Ảnh minh họa: Corbis

Ảnh minh họa: Corbis

Đợt phục hồi ngắn hạn sắp diễn ra

(ĐTCK-online) Một số CTCK cho rằng, sau giai đoạn bán tháo, thị trường sẽ sớm phục hồi kỹ thuật trở lại, tuy nhiên chưa có cơ sở để VN-Index có thể đảo chiều tăng thực sự. Vì thế NĐT vẫn được khuyến nghị nên thận trọng và không vội vàng bắt đáy.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 24/5.

 

Nên đứng ngoài thị trường lúc này

(CTCK ACB - ACBS)

Trong phiên giao dịch ngày 23/5, thị trường chứng khoán chứng kiến một phiên “đổ vỡ toàn diện” của cả hai chỉ số. VN-Index lao nhanh về mức 417,82 điểm, giảm 15,05 điểm (-3,47%). HNX-Index dừng tại 74,5, giảm 2,48 điểm (-3,22%).

Thanh khoản trên cả hai sàn tăng mạnh trong khi chỉ số trượt dốc chứng tỏ nhiều nhà đầu tư đang hoảng loạn bán tháo cổ phiếu ra. Khối lượng giao dịch trên HOSE tăng lên 31,75 triệu cổ phiếu, tương đương 628,51 tỷ đồng (tăng lần lượt 19% và 28,45% so với phiên trước đó). Khối lượng giao dịch trên HNX cũng tăng mạnh 33,14% lên 29,5 triệu cổ phiếu, tương đương 328,92 tỷ đồng (tăng 24,07%). Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do:

1. Tâm lý bi quan của nhà đầu tư trước khả năng kìm hãm tốc độ tăng của lạm phát trong năm nay từ phía các cơ quan chức năng. Dễ nhận thấy rằng, dù CPI tháng 5 của một số thành phố vừa mới công bố vào cuối tuần trước đã hạ nhiệt đáng kể nhưng nhiều khả năng lạm phát năm 2011 vẫn sẽ ở mức cao.

2. Nhà đầu tư ngày càng trở nên hoảng loạn hơn, đặc biệt là sau khi đối mặt với 1 tuần “đen tối” trên cả hai sàn khi chỉ số ngày càng mở rộng đà giảm. Những nhà đầu tư kiên nhẫn nắm giữ cổ phiếu để chờ cơ hội thị trường hồi phục có lẽ đã mất dần kiên nhẫn và tăng cường bán ra. Vì thế áp lực bán dâng tràn và nhấn chìm thị trường xuống sâu hơn nữa trong phiên vừa qua.

3. Nguồn cung ào ạt trên thị trường còn được bổ sung đáng kể từ việc giải chấp của các công ty chứng khoán.

4. Khối ngoại cũng đã bắt đầu bán ròng trên HOSE kể từ phiên thứ Sáu tuần trước. Trong đó, đáng chú ý là VIC bị khối này bán ròng nhiều nhất (giá trị bán ròng là 24,6 tỷ đồng trong phiên 20/5 và 21,6 tỷ đồng trong phiên 23/5); tiếp theo là nhiều blue chip khác như  HAG, CTG, SJS, BVH và STB.

Trên phương diện phân tích kỹ thuật, mặc dù VN-Index đóng cửa dưới vùng hỗ trợ 420-430, nhưng do đây là mức hỗ trợ dài hạn mạnh nên cần thêm vài phiên giao dịch nữa để xác định nó đã bị xuyên thủng hay chưa. Ở mặt ngược lại, với vùng giao dịch hiện tại của VN-Index, việc chỉ số RSI(14) đã cắt xuống dưới vùng quá bán là một dấu hiệu tích cực. Đối với sàn Hà Nội, nhiều khả năng HNX-Index sẽ tiếp tục đi xuống cùng VN-Index. Nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường lúc này.

