Doanh nghiệp dầu khí lao đao theo giá dầu

Doanh nghiệp dầu khí lao đao theo giá dầu

(ĐTCK) Sau thời gian tăng giá mạnh, giá dầu thô thế giới liên tục lao dốc từ mức đỉnh hơn 80 USD/thùng xuống mốc 60 USD/thùng hiện nay. Diễn biến này khiến không ít doanh nghiệp dầu khí lao đao.

Giá dầu liên tục lao dốc từ tháng 10 đến nay đã trở thành nỗi ám ảnh với không chỉ nhà đầu tư, mà còn cả lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực dầu khí. Kết thúc phiên 4/12, giá dầu thô Brent ở mức 61 USD/thùng, giảm gần 30% so với mức đỉnh 86 USD/thùng được thiết lập vào tháng 10/2018. So với thời điểm đầu năm, giá dầu đã giảm khoảng 9%.

Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) chia sẻ, đây là điều không ai có thể dự báo được.

Theo ông Dương, hiện 50% nguồn cung dầu của PV OIL từ Dung Quất và 50% đến từ nguồn dầu nhập khẩu. Đối với việc nhập khẩu dầu rủi ro là rất lớn, bởi giá mua nếu được chốt tại thời điểm giá cao và cũng phải hơn 1 tháng dầu mới về thì rủi ro giảm giá sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân phối dầu như PV OIL.

Tuy nhiên, ông Dương kỳ vọng, khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chính thức đi vào hoạt động thương mại sẽ giúp tăng nguồn cung trong nước lên 80%, hoạt động của PV OIL sẽ tích cực hơn, do thị trường chính của Lọc dầu Nghi Sơn là phía Bắc, cũng là nơi đặt tổng kho chính của Tổng công ty.

Khoảng cách vận chuyển từ nhà máy tới kho vào khoảng 330 km, chậm nhất 3 ngày hàng về đến kho, giảm thiểu rủi ro về thời tiết, giá cả cạnh tranh so với nguồn nhập khẩu. Theo đó, Nhà máy Nghi Sơn đi vào hoạt động góp phần ổn định thị trường có lợi cho cả nhà đầu tư, đối tác phân phối tới người tiêu dùng.

Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Hội thảo “Hành trình năng lượng năm 2018”, Nhà máy Nghi Sơn theo hợp đồng thỏa thuận sẽ chính thức đi vào vận hành thương mại  từ ngày 15/11/2018 và hiện đang trong giai đoạn xem xét quá trình vận hành thương mại.

Một doanh nghiệp khác cũng chịu ảnh hưởng đáng kể từ diễn biến giảm giá mạnh của giá dầu trong thời gian qua là Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS). Ông Phạm Đăng Nam, Phó tổng giám đốc GAS cho biết, việc giá dầu giảm dĩ nhiên ảnh hưởng so với kỳ vọng của Tổng công ty bởi giá dầu là yếu tố quan trọng cấu thành chi phí đầu vào của GAS.

Hiểu một cách đơn giản, khi giá dầu giảm đồng nghĩa giá bán khí cũng giảm, mặc dù vẫn đảm bảo hoạt động của GAS có lãi, tuy nhiên quy mô doanh thu và lợi nhuận chắc chắn sẽ ảnh hưởng so với giai đoạn giá dầu tăng.

Theo ông Dương Nghĩa Dũng, Trưởng ban Kinh tế đầu tư PVN, trong thăm dò, khai thác các sản phẩm dầu, khí và condesate (khí ngưng tụ), các dự án khai thác dầu có cả gần bờ và xa bờ, nên khó để định lượng chi phí trung bình, tuy nhiên các mỏ dầu đang tập trung nhiều về Cửu Long, chi phí vận hành không cao. Về chi phí khai thác tối thiểu, theo tính toán của PVN, giá dầu có dự án 40 USD/thùng, có dự án 50 USD/thùng.

Giá dầu thô Việt Nam đang chủ yếu dựa trên giá dầu Biển Bắc. Mặt khác, ông Dũng cũng cho rằng, giá dầu hiện nay không phải là thấp (60 USD/thùng) nếu so với mức 40 - 50 USD/thùng duy trì trong thời gian dài và từng ở mức rất thấp. Chi phí hoạt động của các dự án ngoài khơi tuy cao, nhưng vẫn có lời ở mức 60 USD/thùng.

Trong báo cáo cập nhật ngành dầu khí mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã điều chỉnh giảm giả định mức giá dầu Brent cơ sở 2019 còn 70 USD/thùng từ mức 75 USD/thùng. Theo VCSC, mức giá dầu thô giả định thấp hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến 3 trong 7 cổ phiếu dầu khí mà VCSC theo dõi, bao gồm GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam), PVD (Tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan dầu khí) và PVS (Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam).

Quý III vừa qua, PVD báo lãi 112 tỷ đồng, cao gấp 4,4 lần so với cùng kỳ. Theo giải trình từ phía Tổng công ty, nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ là do đơn giá và số lượng giàn khoan tự nâng hoạt động tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, PVD vẫn lỗ ròng 197 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 227 tỷ đồng. Với diễn biến giá dầu hiện tại, cơ hội đột phá để thoát khỏi tình trạng khó khăn kéo dài của PVD xem ra vẫn còn xa.

Tất nhiên, trong ngành dầu khí, vẫn có một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ diễn biến đi xuống của giá dầu như doanh nghiệp khí điện đạm, bởi giá khí – nguyên liệu đầu vào của sản xuất đạm giảm. Trong khi đó, Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVT) được cho là không ảnh hưởng nhiều bởi diễn biến giá dầu do giá cước tác động bởi các yếu tố không liên quan nhiều đến giá dầu. 

Tin bài liên quan