Đón chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW), dòng tiền rục rịch nhập cuộc

Đón chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW), dòng tiền rục rịch nhập cuộc

(ĐTCK) 4 tháng qua, TTCK Việt Nam đã bị nén lại trong khi nhiều thị trường quốc tế hồi phục mạnh. Dù vậy, thanh khoản trong hai phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ có phần cải thiện đang mang một tín hiệu cho thấy sự trở lại của dòng tiền.

Dòng tiền mua sớm, đón sản phẩm CW

Phiên đầu tháng 5/2019, giá trị giao dịch trên 3 sàn đã quay lại mức 3.700 - 3.800 tỷ đồng/phiên, con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018, nhưng có phần cải thiện so với mức giao dịch dưới 3.000 tỷ trong tháng 4/2019. Mức độ dao động của các chỉ số vẫn ở biên độ hẹp và các cổ phiếu có sự phân hóa mạnh.

Xu hướng ngắn hạn, theo góc nhìn của nhiều nhà đầu tư, là chưa có sự thay đổi đáng kể, nhưng dòng tiền đang dần hoạt động tích cực trở lại là điều ai cũng kỳ vọng hiện nay. Nhìn chi tiết hơn cho thấy, nhóm các cổ phiếu như FPT, MSN, HPG, PNJ, MWG, GAS, VJC… vận động theo hướng “sáng” khi thanh khoản và giá ổn định ở phía tăng.

Theo ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc dự kiến triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) vào 28/6/2019 được thị trường đón nhận khá hào hứng. Sản phẩm này đã được chờ đợi khá lâu và là một trong những điều kiện giúp TTCK Việt Nam ghi thêm điểm trong quá trình xét duyệt nâng hạng lên thị trường mới nổi. Sản phẩm cũng sẽ giúp các nhà đầu tư ngoại dễ dàng tiếp cận các cổ phiếu mà khối này khao khát sở hữu nhưng đã hết room.

Quan sát thị trường cho thấy, dòng tiền đang chuyển động tăng dần qua từng phiên ở các cổ phiếu có liên quan tới sản phẩm CW. “Môi trường ngắn hạn đã bớt tiêu cực và các nhà đầu tư ngắn hạn có thể chọn lọc cơ hội để tham gia giải ngân. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng, ở vùng giá hiện tại, kỳ vọng lợi nhuận tương đối mỏng so với các rủi ro có thể đến nếu TTCK toàn cầu bất ngờ đảo chiều”, VNDIRECT nhận định.

Trong giai đoạn đầu, dự kiến có 7 CTCK đăng ký phát hành 12 CW dựa trên 6 mã chứng khoán cơ sở chuẩn bị ra mắt thị trường. Mỗi CTCK sẽ lựa chọn mã chứng khoán phù hợp để phát hành CW. Loại CW được triển khai thời gian đầu là loại chứng quyền mua trên cổ phiếu đơn lẻ, thực hiện quyền kiểu châu Âu, phương thức thanh toán bằng tiền, nên dễ dàng giao dịch và phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư.

Các mã chứng khoán được lựa chọn phát hành đều là các mã bluechip, vốn hóa lớn, thanh khoản cao. Sản phẩm cho phép nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao, từ 7 - 10 lần; vòng đời giới hạn từ 3 - 24 tháng...

Với sản phẩm CW, bên cạnh rủi ro thị trường, nhà đầu tư sẽ phải đối diện với rủi ro mất khả năng thanh toán từ tổ chức phát hành. Tuy nhiên, rủi ro này là thấp do tổ chức phát hành phải mua chứng khoán cơ sở để phòng ngừa rủi ro và phải ký quỹ 50% số tiền thu được từ phát hành chứng quyền để đảm bảo thanh toán khi chứng quyền đáo hạn.

“Với tính chất đòn bẩy, khả năng sinh lời cao, vốn đầu tư thấp, chứng quyền sẽ thu hút dòng tiền linh hoạt, đặc biệt những cổ phiếu được các CTCK chọn phát hành CW sẽ nhận được sự quan tâm hơn. Thêm vào đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua chứng quyền để hưởng lợi từ việc tăng giá của các các cổ phiếu đã hết room”,  nhà đầu tư Nguyễn Thanh Tuấn tại Hà Nội kỳ vọng.

