Dòng tiền đang “bật chế độ chờ”

Dòng tiền đang “bật chế độ chờ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau chu kỳ hồi phục mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản, thị trường bắt đầu có dấu hiệu chùng lại. Dòng tiền đang rình rập, chờ đợi giải ngân ở vùng giá thấp hơn.

Thanh khoản sụt giảm có đáng ngại?

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), nửa đầu năm 2020, thanh khoản thị trường có mức tăng 24,5% so với cùng kỳ, đạt 5.695 tỷ đồng/phiên.

Mức tăng của thanh khoản nhờ có hơn 100.000 tài khoản mở mới trong 3 tháng (từ tháng 3-5) và các quỹ  ETF mới thành lập đang thu hút dòng tiền từ khối ngoại.

Cơ cấu dòng tiền thị trường năm 2020 cũng vì thế tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, tiếp theo có thể là nhóm bất động sản, thực phẩm và đồ uống, xây dựng và vật liệu, tài nguyên cơ bản…

Dù vậy, thị trường đang đi vào giai đoạn biến động hẹp cùng với thanh khoản giảm dần, những phiên giao dịch 7.000-8.000 tỷ đồng trước đó hầu như không còn xuất hiện.

Đây là giai đoạn trống thông tin khi những bước ngoặt về chính sách kích thích kinh tế cũng không còn dồn dập, cùng với những ước tính ban đầu về thiệt hại từ dịch bệnh đã phản ánh hầu hết sau giai đoạn diễn ra ĐHCĐ các doanh nghiệp.

Thanh khoản tiếp tục là vấn đề gây chú ý khi vẫn trên đà sụt giảm, đặc biệt tại các thời điểm chỉ số tăng điểm, phản ánh sự thiếu thuyết phục của nhịp hồi phục hiện tại.

Hiện tượng sụt giảm của thanh khoản thị trường có thể được lý giải bởi 2 yếu tố chính. Thứ nhất, tâm lý của nhà đầu tư đã giảm bớt hưng phấn và bắt đầu thận trọng hơn khi diễn biến hồi phục của thị trường, kéo dài từ vùng đáy giai đoạn cuối tháng 3, gặp áp lực chốt lời trên diện rộng khiến nhiều mã cổ phiếu giảm điểm sâu trong nửa sau tháng 6.

Thứ hai, với mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II khó lường ở phía trước, không ít nhà đầu tư đã lựa chọn phương án đứng ngoài thị trường để có thể đánh giá một cách toàn diện và chi tiết hơn những tác động của Covid-19 lên hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II và trong cả năm nay.

Lý giải cho hiện tượng giảm dần đều thanh khoản, ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Vietinbank (CTS) cho rằng, xét về phía cung, các nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả báo cáo tài chính quý II để đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp.

Trong quý II, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp được dự báo giảm mạnh so với cùng kỳ khiến người cầm tiền có xu hướng e ngại và chờ cơ hội mua ở vùng giá hấp dẫn hơn.

Về phía cầu, VN-Index đã có một nhịp hồi phục rất mạnh từ cuối tháng 3 lên mốc 905 điểm, chỉ cách 85 điểm so với mốc 990 điểm - điểm hòa vốn trước khi xảy ra dịch Covid-19. Những nhà đầu tư có nhu cầu nắm giữ tiền mặt đã tiến hành bán cổ phiếu trong đợt tăng này.

Do đó, chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm những nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu lúc này là các nhà đầu tư giá trị với xu hướng nắm giữ cổ phiếu lâu dài.

Với kỳ vọng vào sự hồi phục trở lại trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, họ không có nhu cầu bán cổ phiếu ở vùng giá hiện tại. Cung - cầu không gặp nhau, khiến thanh khoản thị trường trong 2 tuần cuối tháng 6 ngày càng cạn kiệt.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, dựa trên đánh giá về các yếu tố tác động đến diễn biến thị trường ở thời điểm hiện tại, hay nhìn xa hơn cho giai đoạn nửa cuối 2020, các yếu tố hỗ trợ chính bao gồm:

(1) tốc độ tăng trưởng các ca nhiễm bệnh dần chậm lại, các nền kinh tế trên thế giới dần nới lỏng lệnh cách ly và các thông tin tích cực liên quan đến quá trình sản xuất vắc-xin;

(2) các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn của kinh tế trong nước, bao gồm sự hồi phục sức tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu chính và việc dần khôi phục lại ngành du lịch;

(3) xu hướng nới lỏng tiền tệ trên thế giới và Việt Nam;

(4) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hay hoạt động thoái vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, các yếu tố có thể đảo ngược xu hướng hồi phục của thị trường có thể kể đến như làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại làm tái diễn quá trình cách ly xã hội trên toàn cầu; hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng, đi kèm sự gia tăng ở nợ xấu ngân hàng; căng thẳng Mỹ - Trung; rủi ro suy thoái kinh tế sâu rộng ở các nền kinh tế lớn.

