Dòng tiền rút ra từ TTCK Trung Quốc khó chảy vào TTCK Việt Nam

Dòng tiền rút ra từ TTCK Trung Quốc khó chảy vào TTCK Việt Nam

(ĐTCK) Sáng nay (29/7), các chuyên gia, nhà quản lý TTCK Việt Nam đã có mặt tại trụ sở Báo Đầu tư, 47 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội để trao đổi, phân tích sự ảnh hưởng từ sự sụt giảm của TTCK Trung Quốc và bài học với TTCK Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc, dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài ra vào thị trường này. Tuy nhiên, đa số đều có chung nhận định, mức ảnh hướng tới TTCK Việt Nam là không lớn và cũng khó có khả năng dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi TTCK Trung Quốc sẽ chảy vào Việt Nam.

***
...........................................

Diễn biến buổi tọa đàm

11h50

Phóng viên: Liệu dòng tiền rút ra từ thị trường chứng khoán Trung Quốc có chảy vào Việt Nam?

Ông Hùng Linh: Theo tôi là rất ít có khả năng xảy ra, chỉ khoảng dưới 1%, dòng tiền này chảy vào Việt Nam. Qua theo dõi tôi thấy, dòng tiền ngoại giữa TTCK Trung Quốc và Nhật Bản có mối liên hệ với nhau. Khi TTCK Trung Quốc tăng, dòng tiền ngoại rút ra khỏi TTCK Nhật Bản và ngược lại, khi TTCK Trung Quốc sụt giảm, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài lại chảy vào TTCK Nhật Bản.

Tại Việt Nam, hoạt động giao dịch đáng chú ý của khối ngoại là 2 quỹ ETFs. Hai quỹ này thường mua vào rất mạnh đầu năm, đẩy thị trường tăng, sau đó các quỹ này sẽ bán ra vào nửa cuối năm.

......................
11h45

Ông Phan Trung Phương, Chủ tịch HĐQT F.I.T:

Là doanh nghiệp niêm yết, chúng tôi cũng rất phân vân lo lắng, liệu ảnh hưởng của sự sụt giảm từ TTCK Trung Quốc tác động như thế nào tới thị trường và các doanh nghiệp Việt Nam. Trên góc độ sản xuất kinh doanh, FIT có khoảng 10 doanh nghiệp, nếu nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, có thể ảnh hưởng tới các mặt hàng như hàng tiêu dùng, các sản phẩm nông nghiệp...

...................

11h30

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư CTCK SSI:

Tại TTCK Việt Nam, nhóm cổ phiếu chứng khoán được NĐT nước ngoài mua ròng 2.000 tỷ đồng, ngân hàng gần 2.000 tỷ đồng, trong khi ngành ngân hàng chiếm 30% vốn hóa thị trường, nên khi nhóm ngân hàng tăng đã đẩy VN-Index tăng, kéo theo dòng tiền và các cổ phiếu khác.

Qua theo dõi, chúng tôi thấy, TTCK Việt Nam và Trung Quốc đều có thời gian đi ngang rất lâu. Chúng tôi đã từng đặt câu hỏi, tại sao TTCK Trung Quốc lại đi ngang lâu như vậy trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của nước này rất mạnh? Trước khi tăng mạnh, PE của TTCK Trung Quốc chỉ là 10.

Dòng tiền rút ra từ TTCK Trung Quốc khó chảy vào TTCK Việt Nam ảnh 1

 Ông Nguyễn Đức Hùng Linh

Dường như TTCK Trung Quốc đi ngang để tích lũy và ngọn lửa này đã bùng lên từ tháng 11/2014 khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nới lỏng tiền tệ, sau nhiều năm thắt chặt. Tuy nhiên, mức tăng nhanh như thời gian trước đó là có vấn đề.

Theo dõi dòng tiền của NĐT nước ngoài vào Trung Quốc, chúng tôi thấy, khi TTCK Trung Quốc tăng nóng, họ rút liên tục, từ tháng 11/2014, đến tháng 6, trung bình 1 tuần họ rút 2 tỷ USD. Họ rút là do nhận thấy định giá cổ phiếu đã cao, nên chốt lời. Nhưng khi thị trường Trung Quốc lao dốc, họ lại đổ mạnh tiền trở lại với kỳ vọng chứng khoán Trung Quốc sẽ đưa vào chỉ số MSCI. Do đó, hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Trung Quốc cũng mang tính đầu cơ.

