Doanh nghiệp trông chờ gì thị trường vốn?

Doanh nghiệp trông chờ gì thị trường vốn?

(ĐTCK) Tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ và gần 3000 doanh nghiệp đầu tuần này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, quy mô tín dụng cả nền kinh tế hiện đạt hơn 8 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ khối doanh nghiệp nhà nước chiếm 5%, khối doanh nghiệp tư nhân chiếm 43%, hộ kinh doanh và cá nhân chiếm 45,7%. 

Ðiều này cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân và các hộ kinh doanh đã sử dụng kênh huy động vốn ngân hàng rất lớn, đây cũng là “dòng máu” mà nhiều doanh nghiệp phụ thuộc để có thể duy trì hoạt động, mở rộng đầu tư.

Cũng tại cuộc gặp này, ông Ðặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, từng là một người không mấy xa lạ với giới ngân hàng cho rằng, một trong những vấn đề cần lưu ý của nền kinh tế Việt Nam là tình trạng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Theo ông Thành, thị trường vốn mới là nơi doanh nghiệp tiếp cận được kênh huy động vốn trung và dài hạn, các công cụ để gọi vốn cũng rất đa dạng từ chứng khoán nợ như trái phiếu, đến cổ phiếu…

Tuy nhiên, với thực trạng như hiện nay, cả người phát hành và người bảo lãnh phát hành trên thị trường vốn Việt Nam đều rất e ngại.

Bởi vậy, ông mong Chính phủ quan tâm hơn để thị trường vốn phát triển, để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận với kênh huy động vốn này một cách tự tin hơn.

Nhìn lại thị trường chứng khoán năm 2019 để phần nào hiểu được tâm tư của ông Ðặng Văn Thành. VN-Index những ngày cuối năm tiếp tục đi lùi, hiện đã xuống dưới mốc 950 điểm.

Nhiều nhà đầu tư cổ phiếu có một năm lao đao khi phần lớn “sóng” chỉ quanh quẩn ở nhóm cổ phiếu trụ cột của VN-Index, đa số mã khác gần như rơi vào quên lãng, thậm chí nhiều mã chứng khoán đã lập kỷ lục đáy mới kể từ khi niêm yết, dù hoạt động của doanh nghiệp vẫn ổn.

Nhìn ra thế giới, nhà đầu tư không khỏi ngậm ngùi khi phần lớn chỉ số chứng khoán năm nay khởi sắc với mức tăng trưởng 10 - 20%.

Dow Jones liên tục lập các kỷ lục mới, từ mức gần 22.000 điểm lên trên 28.000 điểm. Các chỉ số chứng khoán ở châu Á vẫn ghi nhận sự tăng trưởng.

Lãnh đạo nhiều quỹ ngoại chia sẻ, khi bỏ vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nếu chỉ có ít câu chuyện thành công, chỉ số chứng khoán đi lùi, nhiều mã chứng khoán giảm giá trong danh mục, thì các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế khả quan đến mức nào cũng không đủ để thuyết phục được các nhà đầu tư.

VN-Index luôn vận động theo những lý lẽ riêng, thực tế đang phản ánh một sự băn khoăn giữa khoảng cách của những con số. Khi chứng khoán kém sôi động như thế, doanh nghiệp lấy đâu sự tự tin và cơ sở để huy động vốn qua kênh trung và dài hạn này?

Tin bài liên quan