Bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng nhiều DN vẫn tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới - Ảnh: Hoài Nam

Bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng nhiều DN vẫn tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới - Ảnh: Hoài Nam

DN vẫn không ngừng tìm cơ hội phát triển

(ĐTCK-online) Bối cảnh kinh tế khó khăn đang khiến nhiều DN thu hẹp hoạt động, không ít thậm chí phá sản. Tuy nhiên, cũng có những DN vẫn tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới để mở rộng thị trường cũng như chuẩn bị phát triển quy mô trong các năm tới.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa khởi công cụm công nghiệp mía đường đầu tiên, hiện đại và lớn nhất cho đến nay tại vùng Nam Lào với tổng mức đầu tư lên đến 100 triệu USD. Đối với HAG, mía đường là dự án trọng điểm trong ngắn hạn vì cây mía trồng từ 10 đến 12 tháng là có thể thu hoạch. Mía trồng 1 lần, khai thác trong 4 năm nên Nhà máy sẽ khánh thành tháng 9/2012, vừa kịp để chế biến vụ mía đầu tiên, đem lại doanh thu và lợi nhuận cho HAG vào năm 2013. Hiện nay, HAG đã trồng mía giống và sẽ trồng phát triển nguyên liệu song song với đầu tư cụm công nghiệp.

Vừa tập trung hoàn thành kế hoạch trồng 51.000 héc-ta cao su, HAG còn phát triển sang trồng mía và trồng cọ dầu để phân tán rủi ro và có nguồn thu trong ngắn, trung và dài hạn. Tại Lào, HAG trồng khoảng 10.000 héc-ta dầu cọ và sẽ phát triển diện tích trồng dầu cọ lớn hơn tại Campuchia. "Nếu muốn đầu tư lớn, đưa DN phát triển lên tầm cỡ hàng đầu khu vực thì không có cách nào khác là phải đầu tư ra nước ngoài, khai phá các thị trường mới", ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAG nói.

Cũng trong thời gian HAG khởi công dự án tại Lào, Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát do Chủ tịch Trần Đình Long dẫn đầu cũng sang Lào tham gia lễ ra mắt Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, mà Hòa Phát là một thành viên. Hòa Phát cũng đang ráo riết tìm kiếm ngành nghề lĩnh vực kinh doanh mới để đầu tư. Ở Lào, Hòa Phát đã đặt chân vào lĩnh vực khai thác khoáng sản và đang xem xét đầu tư trồng cao su.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, nhà máy mía đường nói trên của HAG là nhà máy đường thứ 6 tại các nước Lào, Campuchia và Mianma mà BIDV tham gia tài trợ vốn. Các hoạt động tài trợ vốn này của BIDV nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc ngân hàng song hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư kinh doanh sang các nước này.

Không chỉ BIDV mà cả các nhà đầu tư nước ngoài như Temasek, Vinacapital… cũng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang các nước láng giềng bằng việc mua cổ phần của các doanh nghiệp có dự án đầu tư ở Lào và Campuchia.

CTCP Đại lý Liên hiệp vận chuyển (GMD) hiện đang triển khai đầu tư cao su tại Campuchia, đã trồng được 1.000 héc-ta cao su và khai hoang 2.000 héc-ta đất trên tổng diện tích 29.000 héc-ta đất được cấp. Tại Lào, GMD đã có dự án bất động sản tại thủ đô và làm dịch vụ logistic cho khai thác gỗ và than đá.

Tại các thị trường láng giềng, DN Việt Nam đã chậm chân hơn so với DN Trung Quốc, Thái Lan hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội cho DN Việt Nam ở các thị trường này, nhất là ở các tỉnh giáp ranh với Việt Nam. Khi thị trường trong nước đang trở nên chật hẹp, với năng lực đầu tư và khả năng tăng trưởng, rất nhiều DN Việt Nam, trong đó có nhiều DN niêm yết đã và đang nhanh chóng mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ra các thị trường lân cận. Thực tế cho thấy, đó là bước đi khả thi cao.