Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Tuần giao dịch khép lại với việc VN-Index tiếp tục điều chỉnh sâu khi VN-Index mất tổng cộng gần 70 điểm, tương đương 6,2% thì những mã cổ phiếu được các công ty chứng khoán khuyến nghị mua/bán hầu hết đều vấp ngã, đặc biệt là 2 bluechip GAS và HPG, trong khi điểm tích cực đáng kể chỉ còn ở tân binh FRT.

BSC khuyến nghị tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu GAS

Điểm nhấn kỹ thuật:

 - Xu hướng hiện tại: Tăng giá dài hạn, Tích lũy ngắn hạn

- Chỉ báo MACD: Có xu hướng hội tụ với đường tín hiệu từ dưới lên

- Chỉ báo RSI: Giao động trong biên độ 50-70

Nhận định: GAS đang trong xu hướng tăng giá dài hạn và thử thách ngưỡng kháng cự 136.400. Hiện tại cổ phiếu đang trong nhịp tích lũy ngắn hạn với biên độ 126.000 -132.000.

Diễn biến giá cổ phiếu ổn định, trong khi thị trường điều chỉnh mạnh. Trong phiên giao dịch 20/4, GAS tăng 3,6% với giá trị thanh khoản tốt vượt khỏi biên độ 126.000-132.000.

Ngưỡng kháng cự gần của GAS là đỉnh cũ ở mức 136.400. Các tín hiệu kỹ thuật cho thấy vận động giá cổ phiếu vẫn đang tốt.

Khuyến nghị: Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu khi tiếp cận ngưỡng kháng cự 136.400.

Nếu giá cổ phiếu vượt thành công ngưỡng kháng cự với giá trị thanh khoản tốt, giá mục tiêu sẽ là 156.000 đông/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu GAS nằm trong số những mã mất điểm nhiều nhất thị trường với 3 phiên giảm sàn (-6,9%; -7%; -6,9%) và chỉ 1 phiên tăng giữa tuần (3,3%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 640.000 đến hơn 1 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, GAS giảm từ 134.000 đồng xuống 111.500 đồng/cổ phiếu, tương đương – 16,8%.

VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu CII với giá mục tiêu 42.000 đồng

HĐQT CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) vừa quyết định hủy đợt phát hành quyền mua cổ phiếu tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu đã được thông qua tại ĐHCĐ ngày 24/04/2018.

Quyết định này phù hợp với dự báo của chúng tôi, vì chúng tôi cho rằng CII sẽ tài trợ các dự án bằng vốn vay. Công ty hiện đang thương lượng với một số tổ chức tài chính để phát hành 1.300 tỷ đồng trái phiếu không thu hồi.

Đến nay, công ty đã phát hành được 300 tỷ đồng, hay 23% mục tiêu nói trên và dự kiến đến hết Quý 2/2018 sẽ phát hành xong phần còn lại. Hiện vẫn chưa có thêm thông tin chi tiết về tình hình phát hành trái phiếu.

Hiện chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA dành cho CII với giá mục tiêu 42.000 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 31,3% (không có cổ tức) theo giá đóng cửa phiên hôm nay.

Trong tuần này, cổ phiếu CII giao dịch không quá nhiều điểm đáng chú ý khi đứng tham chiếu phiên đầu tuần và phiên 26/4, tăng 2,5% phiên trước đó, và giảm mạnh 4% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, CII giảm nhẹ từ 32.000 đồng xuống 31.500 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,5%.

VCSC khuyến nghị khả quan với cổ phiếu VJC với giá mục tiêu 226.400 đồng

CTCP Hàng không VietJet (VJC) đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2017, với một số điều chỉnh tích cực.

So với báo cáo LNST chưa kiểm toán 2017 công bố ngày 31/01/2018, LNST sau kiểm toán cao hơn 564 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 12,5% đạt 5.073 nghìn tỷ đồng, tăng 103,3% so với năm 2016.

