Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Tuần giao dịch vừa qua khép lại với điểm nhấn điều chỉnh sâu của VN-Index với 3 phiên mất điểm, trong đó có phiên mất hơn 31 điểm và chốt tuần lùi xuống dưới 1.160 điểm, thì nhóm cổ phiếu được các công ty chứng khoán khuyến nghị mua/bán đa số đều mất điểm, trong đó sụt giảm lớn nhất là nhóm CTG, PDR, HSG và PLX.

BSC khuyến nghị mua cổ phiếu PDR tại mức giá từ 42.500 đến 43.400 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: tăng giá dài hạn

- Chỉ báo MACD: phân kỳ bên trên đường tín hiệu

- Chỉ báo RSI: tăng, vượt ngưỡng kháng cự

- Chỉ báo OBV: tăng

Nhận định: PDR đang trong xu hướng tăng giá dài hạn. Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu PDR đã vượt ngưỡng kháng cự 41.5 với giá trị thanh khoản tốt.

Hiện tại, PDR đang trong nhịp tăng giá sóng 3 Elliott. Các chỉ báo kỹ thuật tích cực cho thấy khả năng tiếp tục xu hướng tăng giá dài hạn của cổ phiếu. Kỳ vọng PDR sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.

Khuyến nghị: Giá mua: 42.500 – 43.400. Giá mục tiêu gần là 46.900. Trong trường hợp giá cổ phiếu tăng vượt ngưỡng này, PDR sẽ trong sóng 3 mở rộng với giá mục tiêu 50.000. Cắt lỗ: mất ngưỡng hỗ trợ 40.000 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần qua, cổ phiếu PDR giao dịch thất bại, khi cả 5 phiên đều giảm điểm (-0,2%; -0,3%; -3%; -2,9%; - 3,2%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 1 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, PDR giảm từ 43.400 đồng xuống 39.300 đồng/cổ phiếu, tương đương – 9,45%.

MBS khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 70.000 đồng

- Kế hoạch kinh doanh 2018 với doanh thu 21.900 tỷ đồng và LNTT 3.484 tỷ đồng, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.

- Kết quả kinh doanh 2017 khả quan với 42.650 tỷ đồng doanh thu và 3.528 tỷ đồng LNST. Lợi nhuận tăng mạnh nhờ thoái vốn tại FRT và FTG.

- TPBank niêm yết – Thông tin hỗ trợ triển vọng FPT ngắn hạn.

- Tiềm năng từ xuất khẩu phần mềm & thị trường viễn thông trong nước lớn.

- Chúng tôi dự phóng năm 2018 FPT đạt doanh thu 21.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 2.187 tỷ đồng. EPS 2018 ước đạt 3.582 đồng.

Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 70.000 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, cổ phiếu FPT có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Trong đó, 2 phiên tăng đầu tuần (1,1%; 1,6%) sau đó điều chỉnh (-2,2%) và lấy lại +1% trong phiên tiếp theo, trước khi giảm 2,5% trong phiên cuối tuần.

 Thanh khoản khớp lệnh có có phiên lên tới 4,5 triệu đơn vị, phiên thấp nhất cũng có hơn 1,3 triệu đơn vị.

Chốt tuần, FPT giảm từ 62.700 đồng xuống 62.000 đồng/cổ phiếu, tương đương – 1,1%.

VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 172.900 đồng

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã công bố ngày chốt quyền cho cổ tức tiền mặt 1.500 đồng/CP (lợi suất cổ tức 1,4%) cho năm 2017 là ngày 26/04/2018. Ngày thanh toán là ngày 11/05/2018.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị MUA đối với MWG với giá mục tiêu 172.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời 65,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,4%.

Trong tuần này, MWG có 3 phiên liên tiếp giảm từ đầu tuần (-1,8%; -2,3%; - 1,2%) trước phục hồi trong 2 phiên còn lại (3,7%; 1,8%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 500.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, MWG chỉ tăng nhẹ từ 105.300 đồng lên 105.400 đồng/cổ phiếu.

VCSC nâng giá mục tiêu cổ phiếu TLG lên 116.700 đồng

Chúng tôi nâng khuyến nghị cho CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG) lên KHẢ QUAN và nâng giá mục tiêu thêm 6% lên 116.700 đồng.

Triển vọng cơ bản của chúng tôi cho TLG vẫn duy trì không đổi nhưng giá mục tiêu mới được tăng lên nhờ lãi suất phi rủi ro thấp hơn và hệ số P/E so sánh từ các công ty cùng ngành cao hơn.

Bút viết và văn phòng phẩm tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của công ty trong năm 2017, trong khi doanh số xuất khẩu dụng cụ mỹ thuật giảm khi một số đơn hàng OEM từ khách hàng Mỹ bị mất.

