Để có giá xuất khẩu tốt, điều quan trọng là điều tiết được cung - cầu.

Để có giá xuất khẩu tốt, điều quan trọng là điều tiết được cung - cầu.

Doanh nghiệp cá tra chạy đua với thời gian

(ĐTCK-online) Khó khăn từ các thị trường xuất khẩu đang buộc DN sản xuất cá tra phải năng động, vận dụng tối đa các cách làm nếu không muốn hụt hơi trong những tháng còn lại của năm. Ở cấp độ vĩ mô, cơ quan quản lý mới đây cũng đã ngồi lại để tìm ra hướng hỗ trợ phù hợp, với kỳ vọng đưa ngành xuất khẩu cá tra, basa vượt qua cơn bĩ cực…

CTCP Nam Việt (Navico), DN từng đứng đầu ngành xuất khẩu cá da trơn, 6 tháng đầu năm có kết quả kinh doanh khá ảm đạm. Thị trường Nga, vốn chiếm tới một nửa kim ngạch xuất khẩu của công ty này vẫn chưa mở cửa trở lại cho Navico. Chủ động đẩy nhanh các thị trường tiềm năng, Công ty đã tổ chức hội nghị khách hàng với 60 nhà nhập khẩu Ukraina và bàn giải pháp tăng cường lượng cá tra, basa vào thị trường này. Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Navico cho biết, 6 tháng đầu năm 2009, Công ty đã xuất khẩu 9.000 tấn cá tra, basa với tổng trị giá 15 triệu USD sang thị trường Ukraina, chiếm hơn 30% tổng doanh thu của Navico. Thời gian tới, Công ty sẽ "tấn công" mạnh mẽ vào thị trường này với nhiều mặt hàng cá tra, basa chất lượng cao và giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Kết quả ban đầu khá khả quan, sau hội nghị, nhiều hợp đồng mới đã được ký kết.

Agifish cũng đang có những bước chuyển hướng mạnh mẽ. Ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc Công ty cho biết, thị trường Nga tuy quan trọng, nhưng không được xếp hàng đầu như trước đây, vì DN gặp nhiều rủi ro trong thanh toán, do biến động tỷ giá giữa đồng rup và USD quá lớn. Hiện thị trường lớn nhất của Agifish vẫn là châu Âu như Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan. Đặc biệt, thị trường Trung Đông tuy mới khai phá nhưng lượng tiêu thụ hàng khá lớn. Ngoài ra, Công ty cũng đẩy mạnh xuất hàng sang Mỹ nhờ mức thuế nhập khẩu năm nay thấp hơn nhiều so với các năm trước.

Một DN nữa là CTCP Thuỷ sản Bình An (Bianfishco) cũng có kế hoạch đẩy mạnh việc xuất khẩu cá tra, basa sang Mỹ. Ước tính, trong tháng 8/2009, Công ty xuất khẩu trên 70 container cá tra sang thị trường này. Bước đầu tấn công sang thị trường khó tính, Bianfishco đã cho ra mắt sản phẩm cá tra đông lạnh chất lượng cao. 7 tháng đầu năm 2009, Công ty đã xuất khẩu được 10.900 tấn cá tra, tương đương kim ngạch 28,55 triệu USD. Trong đó, Tây Ban Nha là thị trường nhập khẩu lớn nhất với khối lượng trên 2.000 tấn, trị giá 5,74 triệu USD; tiếp đó là Hà Lan (3,29 triệu USD), Italia (3 triệu USD), Đức (2,25 triệu USD)… Tháng 7/2009, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Bianfishco (đứng sau Tây Ban Nha).

Trong khi các DN đang tìm mọi cách đẩy nhanh lượng tiêu thụ vào những tháng cao điểm cuối năm, một cơ chế thuận lợi hỗ trợ cả ngành để tránh điệp khúc "được mùa, rớt giá" là điều được DN kỳ vọng. Ngày 21/8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã giao ban trực tuyến nhằm tìm giải pháp ổn định thị trường cá tra, basa trong thời gian tới. Theo các địa phương thuộc khu vực này, hiện nay, việc liên kết sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cá tra đã có dấu hiệu tốt lên. Tuy nhiên, do các tỉnh chưa thống nhất được sản lượng nuôi để đảm bảo cung - cầu nên tình trạng "rớt giá" vẫn diễn ra. Trong khi đó, do chế tài xử phạt vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đủ mạnh nên một số DN xuất khẩu cá tra, ba sa vẫn vi phạm các quy định an toàn, làm mất uy tín sản phẩm thuỷ sản Việt Nam.

Nhận định về tình hình sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu thời gian tới, ông Ngô Phước Hậu cho rằng, để có giá xuất khẩu tốt, điều quan trọng là điều tiết được cung - cầu. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, không thể kêu gọi nông dân hạn chế mở rộng diện tích nuôi, mà Nhà nước phải đứng vai trò là "nhạc trưởng" với các chính sách thuế, tín dụng, quản lý về thị trường, con giống, quản lý về xuất khẩu...

Trên thực tế, khó khăn lớn nhất của nhiều DN cá tra, cá basa ở chỗ, năm 2008, hưởng ứng chính sách hỗ trợ nông dân, DN thu mua lượng lớn cá nguyên liệu, đến ngày 20/12/2008, thị trường chủ lực của mặt hàng này là Nga đóng cửa hoàn toàn, giờ lượng cá tồn kho còn tương đối nhiều.

Đề xuất kiến nghị để sớm giải quyết tình trạng mất cân đối cung - cầu, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thuỷ sản Vĩnh Long đề nghị Ban chỉ đạo xem xét, đánh giá lại toàn bộ diện tích nuôi, sản lượng cá tra, ba sa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang mất cân đối ở mức độ nào. Ngoài ra, tại vùng này hiện có 168 DN chế biến xuất khẩu thuỷ sản đến hơn 100 nước trên thế giới, trong số này có 58 DN không có nhà máy chế biến. Phải kiểm tra xem những DN trên có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu hay không, nhằm giữ uy tín sản phẩm thuỷ sản Việt Nam.

Thực trạng con cá tra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn vẫn được chỉ ra do những nguyên nhân "khổ lắm nói mãi": nhiều hộ dân phát triển nuôi tự phát không theo quy hoạch, trình độ kỹ thuật thấp, thiếu kinh nghiệm, không tuân theo đúng quy định điều kiện sản xuất, cá thu hoạch không bảo đảm chất lượng xuất khẩu...

Tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị các địa phương tiếp tục chấn chỉnh hoạt động sản xuất, chế biến cá tra trong nước. Đồng thời, ông Phát cũng yêu cầu Cục Nuôi trồng thuỷ sản sớm ban hành hướng dẫn việc đăng ký vùng nuôi cho các hộ nuôi trồng và hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình nuôi an toàn; đề nghị Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tiếp tục kiểm tra các nhà máy chế biến, không nhân nhượng bất cứ DN nào có hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn chất lượng, có hành vi gian lận, làm mất uy tín sản phẩm thuỷ sản Việt Nam. Mặc dù vậy, khi những biện pháp này chưa được thực hiện một cách thống nhất và sát sao thì việc phát triển ngành cá tra một cách tự phát vẫn nằm ngoài tầm với của cơ quan quản lý.