Nhờ giá cao su thế giới tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp cao su có được kết quả kinh doanh quý I khả quan

Nhờ giá cao su thế giới tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp cao su có được kết quả kinh doanh quý I khả quan

Doanh nghiệp cao su “nín thở” chờ biến động giá

(ĐTCK) Diễn biến giá cao su trong nước hiện đang theo sát xu hướng tăng của giá cao su thế giới, giúp các doanh nghiệp ngành này ghi nhận lợi nhuận khởi sắc ngay trong quý 1/2017. Tuy vậy, ẩn số biến động giá cao su trong thời gian tới cũng là điều nhiều doanh nghiệp trong ngành quan tâm.

Quý I khởi sắc

Ông Nguyễn Thái Bình, Phụ trách công bố thông tin CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cho biết, giá cao su tăng khá mạnh kể từ cuối năm 2016, giúp các doanh nghiệp trong ngành đạt được hiệu quả kinh doanh khá tích cực.

Với TRC, giá bán cao su bình quân trong 3 tháng đầu năm đạt 50 triệu đồng/tấn, trong đó riêng tháng 3/2017, giá cao su đạt 52,8 triệu/tấn, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết quý I/2017, TRC ước đạt trên 40 tỷ đồng lãi trước thuế, hoàn thành 40% kế hoạch năm.

Trong tháng 4/2017, TRC sẽ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) để thông qua một số chỉ tiêu cơ bản như sản lượng khai thác 8.800 tấn mủ cao su, sản lượng cao su chế biến 11.800 tấn, sản lượng tiêu thụ 10.960 tấn. Theo đó, lãi trước thuế 2017 dự kiến đạt 107,3 tỷ đồng, cao gấp 3 lần kế hoạch 2016 và tăng khoảng 15% so với mức lãi thực hiện 2016.

Kế hoạch là như vậy, nhưng theo ông Bình, lợi nhuận của TRC nhiều khả năng sẽ còn vượt xa mức đề ra. Theo đánh giá của TRC, năm 2017 có thể là năm TRC đạt mức lợi nhuận cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Cũng theo TRC, triển vọng giá cao su năm nay được dự báo vẫn theo chiều hướng tích cực khi kinh tế thế giới dần phục hồi, nhất là tại các thị trường mới nổi.

CTCP Cao Su Phước Hòa (PHR) cũng ghi nhận tín hiệu tích cực ngay trong quý I. Cụ thể, trong kỳ, PHR khai thác được 2.594 tấn mủ quy khô và sản lượng tiêu thụ đạt 7.209,45 tấn mủ thành phẩm, với giá bán bình quân 45,1 triệu đồng/tấn, cao hơn cùng kỳ 67,2%. Theo đó, doanh thu thành phẩm của PHR đạt 209,3 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ xuất khẩu trực tiếp 123.7 tỷ đồng và doanh thu nội tiêu 202.1 tỷ đồng.

Chưa có thống kê cụ thể về lợi nhuận, nhưng PHR cho biết, tính chung tổng doanh thu 3 tháng đầu năm (cả mủ skim) của Công ty đạt 327,1 tỷ đồng, tăng hơn 82 % so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, PHR đã ký hợp đồng dài hạn, với tổng sản lượng khoảng 13.376 tấn, đạt tỷ lệ 95,5% kế hoạch sản lượng khai thác năm và tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.

Một tên tuổi khác của ngành cao su là CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) cũng cho biết, ước đạt gần 100 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I/2017, hoàn thành 50% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2017.

Ẩn số biến động giá cao su

Thực tế cho thấy, đặc thù kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cao su phụ thuộc rất lớn vào lượng cung-cầu và đặc biệt là biến động giá cao su thế giới. Nhìn lại diễn biến giá giai đoạn 2010-2015, giá cao su thường có có xu hướng tăng tốt trong quý I, với mức tăng khoảng 20% (so với thời điểm đầu năm), nhưng sau đó thường giảm trở lại khi bắt đầu vào mùa vụ thu hoạch.

Báo cáo phân tích ngành cao su của CTCK BIDV (BSC) cho thấy, giá cao su trong nước tính đến thời điểm cuối quý I/2017 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. BSC lưu ý nhà đầu tư nên quan tâm đến diễn biến giá cao su trong dài hạn (cả năm 2017), thay vì chỉ trong vòng 1-2 tháng tới. Đó là chưa kể, có những thời điểm “được giá” thì cao su lại bước vào giai đoạn rụng lá và không có sản phẩm để bán ra. Bên cạnh đó, diễn biến thị trường cao su còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác, đặc biệt là từ các nước sản xuất và tiêu thụ cao su lớn trên thế giới.

Mặc dù vậy, BSC vẫn kỳ vọng, giá cao su vào thời điểm cuối năm có thể đạt mức 40-44 triệu/tấn, tương ứng với mức giá cao su trung bình của năm dao động quanh mức 41-42 triệu đồng/tấn. Nếu giữ được đà tăng giá tốt, các doanh nghiệp trong ngành cao su tự nhiên nhiều khả năng ghi nhận hiệu quả kinh doanh khả quan và cổ phiếu của ngành sẽ tiếp tục tạo được niềm tin với nhà đầu tư.

Trên thực tế, giá bán mủ cao su hồi phục còn do nguồn cung của Thái Lan sụt giảm, trong khi nhu cầu được dự báo tăng, đặc biệt là tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su  lớn nhất thế giới.

Báo cáo phân tích về diễn biến giá cao su của CTCK Maybank KimEng cho biết, dù xu hướng dài hạn là tăng, nhưng trong ngắn hạn, giá cao su có thể có những pha điều chỉnh. Tuy nhiên, giá bán bình quân cả năm 2017 sẽ vẫn duy trì trên mức 36 triệu đồng/tấn.

Cũng theo MBKE, một điểm có thể coi là không thuận lợi đối với các doanh nghiệp ngành cao su, đó là hàng tồn kho giảm. Nhiều doanh nghiệp cho biết, hàng tồn kho tính đến cuối năm 2016 tương đối thấp so với cùng kỳ, chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ vào  cuối năm tăng mạnh. Điều này sẽ làm giảm khả năng tận dụng được xu hướng tăng của giá cao su trong năm 2017.                

Tin bài liên quan