Vinamilk (VNM) hiện là 1 trong 5 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam cùng với Vinhomes (VHM), Vingroup (VIC), PV Gas (GAS) và Vietcombank (VCB)

Vinamilk (VNM) hiện là 1 trong 5 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam cùng với Vinhomes (VHM), Vingroup (VIC), PV Gas (GAS) và Vietcombank (VCB)

Doanh nghiệp Việt bắt đầu vào đường đua

(ĐTCK) Trên sàn chứng khoán Việt Nam, danh sách các doanh nghiệp giá trị vốn hóa tỷ đô ngày một dài thêm khi có thêm nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn. So với các tên tuổi trong bảng xếp hạng doanh nghiệp lớn nhất châu Á, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có quy mô khiêm tốn. Tuy nhiên, trong đầu tư, điều thu hút nhà đầu tư là tiềm năng tăng trưởng và kỳ vọng trong dài hạn. Về điều này, những cổ phiếu của doanh nghiệp Việt có phần không kém cạnh.

“Gã khổng lồ” phi nước đại

Mỗi năm, Forbes đều công bố danh sách 50 công ty đại chúng niêm yết có vốn hóa lớn nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm vừa qua, Trung Quốc trở thành trung tâm của sân khấu, khi có 28 công ty có mặt trong danh sách 50 doanh nghiệp lớn nhất này.

Theo diễn biến bảng xếp hạng hàng năm, dễ nhận thấy Trung Quốc đang tự vượt qua các kỷ lục của chính mình, từ 25 doanh nghiệp năm 2015, tăng lên 28 công ty năm 2017. Trong đó, 11 cái tên là những doanh nghiệp Trung Quốc lần đầu tiên góp mặt, phần nào thể hiện đây là mảnh đất với rất nhiều tài năng, đồng thời cũng là thị trường với quy mô, tiềm năng tăng trưởng rất lớn.

Một lần nữa, trong bảng xếp hạng 50 công ty đại chúng niêm yết vốn hóa lớn nhất tại khu vực châu Á, 2 vị trí cao nhất thuộc về 2 công ty Đại lục là Alibaba và Tencent - lần lượt giữ vị trí số 1 và số 2 với giá trị vốn hóa 399 tỷ USD và 387 tỷ USD. Ở vị trí số 3 là một công ty Ấn Độ - Ngân hàng HDFC với mức vốn hóa khá chênh lệch, đạt 70,6 tỷ USD.

Không khó hiểu khi Alibaba giữ vững vị trí số 1 tại châu Á, nhất là khi doanh nghiệp này đang vươn lên tầm toàn cầu. Alibaba Group Holding Ltd là công ty tổ chức hoạt động thương mại điện tử và di động lớn nhất Trung Quốc. Doanh nghiệp này cung cấp các nền tảng phục vụ bán lẻ và bán buôn qua internet và di động, cũng như các dịch vụ máy tính đám mây.

Các nền tảng thương mại chính của Alibaba bao gồm Taobao, hiện là điểm đến mua sắm online lớn nhất Trung Quốc; Tmall.com - nền tảng điện tử cho các thương hiệu và nhà bán lẻ lớn thứ ba Đại lục; Alibaba.com - nền tảng bán buôn dành cho các doanh nghiệp nhỏ; Albaba Cloud Computing - nhà phát triển nền tảng máy tính đám mây và quản lý dữ liệu; Alipay - giải pháp thanh toán online và di động thông dụng nhất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong thời gian qua, gã khổng lồ thương mại điện tử này vẫn chưa ngừng vươn rộng tầm tay, thâm nhập thêm vào các thị trường khác thông qua hoạt động thu mua tài sản, thâu tóm doanh nghiệp. Thực tế, Alibaba đang thâm nhập vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế Trung Quốc và xa hơn nữa, nhất là tại các lĩnh vực tài chính, y tế, truyền thông và logistics.

“Voi thường khó phi nước đại”, nhưng câu nói này không chính xác đối với gã khổng lồ Alibaba, bởi những bước tiến thần tốc của Hãng luôn gây ấn tượng rất mạnh với thị trường tài chính toàn cầu.

Tháng 2/2018, Alibaba công bố kết quả kinh doanh quý III năm tài chính 2018 với mức tăng trưởng doanh thu thuần đạt 56% so với cùng kỳ năm trước đó. Tới ngày 4/5, kết quả quý IV/2018 của doanh nghiệp cũng tăng trưởng vượt bậc so với các dự báo trước đó, với tốc độ tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, doanh thu của Alibaba đạt 61,9 tỷ Nhân dân tệ (9,9 tỷ USD) trong quý IV, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua con số dự kiến 59,6 tỷ Nhân dân tệ được S&P Global Market Intelligence đưa ra trước đó qua một cuộc khảo sát.