Nguyên nhân chính cho điều chỉnh tăng này của LNST là điều chỉnh giảm 536 tỷ đồng của khoản mục Giá vốn hàng bán, trong đó thay đổi chính là mức giảm 918 tỷ đồng trong chi phí bán máy bay.

Chúng tôi được biết rằng VJC ghi nhận phí tư vấn liên quan đến hoạt động giao dịch bán và thuê lại trong cả năm, nhưng dịch vụ tư vấn này không được sử dụng.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị KHẢ QUAN cho VJC với giá mục tiêu 226.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời 18,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,6%.

Trong tuần này, cổ phiếu VJC chỉ có 1 phiên tăng đầu tuần (0,7%), sau đó 3 phiên còn lại đều giảm (-1%. -1,5%; -2,6%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất có hơn 1 triệu đơn vị, phiên thấp nhất (cuối tuần) có hơn 500.000 đơn vị.

Chốt tuần, cổ phiếu VJC giảm từ 195.700 đồng xuống 187.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -4,44%.

BVSC sẽ điều chỉnh giá mục tiêu cổ phiếu MWG, nhưng giữ khuyến nghị mua

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố KQLN sơ bộ Quý I/2018 với doanh thu và LNST tăng mạnh lần lượt 46% và 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả ấn tượng này là nhờ mảng điện tử tiêu dùng. Doanh thu của Điện Máy Xanh tăng mạnh 84% trong Quý I/2018 nhờ doanh thu các cửa hàng hiện hữu tăng trưởng tốt, mở thêm cửa hàng mới (có 676 cửa hàng tính đến cuối Quý I/2018 so với 642 vào cuối năm 2017), đóng góp của các cửa hàng đã mở năm 2017, và doanh thu online.

Thế giới Di động đạt tăng trưởng doanh thu 1 chữ số vì đã ngừng mở thêm cửa hàng. MWG đã chuyển 4 cửa hàng Thế giới Di động sang Điện máy Xanh mini trong Quý I/2018, đồng thời mở thêm 3 cửa hàng mới và đến cuối Quý I, chuỗi này có tổng cộng 1.071 cửa hàng, so với 1.072 vào cuối năm 2017.

Tăng trưởng doanh thu từ các cửa hàng hiện hữu tính chung Điện máy Xanh và Thế giới Di động trong Quý 1/2018 đạt 8%. Nhìn chung, Thế giới Di động và Điện máy Xanh đạt kết quả phù hợp với dự báo của chúng tôi.

Bách hóa Xanh có 355 cửa hàng vào cuối Quý I/2018 so với 283 vào cuối năm 2017.

Tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng này thấp hơn so với dự báo của chúng tôi là tổng cộng 1.300 cửa hàng vào cuối năm 2018.

Chúng tôi cho rằng nguyên nhân là ban lãnh đạo thận trọng hơn trong việc lựa chọn địa điểm và từ đầu năm đến nay công ty đã đóng cửa một số cửa hàng.

Vì vậy, chúng tôi có thể sẽ điều chỉnh giảm dự báo số cửa hàng Bách hóa Xanh trong báo cáo cập nhật tới.

Chúng tôi sẽ điều chỉnh dự báo và giá mục tiêu dành cho MWG. Tuy nhiên, chúng tôi nhiều khả năng sẽ giữ nguyên khuyến nghị MUA dành cho cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu MWG có 2 phiên tăng liên tiếp từ đầu tuần (4,8%; 0,2%), sau đó điều chỉnh mạnh trong phiên kế tiếp (-4,6%) và phục hồi trong phiên cuối tuần (1,2%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 220.000 đến 680.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, MWG tăng nhẹ từ 100.670 đồng lên 102.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,32%.

VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 77.500 đồng

Theo công bố của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng thép bán ra đã tăng 29% trong quý 1/2018 so với quý 1/2017, đạt 4,86 triệu tấn, trong khi thép xuất khẩu tăng 45% YoY. Lượng thép xuất khẩu tương ứng với 24% sản lượng bán.

