Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Dòng tiền trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn

(ĐTCK) Sau một thời gian dòng tiền đầu cơ hoạt động mạnh, dòng tiền đã dịch chuyển trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhất là ngân hàng. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng hồi phục mạnh.

Thị trường dầu mỏ vừa ghi nhận tuần tăng giá tích cực khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh tiếp tục khẳng định cắt giảm mạnh sản lượng trong năm 2020.

Ðồng thời, OPEC cam kết sẽ giám sát các thành viên về việc cắt giảm, điều này mở ra kỳ vọng về đà tăng của giá dầu Brent. Thực tế, đồ thị giá dầu đã tiến về gần mức đỉnh cũ trong tháng 9/2019.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá dầu Brent có thể sẽ đối mặt với áp lực điều chỉnh và xu hướng dài hạn của giá dầu vẫn tiêu cực do nguồn cung còn rất lớn, cùng với các lo ngại về thâm hụt ngân sách của nhiều quốc gia trong khối OPEC, vấn đề năng lượng thay thế và chiến tranh thương mại.

Chúng tôi cho rằng, chính vì yếu tố dài hạn còn tiêu cực nên nhóm cổ phiếu dầu khí chưa thật sự khởi sắc.

Thị trường chứng khoán thế giới, nhất là thị trường Mỹ, tiếp tục tăng điểm khi nhà đầu tư kỳ vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Ðồng thời, các vấn đề địa chính trị tạm lắng và không tạo ra rủi ro lớn cho giới đầu tư trong giai đoạn hiện tại.

Ngoài ra, số liệu vĩ mô có triển vọng khả quan và mức chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 2 năm tiếp tục tăng, khiến những dấu hiệu cảnh báo rủi ro khủng hoảng trước đó suy yếu.

Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục xác lập mức đỉnh cao kỷ lục, trong đó, chỉ số sàn Nasdaq có mức tăng gần 40% so với đầu năm. Nhiều thị trường khác cũng chứng kiến đà tăng mạnh mẽ, với sự hồi phục của nền kinh tế, theo đó rủi ro khủng hoảng giảm mạnh như tại thị trường chứng khoán Hy Lạp, Venezuela…

Tại khu vực Ðông Nam Á, mức tăng trưởng trung bình của chỉ số chứng khoán chỉ đạt 0,71%, trong đó mức tăng trưởng mạnh nhất là chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam, đạt 7,95%, theo sau là chỉ số STI của Singapore với mức tăng 5,67%; ngược lại, thị trường chứng khoán Malaysia và Campuchia có mức giảm lần lượt là 4,81% và 12,95%.

Dòng tiền trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ảnh 1

Hệ số P/E của TTCK và dự báo tăng trưởng GDP 2019 một số nước trong khu vực.

Kết thúc năm 2019, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra là 6,8%, xuất siêu kỷ lục 9,9 tỷ USD.

GDP tăng cao nhất so với các nền kinh tế trong khu vực, nhưng P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ ở mức 15,8 cho thấy, dù thị trường tăng điểm nhưng đang bị định giá thấp. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam rất hấp dẫn, có nhiều dư địa tăng trưởng trong ngắn và trung hạn.

Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam kỳ vọng duy trì trong năm 2020, đóng góp chính vào đà tăng trưởng đến từ tiêu dùng, đầu tư FDI và xuất khẩu.

Yếu tố này cùng với xu hướng lãi suất dự báo tiếp tục giảm và tỷ giá được giữ ổn định sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, năm 2020, nhiều khả năng thị trường chứng khoán thế giới sẽ có những khó khăn, ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam, do đây là năm bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể diễn biến khó lường và tốc độ sản xuất trong thời gian gần đây giảm dần.

Sau một thời gian dòng tiền đầu cơ hoạt động mạnh, dòng tiền đã dịch chuyển trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhất là ngân hàng. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có sự hồi phục mạnh trong tuần qua.

Theo chu kỳ hàng năm, nhóm bất động sản thường có đà tăng mạnh vào giai đoạn đầu năm, đặc biệt trong quý I. Xét đầu tư giá trị, nhiều cổ phiếu bất động sản có mức định giá thấp, điều này có thể sẽ kích thích dòng tiền đầu cơ trong ngắn hạn.

Tin bài liên quan