Ngoài khó khăn của thị trường tiêu thụ, Đạm Cà Mau còn đối mặt với bài toán giá khí cao.

Ngoài khó khăn của thị trường tiêu thụ, Đạm Cà Mau còn đối mặt với bài toán giá khí cao.

Doanh nghiệp phân bón lao đao

(ĐTCK) Khó khăn hai đầu (từ chi phí sản xuất tới tiêu thụ) đã phản ánh trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành phân bón.

Tiêu thụ sụt giảm

9 tháng đầu năm, Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (DPM) ghi nhận doanh thu thuần 5.398 tỷ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ.

Theo giải trình của lãnh đạo Công ty, do ảnh hưởng của thời tiết xấu, sản lượng tiêu thụ của DPM trong quý III giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sụt giảm mạnh, kéo kết quả kinh doanh 9 tháng đi xuống.

Cụ thể, lợi nhuận của DPM riêng trong quý III giảm 61% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ ghi nhận 60,5 tỷ đồng.

Trong một báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital) đánh giá, DPM có thể giảm 17,3% dự báo lợi nhuận năm 2019 và trung bình giảm 6,6% dự báo lợi nhuận năm 2020 - 2023 do lợi nhuận từ nhà máy NPK thấp hơn so với dự báo.

Tình hình cũng tương tự tại Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC). 9 tháng, doanh thu của Công ty đạt 4.565 tỷ đồng; lợi nhuận chỉ đạt 55,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,8% và 72,7% so với cùng kỳ 2018.

BFC cho biết, trong quý III, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thời tiết và giá nông sản giảm sâu, bên cạnh đó hàng phân bón ngoại nhập ngày càng nhiều nên lượng phân bón bán ra của Công ty sụt giảm.

Để giữ thị phần, BFC chưa tăng giá bán trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, dẫn đến lợi nhuận gộp trong 9 tháng đầu năm giảm 25% so với cùng kỳ. Các yếu tố đó tác động làm cho lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Phân bón miền Nam (SFG) tiếp tục báo lỗ trong 9 tháng. Riêng quý III/2019, Công ty lỗ 4,3 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng lỗ 8,9 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 8,6 tỷ đồng).

SFG cho biết, sản lượng tiêu thụ quý III thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái dẫn đến doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 19%, lợi nhuận gộp giảm 45% (còn 18,1 tỷ đồng, trong khi quý III/2018 đạt 33,4 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính ghi nhận sụt giảm mạnh (giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giảm lãi tiền gửi và lãi bán hàng trả chậm).

Chi phí đầu vào gia tăng

Có doanh thu tăng trưởng, nhưng Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) vẫn bị sụt giảm về lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần 9 tháng đạt 4.953 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 308 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.

Theo DCM, ngoài khó khăn của thị trường tiêu thụ phân bón, Công ty phải đối diện với các vấn đề về giá khí nguyên liệu cao khiến biên lãi gộp hoạt động kinh doanh có khả năng giảm mạnh.

Chi phí cho nguyên vật liệu tính từ đầu năm đến nay của Công ty tăng 71%, ở mức 2.446 tỷ đồng. Chỉ số biên lãi gộp giảm mạnh, từ 26% trong quý III năm ngoái xuống còn 8% trong năm nay

Hiện nay, một vấn đề chung mà các doanh nghiệp phân bón đang gặp phải là chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT).

Sản phẩm phân bón không nằm trong nhóm không phải chịu thuế VAT đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế VAT đầu vào, doanh nghiệp phải tính vào chi phí, khiến giá thành tăng.

Như tại DCM, mỗi năm, Công ty chịu thêm ít nhất 350 tỷ đồng chi phí không được khấu trừ thuế và doanh nghiệp này buộc phải "khấu trừ" vào giá bán.

Các tháng còn lại của năm 2019 đối với doanh nghiệp phân đạm còn nhiều thách thức khi các vấn đề liên quan đến chính sách vĩ mô chưa được gỡ bỏ. Để có động lực tăng trưởng, các doanh nghiệp phân bón đang xin được nộp thuế VAT ở mức 5%.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tìm cách mở rộng dư địa tăng trưởng như DCM đang đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới và đã xuất khẩu được 75.000 tấn sang khu vực Nam Á.

Tin bài liên quan