Ba năm liên tiếp chìm trong khó khăn
Niên vụ 2018 - 2019 là niên vụ thứ ba liên tiếp, ngành mía đường trong nước chịu sự tác động tiêu cực từ giá đường giảm mạnh và áp lực cạnh tranh từ đường nhập khẩu.
Đầu ra của các nhà máy mía đường vẫn gặp nhiều khó khăn, tồn kho lớn. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, giá bán đường kính trắng RS khoảng 10.500 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu là do tồn kho lớn ở vụ trước, buôn lậu đường chưa giảm. Đường lỏng nhập khẩu tiếp tục gia tăng. Nếu như năm 2014 nhập khẩu 46.000 tấn thì năm 2018 nhập khẩu khoảng 140.000 tấn, tăng hơn 3 lần.
Báo cáo tài chính quý III niên độ tài chính 2018-2019 của CTCP Mía đường Sơn La (SLS) đã cho thấy rõ khó khăn của doanh nghiệp này. Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng trong kỳ đạt 128,7 tỷ đồng, giảm 83 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế quý III chỉ đạt 5,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 42,9 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến hết quý III/2019, SLS đạt 575 tỷ đồng doanh thu, tăng 129 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 41,5 tỷ đồng, giảm hơn 59 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Giá vốn bán hàng cao và chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi vay tăng khiến lợi nhuận 3 quý đầu niên độ giảm, dù doanh thu tăng. Hiện, Mía đường Sơn La còn 324 tỷ đồng tồn kho thành phẩm.
6 tháng giữa niên vụ 2018 - 2019 (1/7/2018-31/12/2018), CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) đạt doanh thu thuần 792 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 12,8 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, LSS lãi 12,8 tỷ đồng.
Tổng giám đốc LSS Lê Văn Phương giải thích, doanh thu cùng kỳ so với năm trước tăng 66,6% tuy nhiên giá vốn bán hàng tăng lên so với cùng kỳ 81,9% dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính giảm 49,3% trong khi chi phí tài chính tăng lên 26,1% so với cùng kỳ và thu nhập khác trong kỳ giảm 95,2% so với cùng kỳ năm trước là nguyên nhân khiến Công ty thua lỗ.
Nửa đầu tháng 4, theo thông tin từ Tổ chức Đường Thế giới (ISO), giá đường trắng trên thế giới tăng nhẹ, nhưng giá đường thô giảm, giá đường trong nước đang có xu hướng đi ngang. Trong khi đó, tình trạng đường nhập lậu vẫn nhiều. Giá đường lậu giữa tháng 4 tại TP.HCM khoảng 10.200 đồng/kg và ở miền Bắc khoảng 9.900 - 10.000 đồng/kg.
Hạ giá thành để cạnh tranh, hoặc là chết
Hiệp hội Mía đường Việt Nam ước tính, thực hiện niên vụ 2018-2019, sản lượng mía đường đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước và tương đương niên vụ 2015 - 2016 và 2016 - 2017. Dự kiến tình hình sản xuất niên vụ 2019 - 2020 sẽ tiếp tục giảm. Diện tích còn khoảng 220.000 ha, sản lượng mía khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn, giảm 5% so với niên vụ 2018 - 2019.
Với việc Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA) có hiệu lực vào đầu năm 2020, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường bị xóa bỏ, thuế suất nhập khẩu về 0%, thị trường đường Việt Nam sẽ được mở cửa hoàn toàn. Khi đó, ông Phạm Văn Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, nhà máy nào đã chuẩn bị được nguyên liệu, có thay đổi trong quản trị doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm sẽ trụ được. Còn lại, dự tính có khoảng 1/3 nhà máy hiện nay chưa thích ứng được sẽ gặp thách thức lớn. Hội nhập buộc các doanh nghiệp phải thích ứng, nếu thích ứng chậm, doanh nghiệp tất yếu sẽ bị đào thải.
Còn theo Công ty Chứng khoán BSC, thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với đường ngoại, nhờ giá thu mua nguyên liệu giảm và tăng tỷ lệ vùng nguyên liệu cơ giới hóa. Tại CTCP Mía đường Thành Thành Công (SBT) đang thu mua mía nguyên liệu với mức giá dao động quanh 860.000 đồng/tấn (giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái).
Do mía nguyên liệu chiếm 80 - 85% cơ cấu giá vốn, Công ty kỳ vọng giá thành sản xuất giảm tương ứng từ quý 3 niên độ tài chính. Tuy nhiên, BSC cho rằng, giá thu mua mía hiện ở mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây nên sẽ không chắc chắn khả năng giá thu mua mía tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Hiện tại, vùng nguyên liệu của SBT có tổng diện tích là 58.800 ha. Công ty cho biết sẽ không tăng diện tích vùng nguyên liệu. Thay vào đó, Công ty sẽ tập trung tăng tỷ trọng cơ giới hóa.
Tại Việt Nam, tỷ lệ cơ giới hóa trong ngành đường chỉ đạt 10% (so với 90% tại Thái Lan) khiến năng suất Việt Nam thấp (gần 65 tấn/ha so với gần 100 tấn/ha tại Thái Lan).