Tuy nhiên, sau đó MSCI đã không đưa chứng khoán Trung Quốc cho vào chỉ số vì cho rằng, thị trường này chưa minh bạch, Nhà nước còn can thiệp hành chính vào thị trường. Ngoài ra, qua tìm hiểu, giới đầu tư phát hiện Chính phủ Trung Quốc tung tiền ra mua cổ phiếu để cứu thị trường qua đường vòng là các quỹ, khiến nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin vào thị trường Trung Quốc.

Theo tôi đánh giá, TTCK Trung Quốc sẽ còn giảm mạnh hơn nữa trong thời gian tới, thậm chí nếu Chính phủ mở lại cho các cổ phiếu khác giao dịch hết, thì mức sụt giảm và mức độ rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài còn tệ hơn nữa.

................

11h15

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt:

Nếu nhìn lại trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua của TTCK Trung Quốc, thì thấy Nhà nước có can thiệp. Niềm tin của NĐT rất quan trọng, sự can thiệp Chính phủ dù không nhiều, nhưng đó là các giải pháp cần thiết để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

TTCK Việt Nam cũng đã từng trải qua thời kỳ suy thoái, 2008-2009, 2011, nên chúng ta đã có bài học ứng phó.

Tôi đồng ý với các chuyên gia là cuộc khủng hoảng của TTCK Trung Quốc hiện nay là do margin. Thực tế TTCK Việt Nam cũng đã có những giai đoạn khủng hoảng khi các CTCK cho vay hợp tác đầu tư. Giai đoạn đó việc giải chấp, liệu có nên yêu cầu các CTCK phải báo cáo định kỳ 1 tháng 2 lần về số dư vay margin, thậm chí có thể báo cáo hàng ngày.

Đương nhiên, các CTCK sẽ không muốn công bố, nhưng về mặt quản lý, thì nên kiểm soát margin, từ đó đưa cảnh báo để các CTCK tự quản trị rủi ro.

.......................

11h

TS. Võ Trí Thành: 

Với Trung Quốc, GDP tăng chậm lại là đương nhiên, nhưng quan trọng là quản trị việc giảm này ra sao, cần hạ cánh mềm.

Trung Quốc bắt đầu có sự dịch chuyển nhất định về bên trong như tiêu dùng, dịch vụ, nhưng chủ yếu là sự dịch chuyển về lao động, chưa phải về kỹ năng, công nghiệp, quản trị. Do đó, liệu GDP Trung Quốc sẽ là 7%, 6%, 5% hay 3% là câu hỏi lớn nhất với Trung Quốc.

Với Việt Nam, đầu tư đã làm trung hạn, nên ngân sách phải làm trung hạn.

................

10h50

Ông Đỗ Trọng Khanh, Vụ trưởng Vụ tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Việc Trung Quốc áp dụng các chính sách kích thích kinh tế, dẫn đến tiền chảy nhiều hơn vào TTCK là một trong những nguyên nhân khiến TTCK chịu trận.

Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nhưng TTCK ngược lại tăng liên tục.

Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh của TTCK Trung Quốc nếu như tính trên các chỉ số vĩ mô, thì đúng là sự sụt giảm quá sớm. Trung Quốc tuy giảm tăng trưởng, nhưng mức tăng 7% vẫn là tốt. Tại sao TTCK Trung Quốc sụt giảm nhanh?

Theo tôi đó là do chất lượng của NĐT. Ngoài ra, nguyên nhân nữa khiến TTCK Trung Quốc lao dốc nhanh là do margin cao.

Dòng tiền rút ra từ TTCK Trung Quốc khó chảy vào TTCK Việt Nam ảnh 2

Chưa có cơ sở sự sụt giảm của TTCK Trung Quốc tác động trực tiếp đến TTCK Việt Nam. Hiện tâm lý của NĐT Việt Nam và các chỉ số vĩ mô của Việt Nam đang tốt, nên nếu có ảnh hưởng  của TTCK Trung Quốc với TTCK Việt Nam chỉ là tác động đến tâm lý của NĐT.