Dòng tiền đang chờ đợi cơ hội

KBSV đánh giá, xu hướng dòng tiền ở thời điểm hiện tại vẫn duy trì trạng thái tích cực, nhưng sẽ có xu hướng tập trung hơn trong thời gian tới ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hay các mã có câu chuyện riêng, thay vì lan tỏa đồng đều trên diện rộng như ở nhịp tăng trước.

Về thị trường chung, kỳ vọng lớn vào sự phục hồi nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu, cùng với nhu cầu cao tìm kiếm lợi nhuận ở TTCK khi mặt bằng lãi suất huy động giảm sẽ là lực đỡ tốt giúp thị trường vẫn giữ vững được vùng giá hiện tại trong ngắn hạn.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp có báo cáo kết quả kinh doanh vượt xa kỳ vọng của thị trường sẽ thu hút tốt dòng tiền trong những nhịp điều chỉnh.

Nhịp tăng trưởng của thị trường trong giai đoạn tháng 4-6, ngoài ý nghĩa hồi phục còn mang tính chất “đánh cược” với thị trường khi nhiều nhà đầu tư mới đổ tiền vào mà không quan tâm nhiều đến chi tiết cổ phiếu.

Không chỉ TTCK Việt Nam mà điều này cũng tương tự với một số thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật…, đó là chứng khoán tăng mặc cho kinh tế sa sút, vượt xa mọi quy luật về kinh tế.

Tuy nhiên, sau một thời gian “say sưa” với thị trường, dòng tiền nóng đã có dấu hiệu rút ra, khi nhiều nhà đầu tư nhận ra rằng, không dễ để thị trường có thể quay lại những tuần “tăng không điểm dừng” như giai đoạn trước đó.

Với triển vọng thị trường giai đoạn nửa cuối năm 2020, theo MBS, nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố chu kỳ, thanh khoản cao, đã điều chỉnh khá nhiều và và hút dòng tiền như hàng tiêu dùng, bán lẻ, điện, công nghệ thông tin, bất động sản... sẽ là nhóm tiếp tục thu hút dòng tiền, dù có thể không mạnh mẽ như giai đoạn vừa qua.

Thực tế, thị trường đã có dấu hiệu phân hóa dù chưa phải thời gian cao điểm các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II/2020 và báo cáo bán niên.

Hiện đã có khá nhiều công ty sớm ước tính doanh thu và lợi nhuận quý II hay bán niên và tiết lộ cho cổ đông tại ĐHCĐ.

Hơn nữa, theo báo cáo tổng hợp kinh tế vĩ mô 6 tháng từ Tổng cục Thống kê, một số ngành đã có kết quả tăng trưởng tích cực như điện nước, bảo hiểm, dược, dịch vụ viễn thông...

Đối với những công ty sớm biết kết quả tốt, các chuyên gia cho rằng, khi công ty ra báo cáo tài chính chính thức cũng không tạo nhiều bất ngờ trong xu hướng giá cổ phiếu.

Điều mà thị trường sớm cảm nhận đó là, quý II năm nay là quý chịu tác động mạnh từ Covid-19, nhất là đối với nhiều nhóm ngành như thương mại, dịch vụ bán lẻ, du lịch và giải trí, vận tải, xăng dầu, hay các ngành liên quan đến xuất khẩu.

Thế nên, sự phân hóa là rất rõ trong mùa báo cáo tài chính quý II. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư lúc này là đầu cơ nhiều hơn đầu tư, nên vẫn phổ biến hiện tượng giá cổ phiếu có thể tăng dù lợi nhuận doanh nghiệp đi lùi.

Ngược lại, giá cổ phiếu giảm nhưng cũng không thể khẳng định là do lợi nhuận doanh nghiệp đi lùi.

“Nhìn toàn thị trường, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp được dự báo sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, kết hợp với tâm lý e ngại hiện nay, dòng tiền nhiều khả năng sẽ chờ một nhịp điều chỉnh xuống vùng giá hợp lý trước khi tiến hành giải ngân. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng được kỳ vọng sẽ xuất hiện trong báo cáo quý II. Với những doanh nghiệp này, dòng tiền sẽ tiến hành giải ngân ngay tại vùng giá hiện tại, với kỳ vọng mức độ hồi phục sau dịch bệnh nhanh hơn so với mặt bằng chung của nền kinh tế”, ông Đào Tuấn Trung dự báo về xu hướng dòng tiền trong ngắn hạn.

Tin bài liên quan