Đối thoại về niềm tin

Đối thoại về niềm tin

(ĐTCK) Quán Café Cherry bên đường Phan Chu Trinh hôm ấy sôi động hơn thường lệ.

Tiếng nhạc chào Xuân tươi mới như tiếp thêm niềm lạc quan, yêu mến cuộc sống này. Cánh nhà báo theo dõi TTCK chúng tôi đã chọn không gian ấy để thực hiện cuộc đối thoại nhỏ, mà không nhỏ với Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng. Chủ đề cuộc đối thoại hôm ấy là niềm tin.

Niềm tin hôm nay đã khác…

Dẫn phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng trong lễ đánh cồng, khai trương phiên giao dịch đầu năm 2014 tại HNX về niềm tin vào triển vọng tích cực của TTCK năm 2014, câu hỏi đầu tiên với Chủ tịch HNX là ông có cùng niềm tin ấy không và vì sao? Người đứng đầu HNX đưa ra câu trả lời khá sinh động.

“Một năm trước, nền kinh tế có 2 điểm nổi cộm: nợ xấu ngân hàng là một mối lo lớn và vào thời điểm đó, chưa ai dám tin vào các biện pháp xử lý. Thị trường bất động sản bế tắc, không có cửa ra. Hai vấn đề thị trường trọng yếu này được cho là đã phá hủy cả hệ thống tài chính và nhấn nền kinh tế vào một cuộc khủng hoảng đình đốn nghiêm trọng kéo dài, khiến tâm lý nhiều người bi quan, không nhìn rõ giải pháp”, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HNX nói và cho rằng, năm nay, tình hình đã khác nhiều. Sự chuyển động của hai thị trường trọng yếu trên là những tín hiệu khả quan cho nền kinh tế 2014.

Nợ xấu, không dễ xử lý ngay, nhưng sự ra đời của Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), chúng ta đã nhìn thấy hướng tháo gỡ khả thi. Về thị trường bất động sản, vẫn biết rằng, chưa hết khó khăn, nhưng chắc chắn đã qua giai đoạn khó khăn nhất. “Khi nền kinh tế đi qua giai đoạn khó khăn nhất, đó là lúc niềm tin phục hồi”, ông Dũng nói.

Một tín hiệu nữa là sự ấm lên của các DN. Năm 2013, tín dụng chảy đến khối DN không nhiều, nhưng lãi suất cho vay đã giảm mạnh. Chi phí vốn của DN giảm, đã góp phần trực tiếp giúp nhiều DN hồi sinh và có lãi. 9 tháng đầu năm 2013, chi phí tài chính của các DN niêm yết giảm 12%, tổng lợi nhuận tăng 19,1%. “Quý IV năm 2013, kết quả của các DN niêm yết sẽ khả quan hơn trước đó”, ông Dũng dự báo và cho rằng, sự ấm lên của các DN chính là một điểm cộng cho niềm tin thị trường.

Điểm thay đổi căn bản là nhận thức xã hội

Sự thay đổi căn bản nhất của năm nay với năm cũ trong ngành mình, đó là gì, theo ông? “Đó là nhận thức và  quyết tâm thúc đẩy DN tiến gần hơn đến TTCK”, ông Dũng trả lời không do dự. “Điều đáng mừng là vị thế, vai trò của TTCK đang được khẳng định rõ nét hơn trong nền kinh tế”, theo Chủ tịch HNX.

Sau 13 năm hoạt động, trải qua không ít thăng trầm, nhưng giá trị cốt lõi mà TTCK tạo dựng là văn hóa kinh doanh minh bạch đã bắt đầu ngấm cả vào khối DNNN, chứ không chỉ khối công ty đại chúng, công ty cổ phần… Nghị định 61/2013/NĐ-CP ra đời đã buộc các DNNN phải công khai tài chính, ít nhất là báo cáo 6 tháng và báo cáo năm. Từ năm 2014, khối DNNN sẽ phải thực thi sự minh bạch theo quy định này.

Quyết tâm đưa DN đại chúng, đưa các ngân hàng lên sàn cũng như tiếp cận với chuẩn mực quản trị công ty, công khai minh bạch trên TTCK của Chính phủ, của người đứng đầu nhiều bộ, ngành sẽ trực tiếp giúp TTCK có thêm nhiều hàng hóa mới, tăng quy mô, tăng sức hấp dẫn với các dòng vốn lớn.

Còn với DN, cách nào để thuyết phục DN lên sàn?

Năm 2013, có gần 30 DN đã rời sàn, trong đó, lần đầu tiên xuất hiện những DN rời sàn tự nguyện. Tuy nhiên, theo ông Dũng, đó chỉ là hiện tượng cá biệt, bởi hầu hết các DN rời sàn đều là do không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, buộc phải hủy niêm yết để giúp thị trường giữ được mặt bằng tối thiểu về chất lượng. 

