Bà Lê Thị Lệ Hằng

Bà Lê Thị Lệ Hằng

Doanh nghiệp Việt làm thế nào để đón dòng vốn ngoại?

(ĐTCK) Sau giai đoạn dòng vốn đầu tư nước ngoài khá hào hứng với cơ hội tại Việt Nam, thì năm 2016 vừa qua, mức độ quan tâm rót vốn của họ vào TTCK có phần chững lại. Phải chăng nhà đầu tư nước ngoài trở nên khắt khe hơn trong chọn lựa đầu tư và doanh  nghiệp Việt Nam phải làm thế nào để nhận được vốn lớn?
Trong năm 2016, tuy nhà đầu tư nước ngoài có rút vốn khỏi thị trường niêm yết, nhưng chúng tôi đánh giá việc rút vốn này một phần bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài, chứ không phải do mức độ quan tâm của họ đến TTCK Việt Nam thấp hơn. Thực tế, chúng tôi vẫn huy động được khá nhiều vốn trong năm qua từ nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi nhận thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao tiềm năng của TTCK Việt Nam khi triển vọng trong vòng 3-4 năm tới thị trường sẽ được nâng hạng từ cận biên (frontier) lên mới nổi (emerging). Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan quản lý trong thời gian qua trong việc đưa giải pháp cho thanh khoản, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa và niêm yết, cũng như nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. 

Chúng tôi đã gặp gỡ hàng trăm nhà đầu tư tổ chức ở châu Âu (bao gồm các family office, private bank...) và thấy rằng, họ mong muốn tìm được một đối tác tin cậy để ủy thác vốn. Họ đánh giá rất kỹ năng lực quản lý đầu tư của đối tác, thông qua hiệu quả đầu tư thực tế trong quá khứ, các quy trình đầu tư, quy trình quản trị rủi ro. Họ cũng đề cao tính minh bạch và đảm bảo không có xung đột lợi ích giữa các bên liên quan.

Tuy nhiên, việc có “cầu” và có “cung” cũng chưa đảm bảo sự thành công nếu không có một kênh phân phối phù hợp và hiệu quả để kết nối nguồn vốn và cơ hội đầu tư đó. Ở đây, đòi hỏi cả sự vận động tích cực của các tổ chức tài chính trung gian như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ...

Tại SSIAM, trong năm 2016, SSIAM huy động được trên 100 triệu USD từ nhà đầu tư nước ngoài cho 3 quỹ: Quỹ Andbanc Investments SIF – Vietnam Value and Income Portfolio (quỹ mở cổ phiếu hướng tới nhà đầu tư tổ chức), Quỹ Daiwa-SSIAM Vietnam Growth Investment Fund II LP (quỹ private equity) và Quỹ SSIAM UCITS (quỹ mở cổ phiếu hướng tới nhà đầu tư cá nhân) và đang có triển vọng huy động thêm vốn cho 2 quỹ mở cổ phiếu từ các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2017.

Diễn biến đáng quan tâm năm 2016 là việc hàng trăm quỹ đầu tư lớn trên thế giới đã cùng thỏa thuận sẽ xem xét đầu tư trên chuẩn mực về đầu tư có trách nhiệm.

Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi nếu muốn tiếp cận với các cơ hội đón nhận dòng vốn lớn, chuyên nghiệp.

Tại SSIAM chúng tôi có chính sách cụ thể về đầu tư có trách nhiệm, trong đó yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) là một trong những yếu tố được xem xét khi lựa chọn cổ phiếu đầu tư bên cạnh những yếu tố như giá trị cơ bản của doanh nghiệp và định giá cổ phiếu trên thị trường.

Quỹ SSI-SCA, dựa trên nguyên tắc đầu tư này, tìm kiếm cổ phiếu niêm yết của các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững, có thị phần lớn, năng lực quản trị tốt, tình hình tài chính vững mạnh, có khả năng hoạt động tốt trong điều kiện thị trường không thuận lợi và đang được định giá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Với chiến lược đầu tư này, Quỹ SSI-SCA đã đạt hiệu quả đầu tư rất tốt. Tính từ khi thành lập vào tháng 9/2014, Quỹ đã đạt tăng trưởng NAV/đơn vị quỹ 43,4%, vượt trội so với tăng trưởng VN-Index là 9,9% trong cùng thời kỳ. Riêng năm 2016 vừa qua, quỹ tăng trưởng 24,1%, so với mức tăng 14,8% của thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao quản trị doanh nghiệp, độ minh bạch trong hoạt động và công bố thông tin. Bản thân các nhà đầu tư tổ chức khi đầu tư vào doanh nghiệp với tỷ lệ lớn (từ 10% trở lên) cũng cần tích cực tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp. Đây chính là cách mà chúng tôi đang thực hiện.

Chúng tôi tham gia hội đồng quản trị và/hoặc ban kiểm soát của các doanh nghiệp chọn đầu tư và làm việc sâu sát với doanh nghiệp trên nhiều mặt bao gồm cả tái cơ cấu tài chính và quản lý hiệu quả chi phí hoạt động, nhằm thúc đẩy tăng trưởng hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Phát triển bền vững là khái niệm còn rất mới với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng diễn biến thực tế đặt ra một yêu cầu: muốn tăng sức hấp dẫn thì doanh nghiệp phải có một chiến lược phát triển dài hạn từ nội lực và làm sao để chiến lược phát triển được bền vững và tạo nên những giá trị cho công ty cũng như các cổ đông.

Hiện tại, quy chuẩn về phát triển bền vững ở Việt Nam còn thấp so với thế giới, nhưng ngày càng có nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam quan tâm tới vấn đề này cũng như vấn đề an sinh xã hội. Vì thế, song song với việc phát triển bền vững cho công ty, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc đóng góp như thế nào cho xã hội tốt đẹp hơn.

Tin bài liên quan