Doanh nghiệp lớn cần tiên phong sử dụng e-voting

Doanh nghiệp lớn cần tiên phong sử dụng e-voting

(ĐTCK) Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho rằng, khi trình độ ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển thì hình thức e-voting sẽ ngày càng được các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng. Ở Việt Nam, triển khai việc này trước hết phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn. 

Một công ty đại chúng thường có nhiều cổ đông tại nhiều địa phương nên sẽ thuận tiện hơn nếu tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, áp dụng bỏ phiếu điện tử, nhưng thực tế có rất ít doanh nghiệp triển khai. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Bỏ phiếu điện tử là phương thức giúp cổ đông của các tổ chức phát hành có thể thực hiện quyền bỏ phiếu của mình qua mạng Internet.

Theo đó, các cổ đông không nhất thiết phải đến dự ĐHCĐ mà vẫn thực hiện được quyền bỏ phiếu đối với các quyết định quan trọng của tổ chức phát hành. Trong trường hợp nhiều tổ chức phát hành tổ chức ĐHCĐ cùng ngày, việc bỏ phiếu này là rất cần thiết.

Việc bỏ phiếu điện tử giúp tăng khả năng thành công của ĐHCĐ, giúp tiết kiệm chi phí tổ chức đại hội, chi phí quản lý, đi lại…, cũng như giúp tổ chức phát hành có được kết quả nhanh, chính xác và làm tăng vị thế của tổ chức phát hành, nhất là ở góc độ quản trị doanh nghiệp.

Trong thời đại công nghệ số, với những ưu điểm này, bỏ phiếu điện tử đã và đang được xem là một hình thức bỏ phiếu ưu việt được nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia tiên tiến trong khu vực và thế giới sử dụng để lấy biểu quyết của cổ đông.

Ở Việt Nam, bỏ phiếu điện tử là hình thức bỏ phiếu đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các cổ đông thực hiện việc bỏ phiếu điện tử được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp ĐHCĐ như các cổ đông tham dự và biểu quyết trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, chưa nhiều doanh nghiệp áp dụng hình thức bỏ phiếu điện tử.

Theo quan điểm cá nhân tôi, có thể là do đặc thù quản trị của từng công ty nên tổ chức phát hành có tâm lý ngại thay đổi, vẫn muốn duy trì hình thức bỏ phiếu truyền thống, vì nếu áp dụng e-voting, doanh nghiệp sẽ phải sửa đổi điều lệ công ty cho phép sử dụng hình thức bỏ phiếu này và bổ sung các quy định hướng dẫn liên quan.

Chỉ cần một mùa ĐHCĐ không thông qua, thì có khi doanh nghiệp phải đợi thêm cả năm nữa mới có thể áp dụng e-voting, bởi phải đợi kỳ ĐHCĐ kế tiếp thông qua.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn e ngại trình độ công nghệ của cổ đông còn chưa đồng đều, không phải nhà đầu tư nào cũng tiếp cận với những ứng dụng mới.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có tâm lý không muốn bên thứ ba can thiệp vào việc tổ chức ĐHCĐ, nên chưa lựa chọn sử dụng dịch vụ bỏ phiếu điện tử do bên thứ ba cung cấp.

Là đơn vị cung cấp dịch vụ e-voting, VSD có kế hoạch nâng cấp hay bổ sung hình thức bỏ phiếu điện tử hay không?

Ông Nguyễn Sơn.

Bỏ phiếu điện tử được chia làm 2 hình thức là e-voting và e-meeting.

Bỏ phiếu điện tử dưới hình thức e-voting là việc cổ đông chỉ cần đưa ra ý kiến của mình là đồng ý hay không đồng ý với từng vấn đề đưa ra của doanh nghiệp.

Hiện VSD đã và đang cung cấp dịch vụ này.

Hình thức thứ hai cho phép cổ đông có thể nêu ý kiến, quan điểm với doanh nghiệp và ngược lại ngay tại ĐHCĐ trực tuyến về từng vấn đề mà doanh nghiệp đưa ra.

E-meeting là hình thức mà VSD dự kiến sẽ cung cấp trong thời gian tới khi có nhiều tổ chức phát hành/quỹ đầu tư có nhu cầu.

Việc doanh nghiệp lựa chọn hình thức nào hoặc kết hợp cả 2 loại cùng với hình thức bỏ phiếu trực tiếp theo cách truyền thống để tổ chức ĐHCĐ là do yêu cầu đặt ra của từng tổ chức phát hành/quỹ đầu tư, do điều kiện, khả năng về chi phí, con người và mục đích của mỗi doanh nghiệp là khác nhau.

Theo tôi, trong thời gian tới, khi xu hướng công nghệ thông tin ngày càng phát triển, trình độ áp dụng công nghệ mới của người dân ngày càng nâng cao, thì bỏ phiếu điện tử với các lợi ích rõ rệt sẽ trở thành sự lựa chọn ngày càng phổ biến của các doanh nghiệp phát hành chứng khoán, đặc biệt là các công ty đại chúng có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng.

Việc bỏ phiếu điện tử qua hệ thống của VSD có phức tạp không và các công ty đại chúng cần lưu ý những gì khi sử dụng dịch vụ này?

Hiện nay, có gần 1.800 tổ chức phát hành là các công ty đại chúng, quỹ đầu tư đang đăng ký, lưu ký chứng khoán tại VSD, trong đó có những công ty có từ vài nghìn đến vài chục nghìn cổ đông/nhà đầu tư.

