Doanh nghiệp Việt đã quan tâm hơn tới tài sản vô hình

Doanh nghiệp Việt đã quan tâm hơn tới tài sản vô hình

(ĐTCK) Ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam ghi nhận bước chuyển biến tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp niêm yết. Đó là ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới việc vun đắp, phát triển những tài sản vô hình như uy tín, thương hiệu, chiến lược phát triển bền vững...

Ông có thể chia sẻ về xu hướng ảnh hưởng của các tài sản vô hình và các giá trị phi tài chính lên giá trị doanh nghiệp?

Ngoài những tài sản hữu hình như bất động sản, nhà máy, thiết bị, các tài sản vô hình đang dần trở nên phổ biến và quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp.

Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam  

Tuy nhiên, trong khi giá trị của một số tài sản vô hình như sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế… có thể đo lường cụ thể, thì những tài sản khác như năng lực quản trị, văn hóa doanh nghiệp, hình ảnh doanh nghiệp, nguồn nhân lực, dữ liệu khách hàng sẽ khó đánh giá hơn.

Những tài sản này cũng được xem là những lợi thế thương mại hoặc lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Giá trị của những tài sản vô hình thông thường được ghi nhận và phản ánh thông qua sự tiếp nhận, đánh giá của cộng đồng và các nhà đầu tư.

Nói một cách khác, nếu nhà đầu tư nhận định doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt, có uy tín, có những giá trị vô hình phù hợp và vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển thì giá trị của những doanh nghiệp này trong con mắt các nhà đầu tư sẽ cao hơn rất nhiều so với giá trị tài sản thông thường thể hiện trên sổ sách của doanh nghiệp. 

Vì sao các tài sản vô hình đang ngày càng trở nên quan trọng hơn cả các tài sản hữu hình?

Các nhà đầu tư vào thời điểm hiện tại không chỉ nhìn vào các chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư như ROI (return on investment) hoặc những con số tài  chính trên bản cáo bạch, họ còn quan tâm đến nhiều yếu tố đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp như tầm nhìn của lãnh đạo, năng lực quản trị, trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng, minh bạch trong quản lý và thông tin báo cáo…

Rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đang đưa ra những tiêu chí đầu tư cân bằng giữa tài chính và phi tài chính, trong đó có nhiều nhà đầu tư có trách nhiệm (responsible investors).

Tầm quan trọng của giá trị vô hình trong nhận thức của nhà đầu tư đã tăng mạnh trong khoảng 40 năm qua. Theo nghiên cứu về giá trị thị trường của tài sản vô hình năm 2017 của Ocean Tomo, từ 1975 đến 2015 có sự thay đổi lớn về tỷ lệ đóng góp của tài sản vô hình và hữu hình vào giá trị thị trường của các doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500.

Nếu như vào năm 1975, tài sản hữu hình chiếm đến 83% giá trị của doanh nghiệp thì sau 40 năm, con số này chỉ còn 16%. Điều này rõ ràng cho thấy tầm quan trọng của tài sản vô hình đối với việc định giá các doanh nghiệp trên thị trường. 

Xu hướng toàn cầu là như vậy, còn tại Việt Nam, các nhà đầu tư đã thực sự quan tâm tới các tài sản vô hình, giá trị phi tài chính chưa, thưa ông?

Gần đây, các nhà đầu tư tại Việt Nam đã bắt đầu quan tâm hơn đến các tài sản vô hình, giá trị phi tài chính của doanh nghiệp, dễ nhận biết nhất là các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Từ kỳ vọng của cộng đồng và nhà đầu tư có trách nhiệm, các doanh nghiệp đã chú trọng hơn trong việc tích hợp những yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp vào chiến lược đầu tư, mặc dù những yếu tố này có thể vẫn chưa mang tính toàn diện và bài bản.

Các cơ quan quản lý nhà nước đã nhanh chóng có những hành động nâng cao tính minh bạch cho thị trường để phù hợp với tình hình thực tế, các thông lệ và pháp luật chứng khoán hiện hành tại Việt Nam.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 155/2016/TT-BTC để hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán hay Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng có nhiều sáng kiến để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư về phát triển bền vững tại Việt Nam. Vào đầu năm 2017, HOSE đã ra mắt Chỉ số Phát triển bền vững (VN Sustainability Index – VNSI), chọn ra 20 doanh nghiệp có Chỉ số Quản trị - Xã hội- Môi trường cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó, HOSE thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn để tổ chức bảng xếp hạng các doanh nghiệp niêm yết có báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững nhằm đánh giá tính công khai, minh bạch của doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Những sáng kiến này đã và đang chứng minh hiệu quả, tác động rõ nét đến doanh nghiệp. Số lượng các doanh nghiệp tham gia vào bảng xếp hạng này tăng đều theo từng năm.