Việc Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 60/2015 sẽ đảm bảo hỗ trợ thị trường phát triển bền vững. Ngoài ra, Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN cũng đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ sự phát triển của TTCK.

Thông tư 36 đang có quan điểm khác biệt giữa các Bộ, nhưng sẽ có tác động tích cực đến quản trị rủi ro. 

Việt Nam cần theo dõi chặt diễn biến TTCK Trung Quốc, để rút ra các bài học trong quản lý, điều hành thị trường.  

Dòng tiền rút ra từ TTCK Trung Quốc khó chảy vào TTCK Việt Nam ảnh 3 
..............................

10h40

GS. Nguyễn Mại:

So với các nước mạnh trên thế giới, thì Trung Quốc còn yếu. Có những quan điểm cho rằng, Trung Quốc sẽ trở thành nước hùng cường, nhưng có những đánh giá tiêu cực.

Theo đánh giá của ông Hứa Gia Đôn, một học giả Trung Quốc đưa ra đánh giá vào năm 2011 rằng, thể chế tài chính, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc hiện rất yếu mà đây là yêu cầu của một cường quốc cần phải có.

Dòng tiền rút ra từ TTCK Trung Quốc khó chảy vào TTCK Việt Nam ảnh 4

GS. Nguyễn Mại

Câu chuyện hiện nay không chỉ là theo dõi diến biến của TTCK Trung Quốc đến đâu, mà liệu TTCK Trung Quốc tiếp tục xấu đi nữa không, có gây khủng hoảng cho Trung Quốc hay không?

Qua nghiên cứu cho thấy, không có nước nào phát triển liên tục, mà sẽ có khủng hoảng, sau đó nếu diều chỉnh tốt thì lại phát triển.

Trong vòng 14 năm, GDP thực của Trung Quốc tăng 7,7 lần, rất ấn tượng, tuy nhiên 2 năm gần đây GDP bắt đầu tăng chậm lại, thông thường không nước nào tăng GDP quá 3 thập niên.

Có dự báo mức tăng GDP Trung Quốc từ nay đến 2020 thậm chí có thể chỉ còn 3%. Theo nghiên cứu, rất nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, nếu có những biến động về TTCK có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Trung Quốc.

.....................

10h30

Buổi tọa đàm bước vào phần thảo luận

TS Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, UBCK:

Khi nghiên cứu về sở hữu nước ngoài vào năm 1999, chúng tôi có nghiên cứu một số thị trường, trong đó có TTCK Trung Quốc. Thị trường vốn của Trung Quốc khoảng 7.000 tỷ USD, chiếm 10% vốn hóa toàn cầu, còn TTCK Việt Nam chỉ chiếm gần 0,01% vốn hóa TTCK toàn cầu.

Về mức ảnh hưởng với các nhà đầu tư nước ngoài khi TTCK Trung Quốc sụt giảm, tôi cho rằng không lớn. Bởi vì, cách đây 1 năm, các định chế đàu tư trên thế giới đã cảnh báo về thị trường Trung Quốc.

Thiệt hại trong đợt sụt giảm vừa rồi chủ yếu là nhà đầu tư Trung Quốc.

Dòng tiền rút ra từ TTCK Trung Quốc khó chảy vào TTCK Việt Nam ảnh 5

 TS. Nguyễn Sơn

Cái chung của nhà đầu tư châu Á là rất muốn tự mình đầu tư, tự mình chịu trách nhiệm, nên số lượng nhà đầu tư cá nhân rất lớn. Không giống như chứng khoán Âu, Mỹ chủ yếu là đầu tư qua các quỹ, các định chế đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng có chứng khoán phái sinh, margin. Đây thực ra là các công cụ phòng vệ rủi ro, nhưng khi thị trường lao dốc, mọi thứ lao dốc nhanh hơn. Do đó, Việt Nam sẽ có cái nhìn nhận thận trọng về các sản phẩm này, nên sẽ triển khai sản phẩm phái sinh với trái phiếu trước. Đây như là một bước tập dượt để triển khai các sản phẩm mới.

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để rút ngắn thanh toán từ T+2, tiền và chứng khoán sẽ được chuyển đồng thời.

Còn về nới room, Nghị định 60/NĐ-CP đã được ký và chúng tôi sẽ kiên trì theo đuổi.

