Hỗ trợ đòn bẩy tài chính cho NĐT là nghiệp vụ đặc thù của TTCK.

Hỗ trợ đòn bẩy tài chính cho NĐT là nghiệp vụ đặc thù của TTCK.

Đòn bẩy tài chính: Có gây áp lực thoái vốn?

(ĐTCK-online) Trong bản tin lý giải thị trường giảm điểm mạnh tuần qua, nhiều tổ chức tư vấn cũng như NĐT chia sẻ lo lắng về tình trạng sử dụng đòn bẩy tài chính cao, giá cổ phiếu không tăng như ý muốn sẽ buộc NĐT phải bán tháo để thu hồi vốn, tạo áp lực lên nguồn cung thị trường. ĐTCK ghi nhận thực trạng sử dụng đòn bẩy tài chính tại một số CTCK để xem xét liệu thực tế này có dẫn tới áp lực giảm điểm lớn cho thị trường hay không.

Đòn bẩy tài chính mà các công ty chứng khoán (CTCK) phối hợp với ngân hàng cung cấp cho nhà đầu tư chủ yếu dưới dạng Hợp đồng hợp tác đầu tư. Tùy đặc thù của mỗi công ty, đòn bẩy được thực hiện dưới các hình thức khác nhau, phổ biến nhất là hình thức cho vay ký quỹ.

Một hình thức đòn bẩy nữa được cung cấp hạn chế cho một bộ phận rất nhỏ NĐT là cho vay ngày T, lãi suất tùy thời gian khách hàng sử dụng dịch vụ song ít nhất là 0,04-0,05%/ngày, thời gian vay tùy loại chứng khoán và phụ thuộc vào giá trị tài khoản, tiềm lực tài chính của NĐT. 

TIN LIÊN QUAN

* Sử dụng đòn bẩy tài chính: Đang bị "vung tay quá trán"?

* “Quả cân” đòn bẩy tài chính

*  Kỳ vọng và đòn bẩy tài chính: Động lực kéo thị trường

* Sử dụng đòn bẩy tài chính: Cần thận trọng

* Lo ngại về đòn bẩy tài chính

* Đòn bẩy tài chính: Cấm hay quản?

Luật Chứng khoán cho phép các CTCK được cung cấp dịch vụ đòn bẩy tài chính cho NĐT, dịch vụ này cũng phổ biến trên các TTCK khu vực. Tuy nhiên, hiện khung pháp lý cho thực hiện quy chế giao dịch ký quỹ đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) soạn thảo và đang được Bộ Tài chính xem xét.

Vì chưa có quy định nào cho phép hoặc không cho phép các CTCK thực hiện nghiệp vụ giao dịch ký quỹ, hơn nữa hình thức hợp tác giữa CTCK và NĐT cũng không thể hiện trên giấy tờ là nghiệp vụ ký quỹ, nên các CTCK không phải báo cáo nghiệp vụ này với cơ quan quản lý. Thực tế này là nguyên nhân khiến thị trường không có số liệu chính thức mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính của NĐT cũng như việc có bao nhiêu CTCK cung cấp dịch vụ này.

Song như đã đề cập, do đây là một nghiệp vụ quan trọng, có tính rủi ro cao, đồng thời CTCK đã từng trải qua giai đoạn thị trường khắc nghiệt (giải chấp ồ ạt) năm 2008, nên nhiều công ty rất thận trọng trong việc triển khai.

Ông Phạm Linh, Tổng giám đốc CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS) cho hay, với quy mô nhỏ, hạn mức tài chính dành cho đòn bẩy hỗ trợ NĐT tại Công ty ở mức 50-70 tỷ đồng. Tỷ lệ hỗ trợ phụ thuộc từng mã cổ phiếu, song tính trung bình là 60:40 (NĐT có 60% tiền mặt, được vay 40%). Để thực hiện nghiệp vụ này, VIS cử nhân viên chuyên trách giám sát chặt tỷ lệ hỗ trợ, báo cáo liên tục theo diễn biến thị trường. Hai ngân hàng hợp tác với Công ty là Eximbank và HDBank cũng có nhân viên chuyên trách, phối hợp theo dõi với nhân viên CTCK.

