Việt Nam có sản lượng cao su thiên nhiên lớn thứ 5 thế giới, chiếm 7,4% tổng sản lượng toàn cầu

Việt Nam có sản lượng cao su thiên nhiên lớn thứ 5 thế giới, chiếm 7,4% tổng sản lượng toàn cầu

Doanh nghiệp cao su “hồi hộp” với diễn biến giá cao su

(ĐTCK) Giá cao su bắt đầu hồi phục từ cuối tháng 3/2018, nhưng hiện vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp cao su đặt kế hoạch kinh doanh năm 2018 dựa trên mức giá bán khoảng 36 triệu đồng/tấn, giảm 10% so với mức bình quân 40 triệu đồng/tấn năm 2017.

Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) đặt mục tiêu giá bán cao su bình quân năm 2018 ở mức 36,56 triệu đồng/tấn, giảm 8,4% so với giá bán bình quân năm 2017 (39,9 triệu đồng/tấn). Theo đó, kế hoạch doanh thu tiêu thụ của Công ty là 731,7 tỷ đồng, giảm 12,5% và lãi gộp là 189,6 tỷ đồng, giảm 25,3% so với năm 2017.

Kết quả kinh doanh quý I/2018 của DPR sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, giá bán bình quân 3 tháng đầu năm của DPR đạt 36,3 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 25% so cùng kỳ năm trước, khiến doanh số giảm, lợi nhuận chung của hoạt động kinh doanh đạt 85,3 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sản xuất - kinh doanh cao su hơn 14 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái đạt 39 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2018 dựa trên giá bán cao su bình quân ước đạt 37 triệu đồng/tháng, giảm đáng kể so với mức bình quân năm 2017 là 40,39 triệu đồng/tháng. Theo PHR, giai đoạn 2018 - 2021, mỗi năm, Công ty sẽ thanh lý bằng đấu giá từ 1.000 - 1.200 ha cao su.

Ông Nguyễn Thái Bình, phụ trách công bố thông tin Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh cho biết, trong tháng 3/2018, giá thành cao su đạt 34,4 triệu đồng/tấn, tăng nhẹ so với hai tháng đầu năm, giá bán đạt 35,6 triệu đồng/tấn. Trong 3 tháng đầu năm 2018, Công ty khai thác được 2.027,13 tấn sản phẩm, lợi nhuận đạt hơn 11 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng tháng 3/2018 đạt 6,54 tỷ đồng.

Giá cao su nguyên liệu trong nước trong 3 tháng đầu năm giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới. Cụ thể, cuối tháng 3/2018, mủ cao su nguyên liệu tại Đồng Nai giao dịch ở mức 13.000 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với đầu tháng. 3 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cao su các loại đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cao su tổng hợp giảm hơn 14% về lượng so với cùng kỳ năm 2017.

Theo một số chuyên gia, xuất khẩu cao su tổng hợp giảm là do nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc giảm mạnh, tồn kho cao su tại nước này tăng. Từ đầu tháng 4 đến nay, giá cao su có diễn biến tăng do nguồn cung cao su toàn cầu đang trong giai đoạn thấp điểm, vì cây cao su bước vào giai đoạn thay lá và cho năng suất thấp.

Báo cáo về doanh nghiệp ngành cao su mới đây của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) nhận định, giá cao su trong quý II/2018 có thể phục hồi nhẹ nhờ giá dầu, hàng hóa có tương quan với cao su phục hồi đáng kể. Chính phủ Thái Lan đã công bố chương trình trợ giá cao su trị giá 20 tỷ bath, trong khi các nước sản xuất cao su gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia thống nhất cắt giảm xuất khẩu.

Ông Bành Mạnh Đức, phụ trách công bố thông tin Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC) cho hay, trong tháng 3/2018, HRC đã ngưng khai thác mủ cao su do vườn cây rụng lá sinh lý. Do vậy, tính đến hết quý I/2018, HRC khai thác được 368,13 tấn, đạt 14,16% kế hoạch năm (dựa trên con số tạm tính là 2.600 tấn). Công ty giao bán được 498,2 tấn, doanh thu đạt 17,4 tỷ đồng và lợi nhuận ước đạt 1,35 tỷ đồng.

Thông thường, giá cao su giảm yếu tố bất lợi đối với các doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên, nhưng các doanh nghiệp sản xuất săm lốp sẽ giảm được chi phí nguyên liệu đầu vào. Tuy vậy, thông tin từ một số doanh nghiệp sản xuất săm lốp cho thấy, diễn biến giá cao su quý I/2018 chưa phản ánh rõ nét vào kết quả kinh doanh trong kỳ.

Theo Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC), quý I/2018, Công ty lãi gần 26 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là 205,6 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM) nhận định, thời gian tới, ngành săm lốp sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt do có sự dịch chuyển đầu tư lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, tính bất ổn của thị trường cao su nguyên liệu là một trong những khó khăn mà ngành săm lốp phải đối mặt.

Tin bài liên quan