Doanh nghiệp cao su tự nhiên: Cơ hội từ đà tăng giá gỗ

Doanh nghiệp cao su tự nhiên: Cơ hội từ đà tăng giá gỗ

(ĐTCK) Diễn biến giá gỗ tăng đột biến trong thời gian qua đã tạo ra cơ hội tăng lợi nhuận kép cho doanh nghiệp cao su tự nhiên: Tăng lợi nhuận nhờ bán gỗ thanh lý vườn và tiềm năng tăng giá mủ cao su trong tương lai.

Giá gỗ cao su tăng chóng mặt

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thái Bình, thành viên Hội đồng quản trị, người phụ trách công bố thông tin của Cao su Tây Ninh cho biết, tính từ đầu năm 2017 đến nay, giá thanh lý cây cao su của Công ty ở mức trung bình khoảng 150 triệu đồng/ha, còn hiện tại, mức giá bán thanh lý cây đã ở mức 180 - 200 triệu đồng/ha.

Với Cao su Đồng Phú, ông Phạm Phi Điểu, người phụ trách công bố thông tin của Công ty cho biết, tính trung bình từ đầu năm tới nay, giá thanh lý cây cao su ở mức 250 triệu đồng/ha.

Trong khi đó, giá thanh lý cây cao su theo ghi nhận ngoài thị trường đã có sự gia tăng chóng mặt.

Anh Tiến, chủ một vườn cao su 17 tuổi, quy mô 2 ha tại Đắc Nông cho biết, trong thời gian gần đây, vườn cây cao su của anh được môi giới trả mua với giá khá cao, giai đoạn cuối tháng 10/2017 đã ở mức trên 700 triệu đồng/ha.

“Cách đây hơn một năm, giá bán vườn cây chỉ chưa đầy 200 triệu đồng/ha, nhưng giờ thì mọi chuyện đã khác. Do nhu cầu gỗ cao su lớn, vườn của tôi lại nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông, mức giá trả thấp nhất là 600 triệu đồng/ha. Có người còn trả 650 triệu đồng, cao điểm lên tới trên 700 triệu đồng/ha”, anh Tiến cho biết.

Theo anh Tiến, mức giá trên 600 triệu đồng/ha là đối với vườn của anh có mật độ khoảng 500 cây/ha, đường kính cây xấp xỉ 30 cm, thậm chí có cây đường kính chỉ 15 - 20 cm, chiều dài thân gỗ khoảng 3m.

Theo tìm hiểu qua các môi giới thanh lý cây cao su, mức giá bán thanh lý vườn cây cao su hiện dao động từ khoảng 400 triệu đồng đến 700 triệu đồng một héc-ta, tùy chất lượng gỗ, tuổi cây và vị trí vườn thuận lợi hay không. Với những cây cao su có tuổi đời lớn (gần 30 năm), nếu cây lớn và đẹp thì giá bán có thể lên tới 2 triệu đồng/cây, tương đương gần 1 tỷ đồng/ha.

Giá gỗ cao su tăng mạnh, theo lý giải của ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) có nguyên nhân chủ yếu từ sự gia tăng đột biến sức mua từ thị trường Trung Quốc.

Cao su Đồng Phú: 10 tháng đạt 233 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế

“Chính phủ Trung Quốc ra quyết định cấm khai thác rừng tự nhiên, nên các doanh nghiệp chế biến gỗ nước này phải đi nhập khẩu gỗ từ bên ngoài. Việt Nam là nước láng giềng, nên các thương lái Trung Quốc đổ xô qua mua gỗ, đẩy giá lên cao. Chỉ trong 2 tháng vừa qua, giá gỗ cao su đã tăng hơn 20%, còn trong vòng một năm qua thì tăng gần gấp đôi”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, giá cây cao su tăng mạnh, các doanh nghiệp cao su tự nhiên được hưởng lợi. Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất sử dụng gỗ cao su gặp khá nhiều khó khăn do phải cạnh tranh mua gỗ nguyên liệu, dẫn đến có tình trạng doanh nghiệp bị teo tóp lợi nhuận, hoặc thậm chí lỗ.

Năm 2017, Cao su Tây Ninh thanh lý khoảng 400 ha cây cao su và một diện tích tương tự như vậy vào năm 2018. Với Cao su Đồng Phú, diện tích thanh lý cây sẽ khoảng 480 ha. Điểm chung của cả hai doanh nghiệp này là giá vốn cây cao su còn ở mức rất thấp, gần như bằng không do đã khấu hao hết trong các năm. Nhờ vậy, gần như toàn bộ doanh thu cây sẽ là lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp. Với việc giá bán cây cao su thanh lý tăng mạnh, lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ được cải thiện mạnh mẽ ở riêng mảng này.

Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận kép

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017 của Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, thu nhập khác của Công ty đóng góp gần 51 tỷ đồng trên tổng số gần 106 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đây chính là khoản thu từ hoạt động thanh lý vườn cây đã quá tuổi khai thác. Cùng kỳ năm 2016, Cao su Tây Ninh ghi nhận hơn 18 tỷ đồng trên hơn 43 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế từ hoạt động này.

Tại Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú, 3 quý đầu năm, hoạt động thanh lý cây cao su mang lại nguồn lợi nhuận trước thuế 87,449 tỷ đồng trong tổng số 231,731 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ. Cùng kỳ năm ngoái, nguồn thu nhập từ thanh lý vườn cây đóng góp 58,839 tỷ đồng trên tổng số 103,53 tỷ đồng lợi nhuận của Công ty.

