Doanh nghiệp ngấm sức ép phải lên sàn

Doanh nghiệp ngấm sức ép phải lên sàn

(ĐTCK) Sau chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gắn với lên sàn, thúc đẩy các doanh nghiệp đã cổ phần hóa (CPH) nhiều năm nay sớm đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung, các doanh nghiệp bắt đầu đã có những chuyển động.

Cuối tháng 10/2016, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã đưa 231,8 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM sau 8 năm CPH với không ít lần trễ hẹn lên sàn.

Sau hơn 1 năm là công ty đại chúng, mới đây, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP đã đăng ký giao dịch hơn 141 triệu cổ phiếu trên UPCoM.

Cũng có thâm niên 8 năm sau CPH, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và cũng với không ít lần thất hứa việc lên sàn, sau chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, mới đây Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã triệu tập Đại hội đồng cổ đông thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản để biểu quyết về đưa cổ phiếu lên sàn. Với 89,88% cổ phiếu có quyền biểu quyết tán thành, Đại hội đồng cổ đông của Sabeco đã thông qua phương án niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE). Tuy nhiên, thời điểm cụ thể lên sàn vẫn chưa được công bố.

Trong khi một số doanh nghiệp tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì có không ít doanh nghiệp vẫn… lờ thời điểm đăng ký giao dịch hoặc niêm yết. Trong số đó phải kể đến “ông lớn” Tổng công ty Cảng hàng không việt Nam - CTCP (ACV). Tuy hứa với cổ đông sẽ đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UPCoM không muộn hơn cuối tháng 6, đầu tháng 7/2016, đến nay đã sang tháng 11, nhưng thời điểm lên sàn của ACV vẫn mịt mờ.

Thực tế trên cho thấy, để đảm bảo tính nghiêm minh trong tuân thủ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn rất cần chế tài xử lý mạnh tay.

Việc chưa có chế tài xử phạt các doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn theo Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ được coi là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp chây ỳ và sẽ còn chây ỳ đưa cổ phiếu lên sàn.

“Khoảng trống” chế tài này đang được trông đợi sẽ được khắc phục khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Ngoài chế tài mang tính cưỡng chế, việc áp dụng các giải pháp mới nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp lên sàn, cũng là hướng đang được thúc đẩy triển khai. Bắt đầu từ hôm qua (ngày 1/11), Thông tư 115/2016 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 196/2011/TT-BTC về hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần có hiệu lực.

Điểm đáng lưu ý tại Thông tư 115/2016 là quy định gắn hoạt động đấu giá tại Sở GDCK đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần của DNNN sau CPH. Theo đó, cổ phần sau đấu giá sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên UPCoM. Chỉ trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, thủ tục đưa cổ phần lên giao dịch trên UPCoM sẽ được hoàn tất, nên nhà đầu tư mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên UPCoM.

Với những chuyển động trên, giới đầu tư đang trông đợi sẽ có làn sóng DNNN CPH lên sàn từ nay đến cuối năm. Qua đó không chỉ giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội đầu tư, mà còn tạo hiệu ứng tốt hỗ trợ cho nỗ lực đẩy nhanh tiến trình CPH mà Chính phủ đang theo đuổi.

Tin bài liên quan