Điểm chung của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp quân đội là thanh khoản rất eo hẹp

Điểm chung của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp quân đội là thanh khoản rất eo hẹp

Doanh nghiệp quân đội đổ bộ sàn UPCoM

(ĐTCK) Trong thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp trực thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng liên tiếp lên sàn UPCoM sau khi cổ phần hóa.

Cuối tuần qua (4/7/2018), thị trường chứng khoán đón một tân binh thuộc Bộ Quốc phòng – Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 319.2 với mã chứng khoán DX2. 4,95 triệu cổ phần DX2 lên sàn UPCoM với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 10.100 đồng/cổ phiếu.

Công ty Đầu tư và Xây dựng 319.2 chính thức hoạt động dưới loại hình công ty cổ phần từ ngày 10/10/2017, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.

Hoạt động kinh doanh mang lại doanh thu chủ yếu cho Công ty trong những năm qua là xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng. Công ty đã thực hiện một số dự án lớn tiêu biểu như dự án thi công rải rọ đá trên tuyến kênh Chợ Gạo, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông. Bên cạnh các hoạt động mũi nhọn là xây dựng, Công ty cũng triển khai thêm hoạt động cho thuê máy móc, thiết bị phục vụ các công trình giao thông.

Ngày 9/7/2018 cũng là phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM của 5 triệu cổ phần Công ty cổ phần 26 với mã chứng khoán X26. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 28.800 đồng/cổ phần.

Công ty cổ phần 26 tiền thân là Xưởng quân dụng 26 trực thuộc Tổng cục Hậu cần, thành lập tháng 7/1978. X26 là công ty sản xuất - kinh doanh đa ngành nghề, tập trung vào một số nhóm sản phẩm là giày dép, may mặc, chế biến gỗ, sản phẩm nhựa, cho thuê văn phòng. Trong đó, các sản phẩm đặc thù chủ yếu là nhà bạt, cáng võng, mũ cứng, mũ kêpi, dép nhựa, trang phục ngành… Hiện X26 cung cấp sản phẩm vật tư, quân trang theo đặt hàng của Cục Quân nhu.

Đến tháng 12/2016, X26 chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng; trong đó, Bộ Quốc phòng nắm giữ 51% vốn. Từ đó đến nay, Công ty chưa tiến hành tăng vốn và tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn không đổi. Nhà nước vẫn là cổ đông lớn duy nhất của X26.

Tính đến thời điểm 1/3/2018, X26 có 566 cổ đông, trong đó 5 cổ đông tổ chức nắm giữ 53% và 561 cổ đông cá nhân.

Trước đó, hồi cuối tháng 5/2018, 3,55 triệu cổ phiếu C22 của Công ty cổ phần 22 với tổng giá trị đăng ký giao dịch 35,5 tỷ đồng chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM.

Công ty cổ phần 22 tiền thân là Xí nghiệp Chế biến thực phẩm 22. Từ tháng 11/2007, Công ty được cổ phẩn hóa và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và do Tổng cục Hậu cần nắm quyền kiểm soát.

Được biết đến là doanh nghiệp sản xuất “lương khô quân đội”, các hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nghiên cứu sản xuất trang bị dụng cụ nhà ăn, nhà bếp, các sản phẩm kim khí ngành quân trang và dụng cụ gia đình, dịch vụ xử lý nước, kinh doanh xuất nhập khẩu và giáo dục mầm non…

Hiện Bộ Quốc phòng vẫn còn nắm giữ 51,35% cổ phần tại C22, 48,65% còn lại nằm trong tay các cổ đông khác. Số cổ đông của doanh nghiệp tính đến thời điểm 26/2/2018 là 382 cổ đông; trong đó, có 2 tổ chức và 380 nhà đầu tư cá nhân.

Đều hoạt động sản xuất thương mại trong ngành nghề đặc thù và thị trường bó hẹp trong phạm vi quân đội, các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng có đặc điểm chung là thanh khoản cổ phiếu rất thấp.

Đối với cổ phiếu C22, từ khi lên UPCoM đến nay, chỉ có 1.000 cổ phiếu được trao tay trên sàn trong phiên giao dịch đầu tiên. Cổ phiếu DX2 lên sàn được vài phiên và cho tới nay đang trong tình trạng trắng thanh khoản. Kể cả cổ phiếu G36 của Tổng công ty 36, mặc dù lên giao dịch đã lâu (tháng 12/2016), nhưng lượng mua bán cũng rất hạn chế.

Theo "Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020", từ 88 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và 21 công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý, đến năm 2020, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với 17 doanh nghiệp, giữ vốn tại 12 công ty cổ phần có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng, còn lại sẽ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, sáp nhập. Như vậy, trong thời gian tới, thị trường chứng khoán sẽ còn đón nhiều doanh nghiệp quân đội gia nhập thị trường. 

Tin bài liên quan