 

Kịch bản tươi sáng của thị trường là rất thấp

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã mở đầu tuần giao dịch mới không thuận lợi khi màu sắc đỏ u ám tiếp tục kéo dài thêm chuỗi ngày liên tiếp chi phối của mình trên cả hai sàn giao dịch, nếu như con số này trên sàn HOSE là 8 thì ở sàn Hà Nội còn nhiều hơn thế với con số 10.

Đáng lưu ý hơn khi mức giảm trên cả hai sàn trong ngày 23/5 đều là sâu nhất trong chuỗi ngày giảm liên tục của mình. Nguyên nhân cũng không có gì nhiều, ngoài việc các nhà đầu tư tỏ ra khá bi quan và có phần hoảng loạn tạo nên lực cung xả hàng ồ ạt làm cho thị trường càng giao dịch càng tuột dốc không phanh. Tuy nhiên, cũng chính điều này làm cho tính thanh khoản của thị trường tăng lên đôi chút so với cuối tuần trước khi mà dư mua hầu như bị vét sạch.

Như vậy, thêm một lần nữa, những khó khăn và bất ổn của vĩ mô đã và đang được tiếp tục thể hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng tôi cho rằng, điều này nhiều khả năng sẽ khó có thể kết thúc trong một sớm một chiều. Do đó, kịch bản tươi sáng cho phiên giao dịch ngày 24/5 là rất thấp, có thể xu hướng giằng co đi ngang hoặc giảm điểm vẫn chiếm ưu thế.

 

Thị trường còn xuất hiện những phiên giảm mạnh

(CTCK VNDirect - VND)

Với phiên giảm điểm ngày 23/5, VN-Index đã chính thức vỡ mốc 420 điểm. Kể từ đỉnh tháng 10/2009, thị trường đã có  3 lần về gần mốc này nhưng chưa đều được hỗ trợ và bật trở lại. Việc phá đáy với tốc độ mạnh mẽ mà thanh khoản tăng như hiện tại cho thấy áp lực bán lớn và thị trường sẽ còn chứng kiến những phiên giảm điểm mạnh nữa.  

Dù chưa có thông tin CPI tháng 5 chính thức, nhưng có thể chắc chắn sẽ giảm tốc hơn so với tháng 4. Cục Quản lý giá, bộ Tài chính cũng dự báo CPI tháng 6 chỉ khoảng 0,7 - 0,8%, phần nào thể hiện một  xu thế tích cực hơn trong vấn đề kiềm chế lạm phát. Song bên cạnh đó, lãi suất vẫn ở mức cao và bất động sản tiếp tục trong giai đoạn khó khăn, vĩ mô vì thế vẫn chưa xuất hiện yếu tố đáng kể hỗ trợ cho thị trường.

Bản thân thị trường chứng khoán cũng đang đứng trước áp lực giải chấp, những cổ phiếu cơ bản tốt, vốn giữ giá tốt nhất thị trường cũng trải qua những phiên giảm điểm mạnh. Trong tuần này, thị trường vẫn sẽ tiếp tục giảm điểm. Sự điều chỉnh nếu có chỉ là cơ hội giảm bớt tỷ lệ cổ phiếu của danh mục.

Nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên giữ tiền mặt. Thị trường có thể xuất hiện phiên tăng điểm nhẹ nhưng chỉ mang tính chất điều chỉnh, sau đó xu hướng giảm sẽ quay trở lại. Chỉ khi thanh khoản tốt đi kèm đường giá tạo đáy W mới cao hơn đáy cũ mới cân nhắc đến khả năng thị trường hồi phục.

 

Xu hướng của thị trường vẫn tiếp tục là xu hướng giảm

(CTCK Công thương - CTS)

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng ngay cả khi VN-Index giảm điểm mạnh. Đây là tín hiệu xấu. Các mã bán ròng là VIC, HAG, BVH, CTG,… và mua vào PVD, CII, REE, FPT,… Hoạt động cơ cấu này chưa có dấu hiệu ngừng.

