Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Đón tháng mới 2020, kỳ vọng thị trường chứng khoán sang trang

(ĐTCK) TTCK Việt Nam trải qua tháng cuối cùng của năm 2019 đầy khó khăn khi VN-Index giảm về mốc 950 điểm, đây là mốc thấp nhất trong năm 2019. Tâm lý nhà đầu tư nhìn chung là yếu và bất ngờ khi VN-Index “một mình một chợ”, cứ giảm trong khi nhiều TTCK quốc tế tươi sáng và nền kinh tế Việt Nam về đích 2019 với các chỉ tiêu đều khả quan. Năm 2020, liệu TTCK có khác?

VN-Index đi ngược bối cảnh

Trong bối cảnh Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại và chứng khoán thế giới liên tục tạo đỉnh mới thì đà đi xuống của chứng khoán Việt Nam gây ra cảm giác khó hiểu với rất nhiều nhà đầu tư trong nước.

Bên cạnh đó, việc khối ngoại bán ròng liên tiếp nhiều tháng cũng làm cho tâm lý nhà đầu tư trở lên mong manh hơn bao giờ hết.

Đâu đó đã có những nỗi lo ngại rằng, nếu chỉ số này mất mốc tâm lý 950 điểm thì rất có thể VN-Index sẽ lui về mốc hỗ trợ 880 điểm như của năm 2018 đã qua…

Năm mới đang đến gần, nhưng thanh khoản của TTCK vẫn yếu cho thấy, nhà đầu tư tổ chức (chủ yếu các quỹ và khối ngoại) rất hạn chế giải ngân.

Giá cổ phiếu giảm sâu, tạo cơ hội cho các chủ thể có tiền, nhưng khi các chủ thể này hờ hững với cơ hội thì hy vọng chứng khoán khá hơn trong những phiên cuối cùng của năm là rất mong manh.

Ủng hộ cho sự đi xuống của chỉ số có lẽ là ở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng cao nhất trong 13 tháng với mức tăng 3,52% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng 2,24% của tháng 10.

Mức tăng cao của CPI chủ yếu do giá thịt lợn tăng sau khi nguồn cung bị cắt giảm bởi dịch tả lợn châu Phi. CPI tăng, trong đó giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất sẽ khó giảm và những biện pháp giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước không thực sự giúp ích cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, thực tế thị trường cho thấy, nhiều cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn nhất (VN30) đã bị khối ngoại bán ròng trong một thời gian dài, hiện chưa thấy có lực đỡ nào khác cho các cổ phiếu lớn.

Một nguyên nhân nữa làm TTCK giảm có thể đến từ việc tổ chức Moody’s vừa hạ triển vọng của 18 ngân hàng tại Việt Nam.

Trong 18 ngân hàng được Moody’s xem xét, 10 ngân hàng được giữ nguyên xếp hạng tiền gửi và nhà phát hành bằng nội tệ và ngoại tệ dài hạn và thay đổi triển vọng các ngân hàng này sang “tiêu cực”.

Trong 10 ngân hàng này, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín dụng cơ bản (BCA) và BCA dài hạn đối với 4 ngân hàng, cũng như bậc đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (CR Assessments) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của 6 ngân hàng.

Đối với 5 trong 18 ngân hàng còn lại, Moody’s giữ xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn và thay đổi triển vọng về xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn thành “tiêu cực”.

Đồng thời, Moody’s giữ nguyên “đánh giá rủi ro đối tác và đánh giá rủi ro đối tác dài hạn” của 3 ngân hàng còn lại.

Moody’s bắt đầu xem xét đánh giá xếp hạng của 18 ngân hàng từ ngày 10/10/2019, sau khi tổ chức này xem xét hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam vào ngày 9/10/2019. 18 ngân hàng trong danh sách gồm: ABBank, ACB, HDBank (HDB), Vietcombank (VCB), BIDV (BID), LienVietPostBank (LPB), MBBank (MBB), NamABank, OCB, SHB, SeABank, TPBank (TPB), Agribank, VIB, VietinBank (CTG), MSB, VPBank (VPB) và Techcombank (TCB).

Việc Moody’s hạ triển vọng nhóm ngân hàng xuống tiêu cực, theo Bộ Tài chính, là không tương xứng với nỗ lực chỉ đạo tái cấu trúc ngành của Chính phủ.

Tuy nhiên, đây cũng là cảnh báo cần thiết để hệ thống ngân hàng nhìn lại một cách khách quan và phát hiện những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống.

Trên TTCK, nhóm ngành ngân hàng ngay lập tức phản ánh với tin tức không tích cực này. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng điều chỉnh giảm, góp phần vào đà giảm của chỉ số.