Chúng tôi dư báo tăng trưởng doanh thu 18% năm 2018, đến từ tăng trưởng lành mạnh của mảng bút viết và văn phòng phẩm, cùng với sự phục hồi của doanh số xuất khẩu dụng cụ mỹ thuật.

Chúng tôi dự phóng biên LN gộp 36,6% năm 2018, giảm nhẹ so với mức trước đây vì giá nhựa tiếp phục hồi trong năm 2018.

Do đó chúng tôi dự phòng LNST sau lợi ích CĐTS sẽ tăng 10% năm 2018 đạt 294 tỷ đồng.

Nhà máy Nam Thiên Long và dự án R&D (Nghiên cứu & Phát triển) đầu bút bi sẽ hỗ trợ tăng trưởng dài hạn.

Định giá tỏ ra hấp dẫn với P/E 2018 đạt 19 lần, phản ánh triển vọng tăng trưởng ổn định và nền tảng cơ bản vững chắc.

Chúng tôi khuyến nghị cổ phiếu TLG cho các nhà NĐT dài hạn, tìm kiếm các cổ phiếu ổn định và an toàn.

Trong tuần này, TLG giao dịch thất bại, với 4 phiên giảm liên tiếp (-0,1%; -0,5%; -0,5%; - 0,5%) và chỉ kịp đứng tham chiếu trong phiên cuối tuần. Thanh khoản hầu như không có, khi chỉ từ 30 đến hơn 200 đơn vị được khớp lệnh, trừ phiên 13/4 có 3.850 đơn vị.

Chốt tuần, TLG giảm từ 99.100 đồng xuống 97.500 đồng, tương đương – 1,6%.

BSC khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu CTG với giá mục tiêu 41.900 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tăng giá trung hạn và ngắn hạn

- Chỉ báo xu hướng MACD: Phân kỳ âm với nền giá

- Chỉ báo RSI: Tiếp cận vùng quá mua

Nhận định: CTG đã hoàn thành quá trình tích lũy ngắn hạn sau 2 tháng quanh vùng giá 36.000 đồng. Phiên giao dịch hôm nay chứng kiến CTG breakout đỉnh cũ 37.350 đồng với thanh khoản tăng mạnh.

Đây là tín hiệu rất tốt sau giai đoạn tích lũy của CTG với nền giá phân kỳ đường khối lượng giao dịch. CTG sẽ tiếp tục sóng 5 Elliott mở rộng với ngưỡng kháng cự mới tại vùng Fibonacci 161,8%.

Khuyến nghị: Nắm giữ CTG với giá mục tiêu là ngưỡng kháng cự tiếp theo tại 41.900 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, CTG giao dịch thất bại, với chỉ 1 phiên tăng đầu tuần, và 3 phiên giảm (-1,1%; -4,3%; - 4,2%) cùng 1 phiên đứng tham chiếu xen giữa. Thanh khoản khớp lệnh luôn ở mức cao, tổng cộng hơn 43 triệu đơn vị.

Chốt tuần, CTG giảm từ 37.700 đồng xuống 34.200 đồng/cổ phiếu, tương đương -9,3%.

FPTS đánh giá khả quan đối với cổ phiếu TCM

Doanh thu năm 2017 đạt 3.209 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với năm 2016, với sản lượng mảng sợi đạt 13.213 tấn (-15% yoy) nhưng mảng vải tăng trưởng tốt với xấp xỉ 7 triệu mét vải dệt thoi và 7.672 tấn vải dệt kim (+11% yoy), đặc biệt là vải chất lượng cao xuất khẩu sang Nhật Bản.

Lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt mức cao kỷ lục 192 tỷ đồng (+67% yoy) c

Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2018 (3.166 tỷ đồng và 189 tỷ đồng) được đánh giá tương đối thận trọng so với thực tế năm 2017 (3.209 tỷ đồng và 192 tỷ đồng).

Chúng tôi đưa ra đánh giá KHẢ QUAN đối với Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) với những luận điểm sau:

- Là một trong số ít các doanh nghiệp trong ngành dệt may có chuỗi sản xuất khép kín có thể đón đầu cơ hội từ CPTPP.

- Tỷ lệ lợi nhuận gộp cải thiện nhờ gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi.

- Chuyển nhượng tài sản tiếp tục hỗ trợ lợi nhuận.

Trong tuần này, TCM có 3 phiên giảm (-3,1%; -2,1%; -0,9%) và 2 phiên tăng xen lẫn (1,1%; 1,7%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 200.000 đến 400.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, TCM giảm từ 24.100 đồng xuống 23.300 đồng, tương đương – 3,3%.

VCSC: P/E 2018 của CSV là 8,3 lần, thấp hơn 50% so với các công ty cùng ngành

Doanh thu và LNST của CSV năm 2017 đã tăng lần lượt 4,9% và 41%, do mức tăng giá 15% của xút, chi phí khấu hao/phân bổ giảm 48,9 tỷ đồng, và hoàn nhập 27,8 tỷ đồng.