Chúng tôi lưu ý rằng số liệu này đã bao gồm sản lượng thép bán từ nhà máy thép có vốn đầu tư Đài Loan là Formosa Hà Tĩnh (FHS), khi khu liên hợp này bắt đầu đóng góp cho sản lượng thép trong nước trong năm nay.

Nếu loại trừ phần đóng góp của FHS, sản lượng thép bán trong nước đạt 4,22 triệu tấn trong quý 1/2018 (+12% so với quý 1/2017), trong đó xuất khẩu là 1,05 triệu tấn (+31% so với quý 1/2017).

Với sản lượng thép bán trong nước vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định trong quý 1/2018, chúng tôi giữ quan điểm rằng nhu cầu từ hoạt động xây dựng sôi động trong nước sẽ dẫn dắt tăng trưởng của ngành thép.

Ngoài ra, tăng trưởng sản lượng xuất khẩu mạnh trong quý 1 cũng củng cố cho quan điểm của chúng tôi rằng tác động trực tiếp từ việc áp thuế nhập khẩu thép của Mỹ đối các nhà sản xuất thép Việt Nam sẽ ở mức khiêm tốn.

Do đó chúng tôi tự tin rằng danh mục các công ty thép chúng tôi đang theo dõi (HPG, HSG, và NKG) sẽ đạt dự báo tăng trưởng doanh thu năm 2018 của chúng tôi.

- HPG: tăng trưởng sản lượng 10% (HPG đã đạt full công suất trong năm 2017 và đang dần gia tăng công suất với việc khu Phức hợp Gang thép Dung Quất đi vào hoạt động).

Biên LN giảm, đến từ việc giá nguyên liệu đầu vào gia tăng, sẽ là yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong năm nay.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng HPG đã có sự chuẩn bị và vị thế tốt để đối đầu với các thách thức này, trong bối cảnh công ty sở hữu mô hình dây chuyển sản xuất thép tích hợp hiệu quả, cũng như khả năng kiểm soát chi phí vượt trội.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị MUA cho HPG với giá mục tiêu 77.500 đồng, tương ứng vởi tỷ lệ tăng 36% dựa theo giá đóng cửa phiên 19/4.

Trong tuần này, cổ phiếu HPG có 2 phiên tăng (0,7%; 0,6%) xen lẫn 2 phiên giảm mạnh (-5,4%; -4,5%). Thanh khoản khớp lệnh từ gần 3 triệu đến hơn 5 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, HPG giảm từ 58.800 đồng xuống 53.800 đồng/cổ phiếu, tương đương -8,5%.

FPTS khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VGS

Doanh thu năm 2017 đạt 6.011 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với năm 2016, với sản lượng tiêu thụ ống thép đạt 142.500 tấn (-6.8% yoy) và ống tôn mạ kẽm đạt 88.000 tấn (+1% yoy). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 2017 đạt 71 tỷ đồng (-12% yoy).

Nguyên nhân chủ yếu do biến động giá nguyên vật liệu đầu vào và việc thị trường thép vào quý IV tiêu thụ chậm.

Thông qua việc rút vốn ra khỏi công ty liên kết là CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Đức (VGID). Mục đích góp vốn vào công ty này là để đầu tư và hợp tác triển khai dự án khu đô thị Legend City.

Tuy nhiên, trong thời gian hoạt động, công ty này hoạt động không hiệu quả và thua lỗ liên tục. ĐHCĐ 2017 đã thông qua quyết định rút toàn bộ vốn, giải thể công ty VGID, và sẽ tự triển khai dự án. Phần vốn đã góp có giá trị khoảng 9,5 tỷ đồng.

Dự án Legend City là động lực tăng trưởng trong thời gian tới. Sau khi rút vốn tại công ty liên kết, VGS sẽ tự triển khai dự án Việt Đức Legend City, khu đô thị rộng 62ha ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong năm 2018, VGS dự kiến sẽ giải phóng mặt bằng và triển khai thi công giai đoạn I với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Legend City sẽ tập trung cung cấp căn hộ giá cả phải chăng cho công nhân và nhà phố cho nhu cầu đầu tư và kinh doanh.

Trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, thời gian thực hiện dự kiến vào Quý II - Quý III năm 2018.

Kế hoạch doanh thu cho năm 2018 là 5.300 tỷ đồng (-11,8% yoy) và lợi nhuận trước thuế là 80 tỷ đồng (-4,2% yoy).

Kế hoạch này thể hiện sự thận trọng của ban lãnh đạo trong bối cảnh diễn biến giá nguyên vật liệu và thép biến động ngày càng khó lường, và nhiều nhà máy sẽ nâng công suất cho ra sản phẩm trong năm 2018.

FPTS đánh giá công ty có thể sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị THEO DÕI với cổ phiếu VGS với những luận điểm đầu tư:

Thương hiệu truyền thống và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Trong tuần này, cổ phiếu VGS có phiên giảm đầu tuần (-2,7%), và phục hồi ngay sau đó (1,9%) và đứng tham chiếu trước khi tăng nhẹ 0,9% trong phiên cuối tuần. Thanh khoản khớp lệnh khoảng 100.000 đến hơn 200.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, cổ phiếu VGS không đổi ở mức 11.100 đồng/cổ phiếu.

BSC khuyến nghị tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu TDC

Xu hướng hiện tại: Tích lũy ngắn hạn

- Chỉ báo MACD: Có xu hướng hội tụ lên và bám sát đường tín hiệu

- Chỉ báo RSI: Giao động trong biên độ 50 - 70

Nhận định: TDC đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn với biên độ co hẹp dần xung quanh đường SMA 20 sau khi tiếp cận vùng đỉnh cũ ở mức 9.400.

So sánh với mức độ điều chỉnh mạnh của thị trường gần đây, giá cổ phiếu TDC tương đối ổn định.

Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy TDC đang trong xu hướng tích lũy tốt.

Khuyến nghị: Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu.

Trong trường hợp giá cổ phiếu bứt phá được ngưỡng kháng cự ở mức 9.400 với thanh khoản tốt, giá mục tiêu sẽ là 10.600 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu TDC giao dịch thiếu điểm nhấn, khi các phiên tăng giảm chỉ ở biên độ nhỏ, cụ thể 1 phiên tăng 1,1%, 2 phiên giảm (-1%; -0,1%) kèm 1 phiên đứng tham chiếu đầu tuần.

Thanh khoản khớp lệnh trồi sụt, khi phiên cao nhất có hơn 660.000 đơn vị, phiên thấp nhất có 186.000 đơn vị.

Chốt tuần, TDC không đổi ở mức 9.000 đồng/cổ phiếu.

VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu NT2 với giá mục tiêu 40.800 đồng

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA cho CTCP Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) với tổng mức sinh lời 36,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 9,4%.

Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 4,7% do phần bù rủi ro thị trường cao hơn trong mô hình định giá Chiết khấu Dòng tiền của chúng tôi.

LNST thường xuyên quý I phù hợp với dự báo của chúng tôi và lợi nhuận quý 2 được kỳ vọng sẽ tích cực do thời tiết khô nóng.

Lợi nhuận năm 2019 sẽ còn tốt hơn với sản lượng điện bán hứa hẹn sẽ tăng cao hơn do tăng trưởng công suất trong nước chậm, thấp hơn 1/3 so với tăng trưởng nhu cầu.

NT2 hiện đang giao dịch với P/E thường xuyên dự phóng 2018 là 9,5 lần, thấp hơn 31,7% so với các công ty cùng ngành, dù NT2 vượt trội hơn trong các chỉ số. Tỷ lệ cổ tức ổn định 9,4% là rất hấp dẫn.

Trong tuần này, cổ phiếu NT2 có tới 3 phiên giảm (-5,4%; -0,9%; -0,6%) và 1 phiên tăng ngày 24/4 (4,9%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 200.000 đến hơn 400.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, NT2 giảm từ 32.250 đồng xuống 31.500 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,3%.