Nắm bắt xu thế chung của khu vực và thế giới, đồng thời để tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành, các quỹ đầu tư khi lấy ý kiến của cổ đông/nhà đầu tư tại ĐHCĐ/đại hội nhà đầu tư, từ năm 2016, VSD chính thức triển khai cung cấp dịch vụ bỏ phiếu điện tử đến các tổ chức phát hành là các công ty đại chúng đã đăng ký chứng khoán tại VSD và các quỹ đầu tư thông qua hệ thống bỏ phiếu điện tử của VSD.

Hệ thống bỏ phiếu điện tử của VSD có tên là V-Vote, thời gian phục vụ là 24/7 (24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần) trong thời gian bỏ phiếu điện tử.

Mỗi tổ chức phát hành khi ký kết sử dụng dịch vụ e-voting với VSD sẽ được cấp một tài khoản để đăng tải các thông tin liên quan đến ĐHCĐ, các nội dung cần được cổ đông bỏ phiếu thông qua và bản thân mỗi cổ đông cũng được cung cấp một tài khoản để sử dụng cho tất cả các đợt bỏ phiếu.

Tài khoản đăng nhập của khách hàng trên V-Vote được bảo vệ với 2 tầng mật khẩu: mật khẩu định danh do VSD cấp và mật khẩu dùng một lần (OTP).

Nhà đầu tư thực hiện bỏ phiếu điện tử trên hệ thống V-Vote theo nguyên tắc: nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước thực hiện bỏ phiếu điện tử trực tiếp; nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế trong nước (thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam) nhưng có tỷ lệ nước ngoài sở hữu từ 51% trở lên thực hiện bỏ phiếu điện tử thông qua ủy quyền cho tổ chức đại diện (ngân hàng lưu ký/công ty chứng khoán).

Mỗi nhà đầu tư, tổ chức đại diện của nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện việc bỏ phiếu điện tử trên hệ thống V-Vote của VSD trong thời gian bỏ phiếu điện tử. Khi kết thúc thời gian bỏ phiếu theo thông báo của tổ chức sử dụng dịch vụ e-voting, các nhà đầu tư không được thay đổi kết quả bỏ phiếu và kết quả này sẽ được VSD tổng hợp gửi cho tổ chức sử dụng dịch vụ.

Kết quả bỏ phiếu được VSD bảo mật theo đúng quy định và chỉ được chuyển cho tổ chức sử dụng dịch vụ e-voting sau khi kết thúc thời gian bỏ phiếu.

Hệ thống V-Vote của VSD luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các tổ chức phát hành, quỹ đầu tư cho hai sự kiện là lấy ý kiến bằng văn bản, bỏ phiếu thông qua các tờ trình và các nội dung cuộc họp ĐHCĐ.

VSD đã ban hành quy định hướng dẫn cụ thể hoạt động bỏ phiếu điện tử cho các công ty đại chúng, quỹ đầu tư có nhu cầu.

Về phía các công ty và các quỹ đầu tư, để sử dụng dịch vụ e-voting, các tổ chức này cần bổ sung nội dung, các quy định liên quan về bỏ phiếu điện tử vào điều lệ công ty, trình ĐHCĐ/đại hội nhà đầu tư thông qua.

Sau khi hoàn tất việc này, tổ chức phát hành/quỹ đầu tư có thể ký hợp đồng với VSD và sử dụng dịch vụ e-voting bất cứ lúc nào. Hiện đã có 6 quỹ mở ký hợp đồng sử dụng dịch vụ e-voting với VSD.

Một trong những tiêu chí mà phía tổ chức quốc tế xét nâng hạng thị trường chứng khoán thường đặt ra là thị trường đó đã áp dụng phổ biến e-voting hay chưa. Theo ông, điều này có thúc đẩy các thành viên trên thị trường, cụ thể là các doanh nghiệp nỗ lực hơn trong việc áp dụng e-voting?

Những tiêu chí quan trọng để đánh giá khi xem xét nâng hạng thị trường là vấn đề quy mô, tính thanh khoản, công khai, minh bạch, hiệu quả và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Với những lợi ích nêu trên của e-voting thì khi có nhiều doanh nghiệp triển khai e-voting trên thị trường sẽ được coi là “điểm cộng” cho Việt Nam trong nỗ lực nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Khi trình độ ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển thì hình thức e-voting sẽ ngày càng được các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, để hình thức bỏ phiếu điện tử tại Việt Nam được các doanh nghiệp áp dụng và sử dụng rỗng rãi hơn, giúp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và giúp nâng hạng cho thị trường Việt Nam thì chúng ta nên xem xét cụ thể hóa quy định bắt buộc các doanh nghiệp (trước mắt là các công ty đại chúng có vốn hóa lớn, số lượng cổ đông lớn) sử dụng hình thức bỏ phiếu điện tử như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công.

Khi đã có các doanh nghiệp lớn tham gia cùng với những tiện ích của việc bỏ phiếu điện tử mang lại thì đây có thể coi là kinh nghiệm, bàn đạp để thu hút hơn nữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia.

Có như vậy, hình thức bỏ phiếu điện tử mới nhanh được phổ biến rộng rãi, đem lại lợi ích thiết thực cho cả nhà đầu tư và tổ chức phát hành.

Tin bài liên quan