Doanh nghiệp khó vì… công chức vội

(ĐTCK) Các công chức nhà nước chưa lường hết những phát sinh thực tiễn mà doanh nghiệp chính là đối tượng gánh chịu.

Có khá nhiều tranh cãi giữa các DN và cơ quan thuế về việc áp dụng chính sách giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số hàng hoá, dịch vụ thuộc 19 nhóm theo quy định tại Thông tư 13/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ DN kinh doanh gặp khó khăn. Ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đã phải tư vấn cho DN tự bảo vệ quyền lợi theo cách "hãy thuyết phục để cơ quan thuế không cãi được là vòng bi công nghiệp DN nhập về đúng là để lắp vào xe máy thì DN sẽ được hưởng quy định về miễn giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT đối với nhóm hàng cơ khí là tư liệu sản xuất"…

Ngay chính "tổng hành dinh" của ngành thuế cũng buộc phải tính tới giải pháp tình thế khi các nhóm mặt hàng được liệt kê trong danh mục được giảm thuế của Thông tư 13 được thừa nhận là không đầy đủ so với Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg ngày 21/1/2009 nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn đối với DN. Khá nhiều mặt hàng cụ thể bị lọt nhóm. Và đương nhiên là việc có được hay không vào nhóm miễn giảm thuế suất trong các trường hợp này, theo cách tư vấn của ông Trường như trên, phụ thuộc vào khả năng thương thuyết của DN.

Cũng phải nói rằng, về thực tiễn điều hành, Bộ Tài chính đã có văn bản chính thức gửi các chi cục hải quan, cơ quan thuế địa phương hướng dẫn thực hiện chính sách giảm thuế suất này theo hướng căn cứ vào Quyết định 16 của Chính phủ để quyết định các hàng hoá, dịch vụ cụ thể. "Có thể những nhóm hàng trong Thông tư 13 không có, nhưng xếp được vào các nhóm hàng theo Quyết định 16 của Chính phủ thì chi cục hải quan, cơ quan thuế địa phương sẽ áp dụng giảm thuế suất theo quy định", ông Trường giải thích với DN tại Tọa đàm Doanh nhân trẻ Việt Nam góp phần chống suy giảm kinh tế vừa được Hội DN trẻ Việt Nam tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội. Lý do của việc điều hành linh hoạt này, theo ông Trường, là do thời gian ban hành Thông tư gấp gáp quá nên việc liệt kê các mặt hàng trong nhóm chưa được đầy đủ. "Khi ban hành Thông tư này, chúng tôi muốn ra nhanh để đảm bảo quyền lợi cho DN, nên dù biết là kê không hết, chúng tôi vẫn đề nghị ban hành. Các vướng mắc phát sinh sẽ được giải quyết sau", ông Trường nói.

Tuy nhiên, có lẽ các công chức nhà nước chưa lường hết những phát sinh thực tiễn mà DN chính là đối tượng gánh chịu. Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty Tiến Đông (Thanh Hoá) kêu ca là việc giải đáp chính sách thuế ở các địa phương rất chậm. "Chúng tôi cần biết ngay mặt hàng đó thuộc diện nào để quyết định mua bán, chứ không thể chờ đợi công văn lên xuống được. Đề nghị Bộ Tài chính cho phép hỏi qua email và bản trả lời bằng email là căn cứ để chúng tôi thực hiện", ông Phong đề nghị.

Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp thuận. Ông Trường lý giải rằng, việc hỏi đáp qua email có thể thực hiện và vẫn đang được thực hiện, tuy nhiên, các câu trả lời này không thể là căn cứ để thực hiện, mà chỉ là tư vấn cho DN. "Nếu DN không được cơ quan thuế, hải quan giải đáp thì có thể gửi công văn hỏi Tổng cục Thuế, Hải quan. Chúng tôi sẽ có trả lời bằng văn bản", ông Trường nói. Rõ ràng, trong trường hợp này, DN thì vội nhưng khó có thể đẩy nhanh thời gian làm việc của các công chức nhà nước hơn. Và mọi thủ tục vẫn phải đảm bảo đúng quy trình, cho dù lỗi của sự không rõ ràng trong văn bản pháp luật không phải của DN.

Có lẽ cũng nên đề cập khả năng sẽ có giải pháp hỗ trợ cho các DN nhập khẩu máy móc, thiết bị sản xuất có sự thay đổi về mức thuế suất thuế GTGT được ông Trường nhắc tới. Những khoản nợ thuế nhập khẩu rất lớn đang thuộc về các DN này khi có sự thay đổi về thuế suất thuế GTGT trong lúc họ tiến hành các thủ tục nhập khẩu hàng hoá. Với các DN lớn, số tiền này có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT CTCP Giấy Sài Gòn cho biết, khoản nợ bỗng nhiên này của Công ty là khoảng 30 tỷ đồng. Điều đáng than phiền là cùng với khoản nợ ngoài khả năng này, Công ty của ông rơi vào cảnh phải nộp thuế nhập khẩu theo lô hàng, thay vì được chậm nộp như quy định.

Với các DN này, đó là một thông tin tốt. Song, điều họ cần là bao giờ có quyết định chính thức để giải toả lại chưa có được.