Trong năm 2017, có 638 doanh nghiệp tham dự Cuộc bình chọn báo cáo thường niên tốt nhất và số lượng báo cáo thường niên có nội dung phát triển bền vững đã tăng 45% so với năm trước.

Các động thái và số liệu thống kê cho thấy xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp trong việc đặt trọng tâm xây dựng một doanh nghiệp với hình ảnh và chiến lược phát triển bền vững, gắn và nâng tầm trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và với xã hội. 

Gần đây, trong các quy định của Nhà nước liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có quy định các doanh nghiệp phải định giá, đánh giá giá trị các tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, giá trị lịch sử, văn hóa… Theo ông, các yếu tố này mang lại lợi thế gì cho doanh nghiệp? Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng thêm vào những yếu tố vô hình nào?

Việt Nam và thế giới có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động lâu đời. Tuy nhiên, ngay cả những doanh nghiệp đã hoạt động hàng chục, hàng trăm năm, từng thống lĩnh thị trường cũng có thể tụt dốc, thậm chí phá sản nếu không biết thay đổi. Và những thay đổi này bắt đầu bằng những giá trị vô hình.

Các tài sản vô hình có thể tạo ra lợi thế thương mại trong định giá doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa, mua bán, sáp nhập. Các nhà đầu tư sẵn sàng chi trả nhiều hơn giá trị trên sổ sách với những doanh nghiệp lâu đời, có thương hiệu tốt và thị trường lớn.

Tuy nhiên, những lợi thế thương mại này có thể sẽ không phát triển bền vững nếu doanh nghiệp không tiếp thu những yếu tố vô hình mới như trách nhiệm xã hội với cộng đồng, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch thông tin cho nhà đầu tư… Nếu thiếu những yếu tố mới này, lợi thế thương mại, cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng hoặc giảm giá trị. 

Những doanh nghiệp có ý thức và chiến lược tạo dựng các giá trị phi tài chính, tạo dựng thương hiệu tích cực thường có chiến lược phát triển bền vững. Làm thế nào để doanh nghiệp chứng minh được giá trị cho cổ đông được tạo ra từ các dự án đầu tư cho phát triển bền vững, từ chiến lược phát triển bền vững?

Để triển khai chiến lược phát triển bền vững, doanh nghiệp cần phải rà soát lại kỳ vọng từ các nhà đầu tư, các cổ đông hiện hữu và những đối tượng liên quan khác như nhân lực, khách hàng và cộng đồng, nhằm xác định chiến lược kinh doanh đã phản ánh đúng các giá trị phát triển bền vững hay chưa.

Sau đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần được tư vấn để chọn đúng mô hình để xây dựng chiến lược phát triển bền vững.

Hiện đã có khá nhiều mô hình cho chiến lược phát triển bền vững, trong đó phổ biến nhất là quản trị - xã hội - môi trường (ESG) giúp doanh nghiệp đánh giá và cân bằng lại mức độ hoàn thiện của những yếu tố vô hình nội tại. Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần tích hợp các yếu tố này vào chiến lược phát triển lâu dài.

Để báo cáo và ghi nhận được giá trị bền vững của doanh nghiệp, hiện đã có những chuẩn mực để công bố thông tin, đưa ra những đo lường để phản ánh hiệu quả của quá trình tích hợp những yếu tố phát triển bền vững.

Điển hình là bộ tiêu chuẩn quốc tế về lập báo cáo phát triển bền vững (GRI Sustainability Reporting Standards) và chuẩn mực quốc tế về lập báo cáo phát triển bền vững được phát hành bởi Ủy ban Chuẩn mực phát triển bền vững tòa cầu (Global Sustainability Standards Board - GSSB).

Những bộ tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế này sẽ giúp cho doanh nghiệp đánh giá được trọng tâm, hiệu quả đầu tư, cũng như tạo lợi thế thu hút các nhà đầu tư tổ chức có trách nhiệm trên thế giới và tiến tới phát triển bền vững.

Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông cũng cần nhận thức được rằng, hiệu quả của việc áp dụng chuẩn mực phát triển bền vững trong kết quả kinh doanh là chặng đường dài, không thể nhận biết và đánh giá chỉ trong ngày một ngày hai. Lãnh đạo doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn rộng và sẵn sàng đầu tư để triển khai chiến lược phát triển bền vững này.

Tin bài liên quan