Với kênh vàng, trong xu hướng giảm lãi suất ngân hàng, vàng có lẽ sẽ được ưu tiên hơn kênh gửi tiết kiệm.
Năm 2019, có những giai đoạn giá vàng tăng cao, đặc biệt là khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, hay tác động từ sự kiện Brexit… đã đẩy giá vàng lên cao hơn, nhưng thực tế, vài năm gần đây, vàng không phải là thỏi nam châm hút dòng tiền.
Lý do là nhà đầu tư cảm nhận xu hướng tăng của vàng thiếu bền vững, hay nói cách khác, không phải là kênh “canh tranh” với các kênh khác như chứng khoán hay bất động sản.
Với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, vàng có thể đầu tư, nhưng với nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn lướt sóng sẽ dễ mất mát, bởi giá vàng diễn biến nhanh theo những diễn biến bất ngờ của thị trường thể giới.
Với kênh bất động sản, không khó nhìn thấy đặc điểm chung là tình trạng thiếu nguồn cung chất lượng, nhất là ở các thành phố lớn.
Dù cả thị trường tưởng như trầm lắng, nhưng vẫn có một ngách sôi động theo một cách khác biệt so với trước đây.
Theo đó, sự sôi động của thị trường không phải theo kiểu các dự án mở bán ầm ầm, mà là cứ dự án nào mở bán được trong năm 2019 thì đều đắt hàng.
Sức nóng này đến từ việc thiếu nguồn cung ở các thành phố lớn và nóng chỉ ở những dự án đủ điều kiện pháp lý để mở bán được, nhưng số lượng mở bán được cũng rất ít.
Thực tế thị trường ảnh hưởng đến dòng vốn chảy vào bất động sản: dòng chảy mang tính nhỏ giọt vì nút thắt cổ chai: khan hàng.
Theo đó, năm 2020 được nhiều người kỳ vọng bất động sản sẽ hút tiền mạnh mẽ trở lại nếu giải quyết được vấn đề “đầu ra”.
Với kênh chứng khoán, quan sát thị trường cho thấy, dư nợ cho vay chứng khoán tại các ngân hàng không tăng, lượng tiền margin ổn định khoảng 50.000 tỷ đồng, trong khi dòng tiền nằm chờ ngoài thị trường không có sự chuyển động đáng kể.
Vì sao tiền không chảy mạnh hơn? Câu trả lời được nhiều nhà đầu tư chia sẻ đó là vì niềm tin chưa vững và tâm lý chưa vững.
Dòng tiền chờ sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, của các DN niêm yết, khi đó mới có thể chảy vào thị trường.
Nhưng chảy mạnh hay không, lại là câu chuyện khác. TTCK năm 2020 có nhiều điểm mới như các quỹ ETFs mới, khả năng nâng hạng thị trường, hay tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn được thúc đẩy.
Nhìn lại năm 2019 sẽ thấy, cả năm không có đợt IPO lớn nào, trong khi danh mục năm 2020 có gần 93 DN cần thực hiện cổ phần hóa theo 3 mức giảm tỷ lệ Nhà nước nắm giữ xuống 65%; 50%-65% và dưới 50%.
Các doanh nghiệp như VNPT, Mobifone, Vinachem, Satra, Saigon Tourist, Resco, Ben Thanh Group, Agriseco… nếu thực hiện đúng lộ trình cổ phần hóa 2020 cũng có thể là tác nhân kích hoạt sự quan tâm và dòng tiền chảy mạnh hơn vào chứng khoán.
Về quỹ ETFs dựa trên chỉ số mới (cổ phiếu hết room, cổ phiếu nhóm tài chính) thông tin lan tỏa trên thị trường cho biết, sắp tới sẽ có 3 quỹ ETF dựa trên chỉ số VN30 và một số quỹ khác phát triển trên các chỉ số mới.
Nhà đầu tư có tiền sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn trong năm 2020, nhưng chọn lĩnh vực nào, loại hàng gì để có lãi sẽ phụ thuộc vào cảm nhận cơ hội và sự may mắn của từng chủ thể.
Việc của nhà quản lý là cần thúc đẩy các thị trường minh bạch và công bằng hơn nữa để mọi chủ thể đều có quyền tiếp nhận các cơ hội ngang bằng.