Dòng tiền mới trong và ngoài nước đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, các quỹ đầu tư nói riêng có xu hướng tăng

Dòng tiền mới trong và ngoài nước đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, các quỹ đầu tư nói riêng có xu hướng tăng

Dòng tiền dồi dào chảy vào các quỹ

(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đang gửi gắm đồng vốn vào các quỹ đầu tư hoạt động hiệu quả trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Năm nay, thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan, nhà đầu tư nước ngoài liên tục có động thái mua ròng. Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản giao dịch chứng khoán gia tăng, dòng tiền đổ vào các quỹ đầu tư cũng gia tăng.

Ghi nhận tại Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tại MBKE từ đầu năm đến nay tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016 và là tỷ lệ tăng cao nhất so với cùng kỳ tất cả các năm trước.

Ông Patrick Mitchell, Giám đốc Khối khách hàng định chế, MBKE cho biết, do các tài khoản này hầu hết đều để tiền tại các ngân hàng lưu ký nên Công ty không có con số chính xác về mức độ bơm tiền của họ, nhưng thông qua sự gia tăng giá trị giao dịch thì có thể nói, nguồn vốn đầu tư gia tăng đáng kể. Sự gia tăng nguồn vốn đầu tư ở nhà đầu tư tổ chức nhiều hơn hẳn ở nhà đầu tư cá nhân. Theo ông Patrick Mitchell, điều này cho thấy, xu hướng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam là những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là các cổ phiếu blue-chips, các công ty có hoạt động kinh doanh cơ bản tốt. Trong đó, Vinamilk tiếp tục là công ty được khối ngoại quan tâm, ưa thích đầu tư, với kỳ vọng cổ phiếu này duy trì được đà tăng trưởng. Hiện tại, MBKE duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu Vinamilk, giá mục tiêu là 160.000 đồng (trên sàn, giá cổ phiếu này gần đây dao động quanh ngưỡng 150.000 đồng/cổ phiếu). Một số cổ phiếu khác đã và đang thu hút dòng vốn ngoại từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của tiêu dùng nội địa là MWG, MSN, NT2, CTD…

Trên phương diện gây quỹ, Vina-Capital đang có một năm hoạt động khá ấn tượng. Với các quỹ dành cho nhà đầu tư nước ngoài, VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) là quỹ dạng đóng nên không gọi thêm vốn mới, nhưng các quỹ khác đang có nhiều nhà đầu tư mới tham gia. Chẳng hạn, quỹ mở Forum One - VCG Partners Vietnam (VVF) liên tục thu hút được dòng vốn mới, giá trị tài sản quản lý (AUM) dần tiến đến con số 100 triệu USD.

Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận đầu tư, VinaCapital cho biết, cuối tháng 4/2017, Quỹ Vietnam Equity Special Access Fund (VESAF) được thành lập, ưu tiên đầu tư vào các công ty tốt, quy mô nhỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thời gian qua, VESAF nhận được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Giám đốc điều hành VinaCapital chia sẻ, ông cảm thấy hài lòng với thành quả gây quỹ của 2 quỹ mở nội địa VOF (đầu tư cổ phiếu) và VFF (đầu tư trái phiếu), với tổng tài sản quản lý của 2 quỹ này hiện tăng 10 lần so với thời điểm thành lập 5 năm trước và tăng 240% trong năm 2017. Bên cạnh đó, các tài khoản ủy thác đầu tư cũng thành công ấn tượng, với VFF tăng 500% so với đầu năm.

Trên thực tế, VinaCapital luôn ưu tiên xem xét để mua thêm các cổ phiếu tốt với mức giá hấp dẫn hơn trong các đợt thị trường điều chỉnh. Do đó, ông Andy Hồ cho rằng, giả sử thị trường không tăng mạnh trong 2 - 3 tháng tới cũng không phải là vấn đề lớn. VinaCapital đặt tầm nhìn đầu tư ít nhất là 6 - 12 tháng, hoặc dài hơn.