Ngoài các quy định pháp lý (Luật Chứng khoán, Nghị định 108/2013/NĐ-CP) buộc DN đại chúng phải thực hiện trách nhiệm với cổ đông của mình, những giải pháp mềm, tác động đến nhận thức của lãnh đạo DN là rất quan trọng để DN dần hòa mình vào văn hóa kinh doanh minh bạch. Năm 2013, lần đầu tiên trên TTCK Việt Nam diễn ra cuộc chấm điểm quản trị công ty trên diện rộng.

Gần 400 DN niêm yết trên HNX đã được chấm điểm về quản trị, về công bố thông tin, để từ đó nhìn rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu của DN. “Năm 2014, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc chấm điểm quản trị công ty, tổ chức hội thảo, cung cấp các tài liệu hỗ trợ DN, nhằm giúp các DN quan tâm đến công tác cốt lõi này”, người đứng đầu HNX nói.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh giữa các DN ngày càng gay gắt, sự tồn vong, phát triển của mỗi DN phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn của HĐQT và người đứng đầu. Nếu DN thu mình trong một phạm vi hẹp, ngại công khai, minh bạch thì liệu có thể trụ vững lâu dài trên thương trường hay không? Chưa kể, DN đại chúng là thuộc sở hữu của cổ đông đại chúng, người lãnh đạo DN phải có trách nhiệm với đồng vốn của cổ đông đã bỏ ra.

“Lên sàn là cách tốt nhất để người lãnh đạo công ty đại chúng thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ lợi ích của các cổ đông. Lên sàn cũng là cách tốt nhất để DN tiếp cận với các chuẩn mực quản trị công ty tiên tiến, để hoạt động minh bạch và bền bỉ hơn trên thương trường”, ông Dũng nói.

Chọn SCIC làm điểm đột phá thúc đẩy quản trị DN đại chúng

Cũng trong năm 2013, HNX ký biên bản hợp tác với SCIC - Tổng công ty đang thực hiện chức năng quản lý vốn Nhà nước tại gần 400 DN cổ phần, là sự kiện gây sự chú ý trong dư luận. “Đây là một sự hợp tác đầy triển vọng – là một giải pháp rất khả thi để thúc đẩy quản trị công ty tiên tiến tại các công ty đại chúng có vốn của SCIC, thúc đẩy các DN này lên sàn,” ông Dũng nói.

“Chúng tôi muốn bắt đầu từ người đại diện vốn của SCIC để tìm sự ủng hộ của các DN mà SCIC đang quản lý phần vốn Nhà nước. Mong muốn của HNX là khích lệ và thúc đẩy DN nâng dần chất lượng quản trị, hiểu đúng quy định pháp lý và sẵn sàng lên sàn”, Chủ tịch HNX nói. Chính phủ mong muốn các DNNN phải minh bạch tài chính như DN niêm yết, các DN đại chúng phải lên sàn, nhưng triển khai trong thực tế như thế nào? Đó là câu hỏi lớn. Để góp phần tìm lời giải cho câu hỏi này, Chủ tịch HNX nói, ông muốn tìm điểm đột phá từ SCIC.

Đối thoại về niềm tin ảnh 1
Ông Trần Văn Dũng
Không ít lần chuông điện thoại reo vang, nhưng Chủ tịch HNX vẫn kiên nhẫn trả lời tất cả câu hỏi của nhà báo. Bên cạnh niềm tin vào triển vọng thị trường năm 2014, là những trăn trở, suy tư chất trên vai những người lãnh đạo ngành chứng khoán. Ông bảo, thị trường cổ phiếu quy mô còn hạn chế và thanh khoản còn thấp, kỳ hạn TPCP còn ngắn (bình quân 2,7 năm, gây áp lực trả nợ lên ngân sách), cơ sở nhà đầu tư chưa đa dạng (thiếu vắng nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp), sản phẩm tài chính còn nghèo nàn…, là nỗi trăn trở thường trực của lãnh đạo ngành chứng khoán, trong đó có cá nhân ông.

Năm 2014, HNX lên kế hoạch sẽ hoàn tất hạ tầng giao dịch sản phẩm ETF, phát triển sản phẩm mới When - issued; xây dựng đề án tổ chức giao dịch hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu và trái phiếu; xây dựng bộ chỉ số trái phiếu, xây dựng thêm các chỉ số ngành…

Công việc mỗi ngày như một nhiều hơn theo nhu cầu đổi mới của thị trường. “Nếu không nỗ lực, bao giờ bằng được các TTCK tiên tiến”, ông Dũng tâm sự và chia sẻ, đó là lý do ông luôn thúc đẩy nhân sự HNX phải nỗ lực từng ngày, nỗ lực hơn nữa, nỗ lực từ những việc nhỏ, để cùng xây một TTCK hiệu quả hơn, hiện đại hơn trong tương lai.

Và ông tin rằng, ngày đó sẽ không xa, khi tất cả cùng nỗ lực, cùng chung một hướng nhìn…

Tin bài liên quan