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu sẽ tăng 1,9% và LNST giảm 4,1% trong 2018, chủ yếu do hạn chế công suất, nhưng sẽ được giải quyết bởi nhà máy mới đi vào hoạt động trong quý II/2019.

Dù có mô hình bán hàng B2B (bán hàng cho doanh nghiệp) ổn định, quy định về vấn đề môi trường thắt chặt hơn tại Trung Quốc có thể sẽ khiến giá các hóa chất của CSV tăng cao hơn, đặc biệt là giá xút, và gia tăng mức sinh lời của công ty.

Định giá hiện đang khá thấp với khả năng thoái vốn của Vinachem và thoái vốn khỏi nhà máy Phospho Việt Nam của CSV.  P/E 2018 của CSV là 8,3 lần, thấp hơn 50% so với các công ty cùng ngành.

Trong tuần này, CSV chỉ có 1 phiên tăng duy nhất vào phiên 11/4, còn lại 3 phiên giảm (-3,3%; -0,3%; -0,5%) cùng một phiên đứng tham chiếu đầu tuần. Thanh khoản khớp lệnh chưa đến 100.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, CSV giảm từ 40.400 đồng xuống 39.000 đồng/cổ phiếu, tương đương – 3,4%.

BSC: SHB sẽ hình thành xu hướng tăng mới với giá mục tiêu 16.000 đồng/cổ phiếu

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: tăng giá dài hạn, tích lũy trung hạn

- Chỉ báo MACD: hội tụ với đường tín hiệu từ dưới lên

- Chỉ báo RSI: dao động đi ngang trong biên độ 50 – 65

- Chỉ báo OBV: tăng

Nhận định: SHB đang trong xu hướng tích lũy trung hạn thử thách ngưỡng kháng cự 40, với biên độ hẹp dần và tạo đáy sau cao hơn đáy trước, hình thành mô hình tam giác, sau một đợt tăng giá mạnh. Các tín hiệu kỹ thuật cho thấy SHB đang trong quá trình tích lũy tốt

Khuyến nghị: Nếu SHB vượt ngưỡng kháng cự 40 thành công với thanh khoản tốt, sẽ hình thành xu hướng tăng mới với giá mục tiêu 16.000 đồng.

Trong trường hợp không vượt đỉnh thành công, SHB có thể sẽ điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 12.600 đồng/cổ phiếu.

Trong tuần này, SHB có 2 phiên tăng liên tiếp từ đầu tuần (1,5%; 1,5%) sau đó điều chỉnh (-1,5%) và đứng tham chiếu trong phiên tiếp theo trước khi phiên chốt tuần mất -2,2%. Thanh khoản luôn dẫn đầu HNX với tổng cộng hơn 98 triệu đơn vị.

Chốt tuần, SHB giảm nhẹ từ 13.300 đồng xuống 13.200 đồng/cổ phiếu, tương đương -0,75%.

FPTS khuyến nghị mua cổ phiếu DCM

Doanh thu năm 2017 của DCM đạt 5.747 tỷ đồng, tăng 27%yoy: Giai đoạn 2017, doanh thu thuần tăng từ 4.047 tỷ đồng lên 5.747 tỷ đồng, cái CAGR là 5,9%/năm, riêng năm 2017 tăng trưởng 17%yoy với động lực chủ yếu từ giá phân Ure đầu ra tăng 9% và lượng tiêu thụ tăng 10%.

Trong tuần này, DCM chỉ có một phiên tăng duy nhất đầu tuần (0,4%) sau đó là 4 phiên liên tiếp giảm (-0,8%; -2,7%; -1,2%; -0,8%). Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất có 1 triệu đơn vị, phiên thấp nhất có hơn 270.000 đơn vị.

Chốt tuần, DCM giảm từ 13.100 đồng xuống 12.450 đồng/cổ phiếu, tương đương – 4,96%.

VCSC Khuyến nghị mua cổ phiếu NT2 và PC1

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tiêu thụ điện trong Quý 1 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, EVN dự báo tiêu thụ điện sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 12,5% trong Quý II/2018 và sẵn sàng huy động các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu dầu/diesel dù chi phí rất cao (3.000-4.000VND/kWh, gấp 2-2,7 lần so với các nhà máy điện than hoặc khí như NT2, PPC, Vũng Áng và Nhơn Trạch 1).

Vì vậy, quý II là thời điểm thuận lợi cho các nhà máy nhiệt điện trong danh mục của chúng tôi để hoạt động với công suất cao và có lợi nhuận tích cực.