Tương quan trên cho thấy, không chỉ là yếu tố quan trọng hỗ trợ thúc đẩy lợi nhuận trong những giai đoạn giá mủ cao su giảm mạnh, mà hiện nay, khi giá mủ cao su đã tăng, thanh lý cây cao su vẫn là mảng mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp trồng và chế biến cao su tự nhiên.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Hoàng Anh Gia Lai cho biết, hiện các vườn cây cao su của Hoàng Anh Gia Lai đã có thương lái đến hỏi mua. Các vườn cây tuổi đời ngoài 6 năm đã được trả khoảng 300 triệu đồng/ha, vườn lớn hơn được trả khoảng 400 triệu đồng/ha.

Doanh nghiệp cao su tự nhiên: Cơ hội từ đà tăng giá gỗ ảnh 2

Theo ông Đức, nếu để thêm khoảng 3 năm nữa, tức tuổi đời các cây ngoài 10 năm, mức giá thanh lý cây cao su có thể đạt trên 500 triệu đồng/ha. Với quy mô rừng trồng 48.000 ha, đây sẽ là tài sản không nhỏ cho Hoàng Anh Gia Lai. Trong tình huống giá mủ cao su đi xuống, việc thanh lý vườn cây cao su có thể giúp Công ty có nguồn thu lớn để thanh toán những khoản nợ ngân hàng. Nhưng ông Đức nói, Hoàng Anh Gia Lai sẽ không lựa chọn cách này.

“Chúng tôi vẫn cho khai thác lai rai cây cao su, vì hiện nay khai thác có lãi, nhưng tạm thời không đầu tư lớn cho khâu chăm bón, mà chờ khi thị trường khởi sắc trở lại”, ông Đức chia sẻ.

Báo cáo ngành cao su được thực hiện bởi các chuyên gia quốc tế cung cấp cho các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài mà Đầu tư Chứng khoán có dịp tham khảo đưa dự báo, năm 2020 có thể sẽ là năm cao su tự nhiên trở lại thời kỳ đỉnh cao.

Lý giải cho nhận xét này, các chuyên gia cho biết, có hai nguyên nhân chính. Một là chu kỳ nền kinh tế toàn cầu và kéo theo là giá xăng dầu đang trong xu hướng đi lên từ vùng đáy. Giá cao su tự nhiên có quan hệ tỷ lệ thuận với giá dầu thô, nên sẽ được hưởng lợi từ yếu tố này.

Lý do thứ hai là do diện tích trồng cây cao su sụt giảm mạnh. “Giá mủ cao su thấp và giá cây tăng cao dẫn đến tình trạng bà con đồng loạt bán cây cao su thu tiền về. Điều này làm cho diện tích cây cao su giảm, trong khi thời gian từ lúc trồng cây cao su đến khi thu hoạch được phải mất khoảng 6 - 7 năm trở lên”, lãnh đạo một quỹ đầu tư toàn cầu, người có trên 10 năm theo dõi ngành cao su tự nhiên và đã làm việc với hầu hết các chuyên gia lớn trên thế giới về cao su nhận xét và cho rằng, đây là cơ hội tốt để chăm sóc vườn cây cao su, chứ không phải để bán gỗ, vì giá gỗ cao su sẽ tiếp tục tăng chứ không thể giảm được.

Với dự báo trên, các chuyên gia đều cho rằng, cao su sẽ trở lại ngôi vị vàng trắng trong khoảng 2 - 3 năm nữa, thậm chí có thể sớm hơn.

Trong khi giá thu mua cây cao su ngoài thị trường lên tới 600 - 700 triệu đồng/ha, Cao su Đồng Phú chỉ bán được trung bình khoảng 150 triệu đồng/ha tính theo cả năm 2017 và hiện ở mức 180 - 200 triệu đồng/ha. Giá bán cây cao su của Cao su Đồng Phú dao động quanh mức 250 triệu đồng/ha. Đó là sự khác biệt khá lớn trong giá bán giữa các doanh nghiệp với nhau và với thị trường.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vì sao có sự khác biệt này, đại diện Cao su Đồng Phú và Cao su Tây Ninh đều cho rằng, điều này do đặc điểm của cây cao su và mật độ cây.

Người  phụ trách công bố thông tin của Cao su Tây Ninh, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, giá bán thanh lý cây cao su của Công ty ở mức thấp là do đây là giống cây cao su mới, cho mủ nhiều nhưng gỗ nhỏ. Thêm vào đó, mật độ trồng của Công ty ban đầu là 555 cây/ha, nhưng theo thời gian (sau 27 năm) hiện trung bình chỉ còn khoảng 400 cây/ha. Ông Bình cho biết, cây thanh lý của Công ty có đường kính khoảng 30 - 40 cm.

Còn theo ông Phạm Phi Điểu, người phụ trách công bố thông tin của Cao su Đồng Phú, khác biệt giá bán có thể đến từ yếu tố mật độ cây, độ đẹp xấu của cây cũng như độ lớn các cây. Các cây mà Cao su Đồng Phú thanh lý có chu vi khoảng 90 cm, chiều cao thân gỗ khoảng 3mHiện tại, các cây thanh lý của Công ty có giá từ 600.000 đồng/cây trở lên, không có giá thấp hơn.

Tin bài liên quan