Đón tháng mới 2020, kỳ vọng TTCK sang trang

Bước sang năm 2020, một chu kỳ tín dụng mới sẽ mở ra, những kế hoạch tăng trưởng của nền kinh tế, của các doanh nghiệp năm 2020 hy vọng sẽ giúp cho các nhà đầu tư có tầm nhìn khả quan hơn về năm mới.

Đón tháng mới 2020, kỳ vọng thị trường chứng khoán sang trang ảnh 1

diễn biến Chỉ số VN-INDEX trong 6 tháng qua, tạo đáy quanh mốc 950 điểm trước thềm năm mới 2020.

Riêng với dòng tín dụng, dựa vào CPI năm 2019 và sự hấp thụ của dòng vốn tín dụng trong năm, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng của năm 2020 sẽ được định khung ở mức 10-12% so với 2019.

Các ngân hàng sẽ tiếp tục lộ trình siết tín dụng vào bất động sản, qua đó giảm tỷ lệ cho vay trung, dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn xuống mức 40% và về 30% đến năm 2021.

Bên cạnh đó, từ 1/1/2020, hệ số rủi ro đối với các khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên sẽ được nâng lên 150%, thay vì mức 50% hiện hành.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, để tìm vốn, họ đã sử dụng mạnh mẽ công cụ trái phiếu trong năm 2019.

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng rủi ro khi phát hành trái phiếu ở nhiều doanh nghiệp, nhưng nhà đầu tư dường như lại hứng khởi với kênh này khi được hưởng lãi suất so với gửi tiết kiệm chênh từ 2-4% cùng kỳ hạn. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp gọi được vốn, có thêm cơ hội phát triển kinh doanh và ghi nhận hiệu quả trong tương lai.

Một tín hiệu tích cực khác, đầu năm thường là giai đoạn khối ngoại giải ngân trở lại và dòng tiền sẽ định hướng giải ngân vào nhóm ngành nào thì nhóm ngành đó sẽ thu hút, dẫn dắt nhà đầu tư đi theo trong suốt cả năm.

Tháng 1 cũng là mùa báo cáo tài chính quý IV/2019 và báo cáo soát xét cả năm 2019 được công bố ra thị trường.

Đây là mùa báo cáo đặc biệt quan trọng vì nó cho thấy bức tranh của doanh nghiệp trong cả năm 2019 cũng như hướng đi năm 2020 sẽ như thế nào. T

hông thường, báo cáo sẽ được đưa ra nhiều vào cuối tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2020. Những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan sẽ giữ được mức giá cổ phiếu ổn định, thậm chí có thể đi lên sau khi đã điều chỉnh khá mạnh trong giai đoạn TTCK suy thoái hiện nay.

Với các doanh nghiệp dự kiến có kết quả kinh doanh không tốt, nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn khi dễ có hiện tượng đẩy giá lên để thoái hàng trước khi báo cáo xấu lộ diện.

Quan sát TTCK sẽ thấy, 2 tuần vừa qua, trong khi thị trường điều chỉnh giảm, vẫn có nhiều cổ phiếu nhỏ tăng giá mạnh (xem bảng).

Đón tháng mới 2020, kỳ vọng thị trường chứng khoán sang trang ảnh 2

Sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán toàn cầu cũng có thể là điểm tựa nhất định cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bản thân nội tại TTCK Việt Nam sau một thời gian điều chỉnh giảm về vùng đáy của năm 2019, giá nhiều cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn vốn đầu tư trung và dài hạn.

Qua kỳ nghỉ Tết, nhiều nhà đầu tư sẽ bình tĩnh lại và so sánh tương quan giá cổ phiếu với mức tăng trưởng doanh nghiệp, thị trường chứng khoán Việt Nam với thị trường chứng khoán toàn cầu, có thể sẽ nhận thấy sự hấp dẫn trở lại của kênh đầu tư chứng khoán.

Ở mức giá hiện tại, cơ hội giải ngân là khá nhiều, đặc biệt, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ (midcap và penny) có nhiều mã đang có mức giá rất hấp dẫn.

Những doanh nghiệp có khả năng hồi phục kinh doanh sẽ là cơ hội để giải ngân cho một năm mới 2020.

Nhìn lại diễn biến TTCK tháng 1 của nhiều năm qua cho thấy, tuy thị trường không quá tốt, nhưng chưa khi nào giảm mạnh.

Về tâm lý, tháng đầu năm mới không ai muốn “đầu không xuôi, để đuôi không lọt” cả.

Vì thế, khởi đầu năm mới bao giờ cũng là sự hào hứng. Hy vọng, TTCK trong tháng đầu năm 2020 sẽ khác bối cảnh buồn của cuối năm hiện nay.

Tin bài liên quan