FPTS khuyến nghị theo dõi với cổ phiếu DAG

Doanh thu năm 2017 đạt 1,645 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 59 tỉ đồng tương đương với tỉ lệ tăng trưởng lần lượt 18% và 12% so với năm 2016.

Nguyên nhân chủ yếu đền từ việc nhà máy sản xuất thanh profile (cửa nhựa) uPVC tại Châu Sơn, Hà Nam đi vào hoạt động cuối năm 2016.

Thông qua phương án phát hành cho cổ đông chiến lược và ESOP. Nguồn vốn thu được từ hai đợt phát hành sẽ phục vụ cho việc đầu tư mở rộng sản xuất của công ty.

Trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 10%. Đại hội đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2017 với tỉ lệ 10% trong đó 5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu dự kiến thực hiện trong quý 2 – quý 3 năm 2018.

Nguồn tiền trả cổ tức sẽ lấy từ quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.

Nhà máy thanh profile uPVC tại Hà Nam sẽ là động lực tăng trưởng chính của DAG trong thời gian tới.

Nhà máy đi vào hoạt động cuối năm 2016 với 17 dây chuyền, công suất khoảng 41.000 tấn sản phẩm/năm. DAG có kế hoạch sẽ mở rộng công suất của nhà máy trong năm 2018 và thực hiện mở rộng thị trường phía Nam.

Kế hoạch doanh thu thuần năm 2018 là 1.910 tỷ đồng (+16%yoy) và lợi nhuận sau thuế là 95 tỷ đồng (+60% yoy). Chúng tôi đánh giá DAG có khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2018 do:

(1) Động lực tăng trưởng từ nhà máy thanh profile uPVC Hà Nam.

(2) Đa dạng hóa sản phẩm với các dòng sản phẩm mới như tấm fomex, thanh profile uPVC phủ màu và vân gỗ.

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị THEO DÕI với cổ phiếu DAG với những luận điểm sau:

- Thị phần thanh profile uPVC vẫn duy trì được thị phần tương đối lớn (35 – 40% thị phần miền Bắc và 20% thị phần cả nước).

- Nhà máy Hà Nam mở rộng công suất tạo động lực tăng trưởng doanh thu lợi nhuận. Các yếu tố cần theo dõi:

- Biến động giá nguyên liệu PVC đầu vào

- Tình hình cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

- Rủi ro pha loãng từ kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược.

Trong tuần này, cổ phiếu DAG có phiên giảm mạnh đầu tuần (-5,9%) và sau đó 3 phiên còn lại chỉ phục hồi nhẹ (0,8%; 1,7%; 0,6%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 150.000 đến 320.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, DAG giảm từ 8.190 đồng xuống 7.950 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,93%.

ACBS cho rằng giá cổ phiếu FRT không rẻ trong bối cảnh ngành bán lẻ điện thoại đang hạ nhiệt

Trong khi chờ đợi kết quả của mảng kinh doanh mới, công ty đã có những nỗ lực để thích ứng với giai đoạn thị trường bắt đầu bão hòa. Tuy nhiên, các mảng kinh doanh mới mới là động lực tăng trưởng cho tương lai.

Với mức giá tham chiếu là 125.000 đồng/cổ phiếu và EPS 2018 mà chúng tôi ước tính sơ bộ là 9.116 đồng/cổ phiếu (dựa trên số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 40 triệu), cổ phiếu FRT được giao dịch ở mức P/E ~ 13,7 lần, không rẻ trong bối cảnh ngành bán lẻ điện thoại đang hạ nhiệt và cũng cao hơn một chút so với MWG.

FRT mới lên sàn HOSE trong tuần này từ ngày 26/4 với giá tham chiếu 125.000 đôngc/cổ phiếu, và có khởi đầu như mơ khi cả 2 phiên đều tăng kịch trần.

Phiên đầu tiên +20% biên độ cho phép, phiên cuối tuần +7%, lên 160.500 đồng, thanh khoản khớp lệnh lần lượt 984.000 đơn vị và 2,52 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan