I/2018. Rõ ràng, việc điểm số thị trường cũng như thanh khoản đều sụt giảm mạnh so với thời điểm này năm ngoái - khi VN-Index bứt phá khỏi mức đỉnh lịch sử 10 năm để lập kỷ lục mới (1.200 điểm), đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Bên cạnh đó, thị trường thường thăm dò và tích lũy trước khi kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp có lợi nhuận khả quan quý đầu năm được công bố. Điều này gây khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư thận trọng, chờ đợi công bố thông tin chính thức mới quyết định giải ngân, bởi thông tin đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu từ trước, thậm chí tiềm ẩn rui ro lớn khi thị giá đã tăng cao và chịu áp lực bán chốt lời từ những người mua sớm.

Ngoài ra, cũng có không ít trường hợp thông tin tốt về kết quả kinh doanh được nhà đầu tư “rỉ tai” nhau đẩy thị giá, thanh khoản cổ phiếu tăng mạnh, nhưng báo cáo tài chính sau đó công bố lại trái ngược. Do vậy, sự thận trọng với những "tin đồn" về khả năng có lợi nhuận đột biến là cần thiết để tránh rơi vào bẫy “kéo giá, xả hàng”, nhất là với những cổ phiếu thiếu nền tảng cơ bản và triển vọng, yếu tố đột biến hoàn toàn trông đợi vào những khoản bất thường.

Tin bài liên quan