Doanh nghiệp lo… hẹp cửa gọi vốn

Doanh nghiệp lo… hẹp cửa gọi vốn

(ĐTCK) Trước hàng loạt quy định mới về phát hành trái phiếu, nhiều doanh nghiệp lo ngại cánh cửa gọi vốn qua thị trường chứng khoán sẽ bị… thu hẹp. 

Mối lo từ doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) - nhà tư vấn cho nhiều thương vụ huy động vốn qua phát hành trái phiếu thời gian qua - chia sẻ, TCBS ghi nhận nỗi lo của doanh nghiệp về nguy cơ khó huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu ra đại chúng cũng như phát hành riêng lẻ khi các quy định pháp lý mới theo hướng siết các điều kiện phát hành đi vào triển khai.

“Ðây là điều các doanh nghiệp đang đau đáu khi chia sẻ với nhà tư vấn. Bởi vậy, mong sao nhà quản lý có hướng tháo gỡ trước thực tế nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán ngày càng lớn…”, bà Hiền đề xuất.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ không được tham gia “chợ” trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Ðiều nhiều doanh nghiệp lo lắng là cơ chế phát hành trái phiếu riêng lẻ mới “cấm cửa” nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp, trong khi chưa có các giải pháp khuyến khích phát triển các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp để tránh làm giảm sức cầu trên thị trường.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán có công ty mẹ là ngân hàng đang niêm yết phản ánh, sức cầu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chịu sức ép trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang hạn chế các ngân hàng thương mại đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, trong khi khối tổ chức tín dụng lâu nay vẫn là nhà đầu tư chủ lực trên thị trường...

Khi cánh cửa gọi vốn qua phát hành trái phiếu riêng lẻ bị hẹp lại, theo ý kiến từ doanh nghiệp, một trong những hướng họ tiếp cận là tìm đến kênh phát hành ra đại chúng.

Thế nhưng, với một loạt đề xuất mới tại dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc phát hành trái phiếu ra đại chúng cũng sẽ khó khăn hơn.

Cụ thể, liên quan đến chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền ra công chúng, dự thảo Nghị định đặt ra điều kiện, số lượng trái phiếu bán được phải đạt tối thiểu là 70% số trái phiếu dự kiến chào bán để thực hiện các dự án...

Theo ý kiến từ doanh nghiệp, sản phẩm trái phiếu khác cổ phiếu, nên nếu dẫn chiếu tỷ lệ này từ các đợt phát hành cổ phiếu sang áp dụng cho phát trái phiếu là không phù hợp.

Việc phải đáp ứng điều kiện số lượng trái phiếu bán được phải đạt tối thiểu là 70% số trái phiếu dự kiến chào bán là cao.

Do đó, đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xem xét bỏ tỷ lệ này, để trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp trong triển khai phương án gọi vốn qua phát hành trái phiếu.

Một con số nữa cũng gây quan ngại cho phía doanh nghiệp. Cụ thể, liên quan đến điều kiện chào bán trái phiếu có đảm bảo ra công chúng, dự thảo Nghị định yêu cầu, giá trị tài sản bảo đảm tối thiểu bằng 130% tổng giá trị trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản, tài sản bảo đảm phải được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá và đăng ký giao dịch bảo đảm...

Một doanh nghiệp đặt vấn đề vì sao quy định tỷ lệ 130%, mà không phải tỷ lệ khác, chẳng hạn dưới 100% và cho rằng, tỷ lệ này nên được trao cho tổ chức phát hành thỏa thuận với nhà đầu tư, chứ không nên quy định cứng vào nghị định, gây khó cho tổ chức phát hành.

Liên quan đến điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng, dự thảo Nghị định đề xuất doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu: có báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm về tổ chức phát hành của tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh...

Với quy định này, điều doanh nghiệp lo ngại là hiện thị trường định mức tín nhiệm tại Việt Nam chưa phát triển do thiếu vắng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh đó, không giám sát chặt chẽ thì có nguy cơ chất lượng định mức tín nhiệm không tốt, dễ tạo thêm “cái bẫy” với cả tổ phát hành lẫn nhà đầu tư.