Một lãnh đạo Công ty chứng khoán HSC cho biết, khi hỗ trợ đòn bẩy tài chính cho NĐT, rủi ro thuộc về người cung cấp tín dụng, do vậy CTCK phải có quy định chặt chẽ. Tỷ lệ ký quỹ dao động ngưỡng 20-50% (NĐT được vay 20 đến 50%). Mỗi mã chứng khoán trong danh sách được phép dùng “đòn bẩy” được phân tích, cân đo đong đếm kỹ lưỡng để định ra tỷ lệ thích hợp, đảm bảo tới mức tối đa an toàn trong trường hợp diễn biến thị trường thay đổi. Công ty cũng đã lập trình hệ thống theo dõi tự động, cho phép cập nhật khả năng kiểm soát khoản vay ngay trong phiên.

SBS, một trong những Công ty chứng khoán có gói dịch vụ hỗ trợ NĐT rất lớn hiện nay cũng tỏ ra không lo ngại về việc đòn bẩy tài chính có thể là tác nhân kéo thị trường giảm điểm. Tùy từng mã chứng khoán, năng lực tài chính của từng NĐT, tỷ lệ đòn bẩy có thể khác nhau, song tính trung bình là 7:3 (NĐT có 7 được vay 3).

Ông Nguyễn Hồ Nam , Tổng giám đốc SBS cho rằng, không nên quá lo ngại về việc thị trường giảm điểm sâu do yếu tố đòn bẩy tài chính. Đợt giảm điểm này mang yếu tố kỹ thuật và hoàn toàn khác so với đợt giảm điểm năm 2008. NĐT đạt lợi nhuận kỳ vọng bán ra cổ phiếu chứ không phải do tình hình kinh tế xấu, do hoạt động kém hiệu quả của các công ty niêm yết. Tính thanh khoản được duy trì trong phiên cuối tuần qua cho thấy, lớp NĐT này hiện thực hóa lợi nhuận  sẽ có lớp NĐT mới hấp thụ, tích lũy cho đợt sóng mới trên thị trường.

Tại CTCK (đề nghị không nêu tên) có thị phần lớn hiện nay, lãnh đạo Công ty này cho biết trong hợp đồng cung cấp cho NĐT, quy định về việc sử dụng đòn bẩy tài chính rất ngặt nghèo, không phải NĐT nào cũng được sử dụng và không phải chứng khoán nào cũng được “hỗ trợ”. Trong số hơn 400 mã chứng khoán trên thị trường, Công ty chỉ áp dụng “đòn bẩy” với 50-60 mã, danh sách và tỷ lệ được điều chỉnh hàng tuần, thậm chí hàng ngày, ngay trong phiên, tỷ lệ trung bình 6:4 (tức NĐT có 6 được Công ty cho vay 4). Do đều là NĐT lớn, nên nhân viên môi giới của Công ty luôn theo sát khách hàng, thậm chí tư vấn luôn cho khách hàng cắt lỗ trong phiên để bảo toàn vốn, việc cho vay còn dựa trên trên tài sản ròng (chứng khoán và tiền) của NĐT.

Hỗ trợ đòn bẩy tài chính cho NĐT là nghiệp vụ đặc thù của TTCK. Nghiệp vụ này hiện được coi như một trong những yếu tố quyết định việc gắn bó NĐT với CTCK, nhất là những NĐT chuyên nghiệp, NĐT lớn.

Tuy nhiên, để công cụ này không bị lạm dụng quá mức, ảnh hưởng tới hoạt động ổn định của thị trường, cơ quan quản lý thay vì hạn chế hoàn toàn nên sớm có khung pháp lý hướng dẫn về hạn mức, quy chuẩn... đưa hoạt động này vào khuôn khổ.

Nhìn nhận một cách định tính, do nền kinh tế đang ổn định, nên chứng khoán sẽ khó giảm sâu, áp lực thanh lý các khoản đầu tư bằng đòn bẩy không nhiều.

Thị trường giảm mạnh sẽ có nhà đầu tư bắt đáy, lực mua lớn sẽ lại kích thích dòng tiền tiếp tục đổ vào chứng khoán, nhất là khi tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại.