Doanh nghiệp lớn vững, TTCK sẽ tích cực trở lại

Doanh nghiệp lớn vững, TTCK sẽ tích cực trở lại

(ĐTCK) Kết quả khảo sát mới nhất về hoạt động khu vực doanh nghiệp (DN) niêm yết của Vietnam Report cho thấy, số lượng DN báo cáo lãi quý I/2019 chiếm khoảng 84%. 

Tính đến hết tháng 4/2019, lợi nhuận sau thuế của khu vực này đạt 31.347 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,9% so với cùng kỳ. Sức khỏe của các DN niêm yết lớn được nhận định là vẫn có thể duy trì sự tích cực trong năm 2019. Ðây là yếu tố nền tảng để dự báo thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ không xấu đi, dù phải đối diện với nhiều thách thức khó lường.

Nhiều DN trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất đạt kết quả khá tích cực trong quý I và triển vọng quý II là sáng sủa, trong đó đặc biệt là các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, DN xuất nhập khẩu.

Ở lĩnh vực sản xuất, các DN thuộc ngành nhiệt điện khí, hàng không, nhựa, điện đạm, phân bón... có kết quả khả quan và năm nay có thể hưởng lợi từ giá dầu thấp hơn so với biến động tăng năm 2018. Kết quả này là yếu tố cơ bản để tin rằng, nhiều DN sẽ “về đích an toàn” vào cuối năm 2019. Tương ứng với đó, luồng thông tin tích cực được dự đoán sẽ tăng mạnh vào 2 tháng cuối năm.

Dự báo triển vọng thị trường được Vietnam Report đưa ra cho rằng, năm 2019 có nhiều biến động hơn năm 2018 khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài, triển vọng tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu cùng làn sóng bán tháo ngắn hạn trên nhiều thị trường quốc tế, giá dầu có xu hướng biến động mạnh trong nửa cuối năm 2019 do khả năng duy trì cắt giảm sản lượng của OPEC+ và rủi ro xung đột thương mại lan ra toàn cầu.

Doanh nghiệp lớn vững, TTCK sẽ tích cực trở lại ảnh 1

Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu cùng rủi ro thương mại tiếp tục leo thang sẽ khiến thị trường trong nước và khu vực có những phiên biến động ngắn hạn, thanh khoản rơi vào mức thấp. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào TTCK Việt Nam cùng kỳ vọng nâng hạng thị trường trong năm 2020 và dự thảo Luật Chứng khoán có nhiều thay đổi sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho sự tăng trưởng và ổn định của thị trường. 

Dự báo cũng cho rằng, các cổ phiếu bluechip sẽ tiếp tục giữ vai trò định hướng thị trường. Thời gian qua, các thương vụ bán vốn lớn thành công như Techcombank (0,9 tỷ USD), Vinhomes (1,35 tỷ USD) và gần nhất là Vingroup (1 tỷ USD), cùng các thương vụ thoái vốn nhà nước như Vinaconex (VCG), PVOIL (OIL) và PVPower (POW)… đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, duy trì dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam. Ngoài ra, thị trường còn được dự báo sẽ hình thành một đợt sóng mới, với sự tăng giá của các cổ phiếu vốn hóa trung bình (midcap).

Nhìn nhận triển vọng TTCK Việt Nam từ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV Cấn Văn Lực cho rằng, tác động tích cực sẽ nhiều hơn tiêu cực.

“Tương quan TTCK Việt Nam với thế giới và TTCK Mỹ là khá chặt chẽ, trong đó riêng tỷ lệ tương quan với Mỹ là trên 88%. Thực tế cho thấy, khi giai đoạn căng thẳng nhất qua đi, TTCK Mỹ đã xanh trở lại, TTCK Việt Nam cũng phản ứng cùng chiều. Ðiều này chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư Việt Nam đã vững vàng hơn”, ông Lực nhận định.

Theo chuyên gia này, chuyển động của dòng vốn nước ngoài, nhất là vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng nhà đầu tư không nên chủ quan vì diễn tiến dòng chảy vốn quốc tế hiện nay thay đổi rất nhanh. Nhà đầu tư cần bám sát và luôn phải có kịch bản đối ứng dự phòng.

Tin bài liên quan