Do đó, cơ quan hoạch định chính sách cần cân nhắc việc đưa ra điều kiện này song song với thúc đẩy phát triển các tổ chức định mức tín nhiệm nội địa đảm bảo chất lượng, uy tín, để đáp ứng yêu cầu của cả tổ chức phát hành lẫn nhà đầu tư...

Một quy định nữa nếu không được sửa đổi cho phù hợp cũng sẽ gây khó cho doanh nghiệp là việc xác định và quản lý nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Nhà quản lý đang đề xuất tổ chức phát hành chịu trách nhiệm xác định, lựa chọn và lưu trữ các tài liệu liên quan đến nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Điều nhiều doanh nghiệp lo lắng là cơ chế phát hành trái phiếu riêng lẻ mới “cấm cửa” nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp   

Ðiều này là quá nặng với đơn vị phát hành, nên cơ chế pháp lý cần xác định rõ tiêu chí như thế nào để xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp, trên cơ sở đó cấp mã số giao dịch phù hợp và hiển thị minh bạch, rõ ràng trên hệ thống.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, đành rằng các điều kiện phát hành chứng khoán nói chung, trái phiếu ra công chúng nói riêng cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao so với phát hành riêng lẻ, nhưng thay vì áp dụng hệ thống điều kiện mang tính cào bằng cho tất cả các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết, cần phân lớp doanh nghiệp để có ứng xử chính sách phù hợp.

Theo đó, với những doanh nghiệp chủ động minh bạch thông tin trung thực, đồng thời có sức khỏe tài chính tốt, hiệu quả kinh doanh cao, thì các điều kiện phát hành chứng khoán ra công chúng cần được nới hơn so với các doanh nghiệp minh bạch thông tin kém, thậm chí là công bố thông tin gian dối và bị xử phạt, sức khỏe tài chính và hiệu quả kinh doanh thấp...

UBCK nói gì?

Sau 20 năm hoạt động, TTCK Việt Nam chứng tỏ vị thế là kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng, tiến đến vị thế chủ lực như thông lệ các nước cho doanh nghiệp.

Ý kiến từ thị trường trông đợi nhà hoạch định chính sách cần tiếp thu, xem xét điều chỉnh các nội dung chưa hợp lý trên, để vừa giúp doanh nghiệp thuận lợi trong huy động vốn qua thị trường chứng khoán, vừa đảm bảo an toàn thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.

Chia sẻ trăn trở của doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK khẳng định, việc sửa đổi hệ thống quy định của pháp luật chứng khoán lần này không phải là “trói” các doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán, mà tinh thần là cởi mở để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, cơ chế mới còn đáp ứng yêu cầu về nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành thị trường sao cho hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, minh bạch...

Một trong những dẫn chứng cho tinh thần cởi mở cho doanh nghiệp gọi vốn thị trường chứng khoán, theo đại diện UBCK, là lần đầu tiên đề xuất cho phép công ty chứng khoán được chào bán sản phẩm tài chính.

Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục chào bán sản phẩm tài chính, chứng khoán cơ sở, hạn mức chào bán sản phẩm tài chính, giao dịch sản phẩm tài chính, phương thức thực hiện, hoạt động tạo lập thị trường...

Ở vai trò tham mưu cho lãnh đạo UBCK về quản lý các hoạt động phát hành chứng khoán, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, UBCK cho biết, do thời gian hoàn thiện dự thảo nghị định rất gấp nhằm đáp ứng tiến độ nên chưa phải toàn bộ nội dung đưa ra lấy ý kiến các thành viên thị trường đã đảm bảo chuẩn chỉ.

Do vậy, cơ quan quản lý lắng nghe ý kiến góp ý đa chiều của các thành viên thị trường với tư cách là những người trực tiếp va chạm với các tình huống thực tế trên thị trường, để hoàn thiện chính sách sao cho đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tránh khi ban hành chính sách và đi vào thực thi thiếu thực tế.

Tin bài liên quan