.............................
10h

TS. Nguyễn Xuân Cường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam:

Cuộc khủng hoảng của TTCK Trung Quốc đến từ 2 nguyên nhân:

Thứ nhất là từ nền kinh tế. Kinh tế Trung Quốc sau thời gian tăng trưởng mạnh đã chậm lại.

Thứ hai, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy (margin) của thị trường chứng khoán Trung Quốc rất cao, tài khoản mới cũng tăng mạnh.

TTCK Trung Quốc có đến 90 triệu tài khoản, trong đó 1 người có thể mở tới 10 tài khoản và có đến 80-90% NĐT trên TTCK Trung Quốc là NĐT nhỏ lẻ.

Trong giai đoạn kinh tế thế giới gặp khủng hoảng, Trung Quốc đã triển khai gói kích cầu trị giá 4.000 tỷ Nhân dân tệ, mục tiêu rất rộng nhưng thực tế dòng tiền này chủ yếu chảy vào bất động sản, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu sụt giảm, dòng tiền này đã chảy vào chứng khoán.

Dòng tiền rút ra từ TTCK Trung Quốc khó chảy vào TTCK Việt Nam ảnh 6

 TS. Nguyễn Xuân Cường

Ngoài ra, với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (NHTW) liên tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ, tạo kỳ vọng cho người dân vào sự phát triển mạnh của TTCK, nên đã khiến cả nông dân, công nhân bỏ tiền tiết kiệm vào chứng khoán với mong muốn làm giàu nhanh. Tuy nhiên, dòng tiền chảy vào TTCK Trung Quốc thời gian qua chủ yếu là tiền từ cá nhân, chỉ một phần nhỏ là từ ngân hàng.

Do đó, đợt sụt giảm vừa qua khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân thiệt hại, chứ không mấy ảnh hưởng tới dòng tiền của các ngân hàng.

Để chặn đà giảm của TTCK, cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc này đã họp với 21 CTCK lớn nhất, muốn các CTCK này mua vào và dùng khoản tiền 120 tỷ nhân dân tệ để mua vào. Ngoài ra, họ cũng điều tra các hành vi đầu cơ, cấm các lãnh đạo, nhà đầu tư lớn bán ra trong vòng 6 tháng, ngừng niêm yết mới...

Tác động của sự sụt giảm TTCK với kinh tế Trung Quốc

Có nhiều ý kiến lo ngại sự sụt giảm của TTCK Trung Quốc có thể khiến kinh tế Trung Quốc và thế giới suy thoái. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc này khó xảy ra, vì nền kinh tế thực của Trung Quốc dựa vào ngân hàng, chứ không phải TTCK.

Người Trung Quốc giữ tiền mặt và đầu tư vào vàng, ngoại tệ lớn hơn vào chứng khoán, nên không ảnh hưởng nhiều.

Mặt khác, như TS. Thành đã đề cập, các DN không dựa nhiều vào việc tìm vốn trên TTCK. Do đó, mức tác động của sự sụt giảm TTCK Trung Quốc chỉ ảnh hưởng mạnh tới các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, nhất là nông dân, công nhân, viên chức. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này sẽ nảy sinh ra các vấn đề xã hội.

Về lo ngại dòng tiền của nhà đầu tư Trung Quốc ở nước ngoài sẽ rút về, qua đó sẽ ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam, tôi cũng cho rằng không quá lớn.

Hiện tổng vốn đăng ký của Trung Quốc vào Việt Nam 8 tỷ USD, vốn giải ngân thấp hơn nhiều. Còn dòng vốn của nhà đầu tư Trung Quốc trên TTCK Việt Nam cũng rất nhỏ. Do đó, nếu nhà đầu tư Trung Quốc rút vốn nếu có cũng không đáng quan ngại.

..............................

9h15

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

Thị trường tài chính Trung Quốc vẫn mang những đặc trưng yếu kém của nền kinh tế chuyển đổi. Cấu trúc của thị trường tài chính Trung Quốc tuy có sự phát triển của thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu (phát triển hơn Việt Nam), nhưng giống như nhiều nước Đông Á, Trung Quốc vẫn dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng thương mại, mà chi phối là các NHTM nhà nước được cổ phần hóa.