Tháng 5, chờ hiệu ứng tích cực

Như ông Lê Ðức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán PSI chia sẻ thì năm nay, nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm thái đón một tháng 5 khác biệt chứ không nên theo xu hướng “Sell in May”. Chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng trong tháng 5 khi nhiều cổ phiếu đã nén giá khá sâu kể từ đầu năm.

Ðiểm sáng của thị trường còn nằm ở trạng thái đẩy mạnh mua ròng của khối ngoại trên Sở GDCK TP.HCM. CTCK Bảo Việt dự báo, trong tháng 5, biên độ dao động của VN-Index có thể sẽ từ 950 - 1.010 điểm. Ðầu tháng, chỉ số vẫn giảm nhẹ, song biến động giảm khá nhỏ, thanh khoản cải thiện sẽ giúp nhà đầu tư xóa dần đi tâm lý bi quan. Tuy nhiên, thị trường năm nay khó khăn hơn mọi năm, vì vậy nhà đầu tư vẫn cần sự thận trọng và thời gian nắm giữ cổ phiếu sẽ có chu kỳ ngắn hơn.

Kết quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp quý I/2019 cập nhật đến thời điểm này cho thấy, bức tranh chung là nhiều doanh nghiệp là vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2018. Do vậy, sự điều chỉnh của thị trường, nếu tiếp tục diễn ra, sẽ giúp nhiều cổ phiếu rơi về mặt bằng giá mới, hấp dẫn cho dòng tiền đầu tư.

Về mặt kỹ thuật, theo CTCK VietinBank (CTS), 980 điểm là ngưỡng kháng cự ngắn hạn, nên nhất thời chỉ số chưa thể vượt qua do thiếu vắng dòng tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, chỉ số sẽ dễ dàng vượt mốc này khi dòng tiền quay lại. Với nhận định như vậy, CTS cho rằng, gom hàng và nắm giữ là câu chuyện nhà đầu tư thông minh đã âm thầm thực hiện từ tháng trước. Thị trường tưởng như tẻ nhạt, nhưng trong nó vẫn có hàng nghìn tỷ đồng được chuyển từ bên mua sang bên bán mỗi phiên.

Việc dòng tiền âm thầm mua có thể là lý do giải thích hiện tượng “lệch pha” của chỉ số VN-Index so với thị trường chứng khoán Mỹ và khu vực. Tuy nhiên, khi thanh khoản sôi động trở lại, đó là lúc nhà đầu tư đại chúng “bừng tỉnh” và nhâp cuộc, với kỳ vọng cơ hội tốt đang đến gần. 

Ví dụ về chứng quyền có bảo đảm

Giả sử công ty chứng khoán A phát hành chứng quyền mua đối với cổ phiếu VNM, kiểu thực hiện châu Âu (người sở hữu chứng quyền chỉ được thực hiện quyền tại ngày đáo hạn), thời hạn 2 tháng, ngày phát hành là 15/3/2018, ngày giao dịch cuối cùng là 14/3/2018, ngày đáo hạn là 15/5/2018, tỷ lệ chuyển đổi 100:1 (sở hữu 100 chứng quyền được quyền mua 1 cổ phiếu VNM), giá chào bán 2.000 đồng/chứng quyền, giá thực hiện là 200.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, điểm hòa vốn của chứng quyền là 202.000 đồng/cổ phiếu. Nếu bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu VNM trong 5 ngày giao dịch liền trước ngày 15/5/2018 thấp hơn điểm hòa vốn thì nhà đầu tư lỗ 2.000 đồng/chứng quyền; trường hợp giá cổ phiếu VNM cao hơn điểm hòa vốn thì nhà đầu tư có lãi; công ty chứng khoán có nghĩa vụ chuyển khoản tiền chênh lệch vào tài khoản của nhà đầu tư. Khi sở hữu 100 chứng quyền hoặc hơn, nhà đầu tư có quyền yêu cầu công ty chứng khoán A bán cho mình cổ phiếu VNM với giá 200.000 đồng/cổ phiếu (số chứng quyền lẻ, nếu có, sẽ được công ty chứng khoán thanh toán khoản chênh lệch bằng tiền). Lưu ý, trong giai đoạn đầu triển khai, phương thức thực hiện chứng quyền là thanh toán tiền. 

Tin bài liên quan