Chưa hết, Alibaba tự tin sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc này trong năm tài chính kế tiếp.

“Tăng trưởng doanh thu nói chung sẽ trên 60% mỗi năm, phản ánh sự tự tin của chúng tôi đối với các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, cũng như tiềm năng tích cực tại các thị trường mới”, Maggie Wu, Giám đốc tài chính Alibaba
cho biết.

Với thành tích này, giá cổ phiếu BABA của Tập đoàn giữ vững xu hướng leo dốc, với đà tăng 18% trong năm 2018, tiếp nối mức tăng 60% trong năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế dự báo, giá cổ phiếu BABA sẽ tiếp tục tăng thêm 18% nữa trong thời gian tới, lên mức 238 USD/cổ phiếu, so với mức hiện tại khoảng 197 USD/cổ phiếu.

Doanh nghiệp Việt bắt đầu vào đường đua

Trên sàn chứng khoán Việt, danh sách các doanh nghiệp giá trị vốn hóa tỷ đô ngày một dài thêm, khi không ít các doanh nghiệp lớn lên sàn. Trong đó, Top 5 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường bao gồm các tên tuổi Công ty cổ phần Vinhomes (VHM), Tập đoàn Vingroup (VIC), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM), Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB).

So với các tên tuổi trong bảng xếp hạng doanh nghiệp lớn nhất châu Á, những doanh nghiệp Việt Nam vẫn có quy mô khiêm tốn. Nhưng trên thị trường, điều thu hút nhà đầu tư là tiềm năng tăng trưởng và kỳ vọng trong dài hạn. Về điều này, những cổ phiếu của doanh nghiệp Việt có phần không kém cạnh.

Hiện tại, VHM - cổ phiếu mới "chào sàn" của Vinhomes, công ty thuộc Vingroup, đã nhanh chân vượt công ty mẹ trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường với 13,9 tỷ USD. Tuy nhiên, Vinhomes nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư bởi thị trường đặt kỳ vọng vào VIC, với sự lấn sân sang nhiều lĩnh vực như ô tô - VinFast; nông sản - VinEco; đồng thời mở rộng nhanh mảng phân phối, bán lẻ với hệ thống siêu thị VinMart, VinPro và eCommerce, cộng thêm hệ thống giáo dục và dịch vụ y tế.

Mặc dù các lĩnh vực mà VIC mới tham gia, đặc biệt là bán lẻ, là những ngành có tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhưng giới đầu tư vẫn sẵn sàng đổ tiền vào cổ phiếu này, bởi kỳ vọng về sự tăng trưởng trong dài hạn. Thực tế, Vingroup là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, thậm chí lên tới 55 - 60%/năm trong những năm gần đây. 

Động lực tăng trưởng tích cực của Vingroup đến từ việc không ngừng khai thác các mảnh đất mới, với chiến lược tiếp cận đúng đắn. Trong bối cảnh nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP tích cực, dự báo đạt 6,7% năm 2018, Vingroup đang có môi trường thuận lợi để đẩy mạnh bước tiến trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.

Kể từ mức giá 84.400 đồng/cổ phiếu vào đầu năm, cho tới nay, giá cổ phiếu VIC đã tăng 24,4%, lên 105.000 đồng/cổ phiếu tính tới ngày 25/5.

Với giá trị vốn hóa 10,6 tỷ USD, Vinamilk bị rơi xuống vị trí thứ ba sau quãng thời gian dài giữ vị trí số 1. Dù vậy, đây vẫn là doanh nghiệp luôn được đánh giá có triển vọng tăng trưởng tích cực trong dài hạn.

Sức hấp dẫn của Vinamilk biểu hiện khá rõ đối với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong một thập niên trở lại đây, cổ phiếu của doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam luôn nằm trong đích ngắm của nhiều quỹ đầu tư tên tuổi như Dragon Capital, VinaCapital, DWS...

Lực hấp dẫn này được tạo ra từ mức tăng trưởng tốt, bền vững và ổn định của Vinalmilk qua các năm, với tốc độ tăng trưởng doanh thu luôn đạt hai con số. Trong giai đoạn 2016 - 2021, Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng trung bình năm 11,2% với doanh thu sẽ đạt cột mốc 81.000 tỷ đồng, đồng thời giữ vững biên lợi nhuận ròng ở mức 20%.

Tin bài liên quan