Có vẻ các cổ phiếu đang bắt đầu bị giải chấp mạnh hơn. Lượng bán khá lớn và quyết liệt. Mặc dù cầu bắt đáy tăng nhẹ nhưng vẫn bị lượng bán áp đảo. Xu hướng của VN-Index và HNX-Index vẫn tiếp tục là xu hướng giảm điểm. Xu hướng này chỉ có thể thay đổi khi ít nhất hoạt động ETFs cơ cấu cổ phiếu chấm dứt.

 

Sớm hồi phục ngắn hạn

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Trái ngược với ý định tháo chạy của số đông, chúng tôi vẫn nhận thấy một lực cầu tương đối tốt ở vùng giá thấp chứng tỏ một dòng tiền không nhỏ đang đi ngược lại xu hướng.

Sau giai đoạn bán tháo, lực cung cổ phiếu sẽ giảm mạnh. Khi đó chỉ cần một lực đẩy nhẹ thị trường sẽ tự chuyển động đi lên mà không cần một dòng tiền quá lớn. Vấn đề là khi nào lượng cung kia sẽ được hấp thụ hết, chúng tôi cho rằng mọi thứ sẽ rõ ràng hơn chỉ trong một hai phiên tới và sự hồi phục trước mắt là ngắn hạn nhiều khả năng sẽ sớm xuất hiện.

 

Tiếp tục xu huớng giảm

(CTCK Woori CBV)

Phiên giao dịch đầu tuần (23/5) kết thúc trong tâm lý buồn tẻ. VN-Index giảm sâu và nhà đầu tư đã quay lưng lại với thị trường khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang ở mức cao; khiến kênh đầu tư chứng khoán kém hấp dẫn và khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về kinh doanh và tiếp cận vốn.

Thêm vào đó, tâm lý lo lắng của nhà đầu tư trước tình hình lạm phát tăng cao, và áp lực giải chấp đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường, khiến thị trường mất điểm với mức giảm ngày càng mạnh hơn. Hàng loạt cổ phiếu thi nhau nằm sàn cùng với sự cạn kiệt trong lực cầu. Dường như mức 420 điểm được coi là mức đáy của thị trường trong năm 2010 khó có thể trở thành mức trụ đỡ vững chắc tại thời điểm này.

Rõ thấy nhất là lực cầu vắng bóng khi chỉ số tiếp cận mức 420 điểm và dễ dàng bị xuyên thủng rơi xuống mức 417 điểm. Trên phương diện phân tích kỹ thuật, chưa có tín hiệu nào cho thấy mức giảm của chỉ số đã tạm ngừng.

Theo Woori CBV, thị trường sẽ tiếp tục xu huớng giảm và chênh lệch cung cầu sẽ tếp tục nghiêng về bên cung trong 1 vài phiên tới.

 

NĐT không nên vội bắt đáy

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Biên độ giá tiếp tục được mở rộng cộng thêm sự gia tăng của khối lượng khớp lệnh. Áp lực bán vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt là ở nhóm Bluechips, một số mã tăng mạnh bóp méo VN-Index thời gian qua đã quay đầu giảm mạnh, và cũng là nguyên nhân chính cho những phiên lao dốc không phanh của thị trường.

Đi sâu vào quan sát cung cầu, trung bình lệnh bán chiếm ưu thế hơn trung bình lệnh mua, lượng đặt bán vẫn duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng, đây là dấu hiệu cho thấy tâm lý không mấy tích cực của NĐT. Còn về lực bắt đáy, chúng tôi nhận thấy lực này chưa xuất hiện mạnh, số lệnh đặt mua vượt hơn số lệnh đặt bán, tuy nhiên khối lượng đặt mua lại thấp hơn khối lượng đặt bán, động thái mua của NĐT chủ yếu diễn ra trên quy mô nhỏ.

Các  chính sách vĩ mô vẫn xoay quanh kiềm chế lạm phát, qua đó hạn chế dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác cần được xem xét: Lịch sử ở nhiều nước cho thấy tính chu kỳ của những lần bầu cử cũng đã tác động mạnh đến diễn biến của thị trường - thường giảm mạnh trước đó và tăng trở lại sau khi đợt bầu cử hoàn thành xong. Do vậy, có thể kỳ vọng  Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ.

Chúng tôi vẫn không thay đổi quan điểm đầu tư trong giai đoạn này, chiến lược nắm giữ tiền mặt vẫn được ưu tiên hàng đầu. NĐT không nên vội bắt đáy trước khi có những tín hiệu xác nhận thị trường tạo đáy. Riêng về NĐT dài hạn, việc giải ngân cũng cần cân nhắc trong sự thận trọng về cổ phiếu được chọn mua và tỷ trọng.

 

Đợt phục hồi ngắn hạn sắp diễn ra

(CTCK Trí Việt - TVSC)

Mức hỗ trợ trung hạn 420 của VN-Index đã chính thức bị phá vỡ. Đây là chỉ con số về mặt hình thức, mặt bằng giá chung của sàn HOSE nhìn chung chỉ tương đương với mức 330 - 350 điểm, chưa kể khá nhiều cổ phiếu xuống thấp hơn mức giá tại đáy 235 điểm.

Chúng tôi vẫn thấy một vài tín hiệu cho thấy một đợt phục hồi ngắn hạn sắp diễn ra:

1. Cả VN-Index và HXN-Index đều sắp rơi chạm về kênh hỗ trợ trung hạn.

2. Nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng sắp tìm được ngưỡng hỗ trợ và khó giảm sâu thêm, điều này sẽ làm giảm tâm lý bi quan cho nhà đầu tư ở một mức độ nhất định.

3. KLGD trên 2 sàn phiên 23/5 đạt mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Áp lực giải chấp là có thực nhưng theo kinh nghiệm khó lòng duy trì với khối lượng lớn trong liên tiếp nhiều phiên. Mặc dù vậy, đợt phục hồi này sẽ chứa đựng khá nhiều rủi ro cho các nhà đầu cơ ngắn hạn khi mà thị trường không thu hút được thêm dòng tiền mới.

 

Có thể sẽ xuất hiện phục kỹ thuật ở mức độ nhẹ

(CTCK Dầu khí - PSI)

Trên phương diện kỹ thuật, VN-Index phá vỡ ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 420 điểm khi đóng cửa phiên mức 417,82 điểm. Lực cầu hỗ trợ tại ngưỡng này có thể hiện vai trò, nhưng KL mua vào qua ít so với lực lượng bán ra, khiến KLGD cải thiện tăng chút ít nhưng giá vẫn giảm rất mạnh.

Đà giảm của thị trường thể hiện qua các indicator Relative Strength Index đang dốc đứng theo chiều giảm thể hiện sức giảm giá vẫn áp đảo. Money Flow Index tiếp tục đi xuống, dòng tiền chưa có dấu hiệu nào tích cực.

Tín hiệu bán đã xuất hiện trên công cụ MACD, vốn là công cụ xác định xu thế của thị trường. Điều đó cũng có nghĩa là TT đã đi vào xu thế giảm.

Trong ngắn hạn, với chỉ báo Stochastic Osccilator đã ở mức sát giá trị 0, VN-Index đã có 2 phiên biến động hoàn toàn nằm ngoài dải Bollinger band, những tín hiệu cho thấy xác suất để VN-Index có điều chỉnh tăng nhẹ trong 2 - 3 phiên tới là khá cao, tuy nhiên chưa có cơ sở kĩ thuật cho một đợt phục hồi mạnh.

Không có nhiều thông tin hỗ trợ, lực mua không đáng kể bất chấp giá cổ phiếu ở mức thấp, dòng tiền đứng ngoài thị trường: những tín hiệu cho thấy thị trường đang trong chiều hướng giảm giá. Trong một vài phiên tới có thể sẽ xuất hiện phục kỹ thuật ở mức độ nhẹ, tuy nhiên chưa có cơ sở để VN-Index có thể đảo chiều tăng thực sự.