Tuy có nhiều nỗ lực về giám sát như tách cơ quan giám sát ra khỏi ngân hàng trung ương, hay chứng khoán, do Ủy ban Giám quản của Trung Quốc, họ làm có vẻ chặt chẽ. Mối quan hệ giữa NHTW với các tỉnh thành, thì có vẻ tốt hơn Việt Nam. Tuy nhiên tính minh bạch là một vấn đề lớn, đó là các dòng tiền không nằm dưới sự giám sát của Chính phủ và NHTW rất cao, tỷ lệ này tại Việt Nam không rõ, nhưng Trung Quốc ước khoảng 30-60% GDP.

Sự phát triển không lành mạnh của khu vực nhà nước. Cùng với DNNN dưới áp lực về chính trị, chính sách từ trên xuống đối với các ngân hàng thương mại trong các khoản vay rất nặng nề, ẩn ý về mặt chính sách cho các khoản tín dụng còn cao (vay chính sách và vay chỉ định - pv).

TTCK Trung Quốc, cũng như nhiều nước Đông Á, thị trường trái phiếu công ty không được quan tâm đầy đủ, thị trường cổ phiếu phát triển nhanh hơn.

Từ năm 1990, TTCK Trung Quốc ra đời, trước khi ra đời thị trường họ có Luật Chứng khoán. Đặc trưng của TTCK Trung Quốc gắn với cổ phần hóa, trên 70% giá trị thị trường là từ cổ phần hóa DNNN. Cổ phiếu có thể giao dịch được chiếm từ 1/3, 1/4 giá trị vốn hóa của thị trường. Tỷ lệ thấp như vậy nên giá cổ phiếu rất dễ bị tác động, lên xuống rất mạnh từ tác động chung của thị trường.

Ngoài ra, giá trị cổ phiếu của các DNNN cổ phần hóa bị coi là đánh giá quá cao.

Dòng tiền rút ra từ TTCK Trung Quốc khó chảy vào TTCK Việt Nam ảnh 7

 TS. Võ Trí Thành

Sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường thông qua DNNN cổ phần hóa rất mạnh. Đôi khi Trung Quốc dung thị trường chứng khoán vào việc khác. Ví dụ năm 2011, Trung Quốc bán thêm cổ phần, cộng với IPO để hỗ trợ cho quỹ an sinh xã hội. Điều này cũng là câu hỏi khi thị trường tăng nóng kể từ năm ngoái đến nửa đầu năm nay, liệu có phải để nhằm hỗ trợ giải quyết nợ địa phương không? Tất nhiên, điều này chỉ là giả thuyết chưa được kiểm chứng. 

Về điều hành thị trường, có nhiều trường hợp cơ quan quản lý thuê chuyên gia giỏi để điều hành thị trường, như các chuyên gia nhiều kinh nghiệm đến từ Hồng Kông. Một điểm đáng chú ý khác so với Việt Nam là mở room cao hơn, đến 100%, nhưng đối với Trung Quốc về cơ bản là dựa vào liên doanh. 

Trung Quốc đẩy mạnh quốc tế hóa dòng vốn, nhưng việc dùng các biện pháp chặt, và rất thận trong mở cửa thị trường. Họ mở các đặc khu ở Thương Hải để thí điểm tự do hóa các dòng vốn ra vào, họ thận trọng về hội nhập về tài chính, tuy họ muốn quốc tế hóa nhà đầu tư.

TTCK Trung Quốc bên cạnh những hạn chế về tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Có tới 97-99% là nhà đầu tư nhỏ lẻ, hiện có 90 triệu tài khoản của nhà đầu tư nhỏ lẻ, điều này cũng giống Việt Nam giai đoạn 2006-2007, từ bà bán rau, sinh viên nghèo cũng chơi chứng khoán, mỗi ngày kiếm được 6-7%.

"Tôi vừa gặp một anh bạn ở một viện nghiên cứu bên Trung Quốc, lúc đầu thắng 15 triệu USD, nhưng nay mất sạch".

Trung Quốc biết tăng trưởng sẽ giảm, nhưng họ muốn hạ cánh mềm hơn. Tóm lại là họ thực hiện nới lỏng tiền tệ, bởi họ cho rằng, có sẵn tiền và không để quá trình tăng trưởng GDP giảm nhanh.