Mặt khác, quỹ không giải ngân ngay sau khi gọi được vốn, mà sẽ đợi thời điểm thích hợp, có thể là mua thêm cổ phiếu tốt trong danh mục và đang ở mức định giá hấp dẫn, hoặc tham gia các cơ hội mới. Theo ông Andy Hồ, gần đây nhất, một số quỹ do VinaCapital quản lý tham gia vào Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail), cơ hội tốt như vậy chưa xuất hiện vào 6 hay 12 tháng trước.

Với Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM), sau giai đoạn huy động mạnh vốn nước ngoài năm 2015 - 2016, thì năm 2017, Công ty tập trung thu hút vốn từ nhà đầu tư trong nước, vì tiềm năng rộng lớn.

Bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc SSIAM cho hay, dòng tiền từ mới từ các nhà đầu tư khá dồi dào, đến từ cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức. Tính riêng dòng tiền mua mới của nhà đầu tư, Quỹ mở SSI-SCA đã tăng trưởng quy mô hơn 2 lần. Quy mô quỹ này hiện đạt gần 300 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với quy mô ban đầu. Quỹ trái phiếu SSI (SSIBF) cũng huy động vốn thành công từ các nhà đầu tư trong nước trong tháng 8 vừa qua.

Hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp và những người giàu có không có thời gian để tự đầu tư, nhưng có nhu cầu sinh lợi trên khối tài sản của mình, đang tìm kiếm trải nghiệm đầu tư với một tổ chức chuyên nghiệp và uy tín. Do vậy, không chỉ dòng vốn đổ vào quỹ mở, SSIAM cũng nhận được dòng vốn tích cực đối với dịch vụ quản lý danh mục đầu tư riêng cho từng khách hàng từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước có giá trị tài sản lớn.

Với nhà đầu tư tổ chức, bà Hằng chia sẻ, các doanh nghiệp bảo hiểm có xu hướng gia tăng ủy thác cho công ty quản lý quỹ qua các hợp đồng mới với các công ty này, cũng như các tổ chức khác tìm kiếm lợi nhuận cho nguồn vốn nhàn rỗi. Để làm được việc này, dịch vụ quản lý tài sản của quỹ phải tốt. Khác với quỹ mở, sản phẩm quản lý danh mục đầu tư của SSIAM được thiết kế theo phong cách “đo ni đóng giày” cho từng khách hàng, phù hợp với mục tiêu đầu tư và mức độ chấp nhận rủi ro của khách.

Chỉ số VN-Index từ đầu năm đến nay đã tăng 17%, trong cùng khoảng thời gian, Quỹ SSI-SCA đạt tỷ lệ tăng trưởng giá trị tài sản ròng/đơn vị quỹ 22%. Bà Hằng cho biết, thời gian qua, dòng tiền từ nhà đầu tư vào Quỹ dồi dào, nhưng không quá ồ ạt vào một thời điểm, nên không gặp áp lực trong việc giải ngân. Cùng với dấu hiệu điều chỉnh của thị trường trong thời gian gần đây, dòng tiền mới của nhà đầu tư chảy vào Quỹ chậm hơn. Tuy nhiên, SSIAM duy trì nhận định tích cực về triển vọng nền kinh tế Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn. Do đó, thị trường điều chỉnh là cơ hội tìm thấy những khoản đầu tư hợp lý cho Quỹ và cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư mới, những nhà đầu tư không tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, đón đầu một chu kỳ tăng trưởng tiếp theo.

Dòng tiền dồi dào chảy vào các quỹ ảnh 2

Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành VinaCapital 

Tổng tài sản quản lý của 2 quỹ mở VOF (đầu tư cổ phiếu) và VFF (đầu tư trái phiếu) hiện tăng 10 lần so với thời điểm thành lập 5 năm trước và tăng 240% trong năm 2017. Bên cạnh đó, các tài khoản ủy thác đầu tư cũng thành công ấn tượng, với VFF tăng 500% so với đầu năm.

Tin bài liên quan