Tại sao TTCK lên nhanh và sụp cũng nhanh, vì liên quan đến hành vi của NĐT. Thị trường nào cũng bầy đàn, nhưng TTCK Việt Nam, TTCK Trung Quốc thì tính hào hứng và suy sụp nhanh hơn. Nên cho vay margin tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, hay Việt Nam là cao.

Còn 2 lý do nữa dẫn đến TTCK Trung Quốc lao dốc.

Thứ nhất, đằng sau tăng trưởng là chất lượng hoạt động của các DN Trung Quốc. Với chính sách của nhà nước, trên dưới 70% giá trị cổ phiếu trên thị trường là từ DNNN cổ phần hóa.

Thứ hai, nhà nước can thiệp vào thị trường không đúng cách. Phản ứng vừa qua mang tính hốt hoảng của cơ quan quản lý và vội vàng khi dù sụt giảm, nhưng giá cổ phiếu Trung Quốc vẫn ở mức cao.

Sự biến động của chứng khoán Trung Quốc tác động đến thương mại, đầu tư, tăng trưởng, cũng như sự dịch chuyển của các dòng vốn, sau đó là câu chuyện tỷ giá, lãi suất, cung cầu về vốn thay đổi.

Đối với Việt Nam, không chỉ là thương mại đầu tư thuần túy giữa 2 nước, mà là ảnh hưởng của các công ty đa quốc gia. Hiện kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, nên ảnh hưởng của thế giới sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung và dòng vốn nói riêng.

Một đặc điểm khác của kinh tế Trung Quốc là mối quan hệ giữa hoạt động kinh tế và TTCK không cao. Vốn mà DN Trung Quốc huy động trên TTCK chỉ chiếm hoảng 10% so với vay tín dụng. Người dân Trung Quốc không dùng quá 15% giá trị tài sản để đầu tư chứng khoán. Do đó, tác động về tiêu dùng không nhiều.

Trên thực tế, trong giai đoạn bùng nổ của TTCK Trung Quốc, tiêu dùng có thay đổi, nhưng không đáng kể.

Một điểm cần nói thêm là mức độ hội nhập của chứng khoán Trung Quốc không quá lớn. Tác động tới dòng vốn quốc tế, thế giới đều đánh giá là không quá lớn. Đường đi của dòng tiền vẫn chủ yếu nhìn vào kinh tế Mỹ, EU và Nhật Bản.

Nói thêm về điểm này với TTCK Việt Nam. Có điều đặc biệt, theo báo chí nước ngoài, địa chỉ của tìm đến của dòng tiền ngoài TTCK Mỹ không có Việt Nam. TTCK Việt Nam là thị trường nhỏ, phụ thuộc nhiều vào tốc độ cải cách, chỉ cần 1-2 tỷ USD vào đã là quá lớn.

Dòng tiền rút ra từ TTCK Trung Quốc khó chảy vào TTCK Việt Nam ảnh 8

Về tác động dài hạn, có 2 vấn đề

Báo chí nước ngoài cho biết, đây là phép thử đầu tiên nỗ lực cải cách của kinh tế Trung Quốc. Với cách làm này, họ nghi ngờ tiến độ cải cách theo thị trường sẽ gặp khó khăn. Các biện pháp vừa qua chỉ là những phản ứng đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc.

Thứ hai, một ẩn số rất lớn là các dòng tiền mà Chính phủ Trung Quốc không kiểm soát sẽ như thế nào, nó mất đi hay dịch chuyển? Đây là dòng tiền của các đại gia, tác động lớn cả về tài chính, kinh tế thực, qua đó, tác dộng đến thế giới. Độ minh bạch và giám sát tài chính của Trung Quốc vẫn rất yếu.

Vậy, bài học nào rút ra với TTCK Việt Nam?

Theo tôi, phát triển thị trường tài chính là quan trọng, tính thị trường phải cao, cách quản lý thị trường tài chính phải khác các thị trường thông thường. Cái  khó là cần sự sáng tạo và phát triển, cần sự vận động trôi chảy của các dòng vốn. Nhà quản lý cần phải cẩn trọng, giảm thiểu rủi ro không bao giờ là thừa.

Với Việt Nam, nhiều khi cơ quan quản lý phải vượt qua áp lực của NĐT, thị trường, báo giới, nhất là trong giai đoạn cải cách, để có bước tiến, nhưng cần thận trọng.

Tin bài liên quan