Ngoài ra, EVN còn dự kiến khởi công xây dựng đường truyền quốc gia 500kV thứ ba trong Quý 2/2018, mở ra cơ hội cho PC1.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị MUA dành cho NT2 (tổng mức sinh lời 44%, bao gồm lợi suất cổ tức 9,4%, P/E sản xuất điện 2018 là 9,4 lần, thấp hơn 30,4% so với các công ty khác trong ngành) và POW (tổng mức sinh lời 24,4%, EV/EBITDA 6,6 lần, thấp hơn 32% so với các công ty khác trong ngành.

Trong tuần này, cổ phiếu NT2 chỉ có 1 phiên tăng vào 12/4, và 1 phiên đứng tham chiếu trước đó (11/4), còn lại 3 phiên giảm (-3,6%; -1,6%; -1,2%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 200.000 đến 600.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, NT2 giảm từ 33.000 đồng xuống 31.600 đồng/cổ phiếu, tương đương -4,2%.

Chúng tôi cũng đưa ra khuyến nghị MUA đối với PC1 với tổng mức sinh lời 20,8%. Đồng thời, chúng tôi chưa đưa ra khuyến nghị cho PPC nhưng ước tính công ty hiện đang giao dịch tại mức P/E 7 lần theo EPS hợp nhất 2018 và lợi suất cổ tức 12,2%

Trong tuần này, PC1 giao dịch kém với 4 phiên liên tiếp từ đầu tuần giảm (-0,2%; -0,2%; -0,6%; -0,9%) và phiên cuối tuần đứng tham chiếu. Thanh khoản khớp lệnh từ 14.000 đến hơn 100.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, PC1 giảm từ 32.000 đồng xuống 31.400 đồng, tương đương -1,87%.

VCSC khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu VIC

CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa chính thức công bố tham gia lĩnh vực dược phẩm với thương hiệu mới “Vinfa”.

Công ty có kế hoạch tập trung vào nghiên cứu và phát triển các bài thuốc Đông y cổ truyền có nguồn gốc từ dược liệu quý cũng như dược phẩm Tây y, với mục tiêu ban đầu là phục vụ thị trường trong nước, nhưng cũng hướng đến khả năng xuất khẩu. Vinfa cũng sẽ tập trung vào các mảng sản xuất Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Vaccine và Thiết bị y tế với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

VIC đã bước đầu đầu tư xây dựng dự án “Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Thuốc Vinfa” với diện tích 10ha tại tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đầu 2,2 nghìn tỷ đồng. Công ty đặt kế hoạch sẽ hoàn thành dự án vào quý 3/2018.

Triển vọng ngành dài hạn là khá tiềm năng khi Việt Nam vẫn được xem là một trong những quốc gia đang phát triển trong thị trường dược phẩm với sự mở rộng dân số thành thị nhanh chóng.

Theo BMI, quy mô thị trường dược phẩm ước tính đạt 5 tỷ USD trong năm 2017 và ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 10% giai đoạn 2017-2021.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cạnh tranh trong thị trường là khá lớn và phụ thuộc lớn vào thuốc nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao.

Các thách thức cho các công ty trong nước bao gồm nhận được các tiêu chuẩn sản xuất hàng đầu như GMP-EU thay vì tiêu chuẩn phổ biến là GMP-WHO, nhằm có vị thế tốt trong kênh phân phối cho các bệnh viện, cũng như đầu tư lớn cho kênh phân phối OTC.

Chúng tôi cho rằng Vinfa sẽ là ngành kinh doanh bổ trợ cho hệ sinh thái sản phẩm VIC khi mảng kinh doanh này sẽ hưởng lợi từ sự tích hợp các mảng kinh doanh khách của Tập đoàn, đặc biệt là cơ sở vật chất của Vinmec, cũng như dịch vụ Y tế với công suất hơn 1.000 giường bệnh.

Dù vậy, chúng tôi không cho rằng Vinfa sẽ có tác động đáng kể đến dự báo lợi nhuận hoặc định giá của VIC trong tương lai gần, khi tính đến đóng góp khiêm tốn so với các ngành kinh doanh khác của VIC.

Trong trung hạn, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với VIC đến từ doanh số bán BĐS nhà ở ổn định và mảng kinh doanh cho thuê mặt bằng bán lẻ. Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị KHẢ QUAN cho VIC với tổng mức sinh lời 18,6%

Trong tuần qua, cổ phiếu VIC có phiên tăng đầu tuần (1,9%) sau đó giảm liên tiếp 2 phiên sau (-2,9%; -3,8%) và chỉ hồi nhẹ trong 2 phiên còn lại (0,8%; 0,5%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 3 triệu đến 4,5 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, VIC giảm từ 131.000 đồng xuống 127.600 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,6%.

MBS khuyến nghị mua cổ phiếu AAA

AAA đặt kế hoạch kinh doanh năm 2018 với doanh thu 6.000 tỷ đồng (+47,7%yoy) và lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng (+25,5%yoy), tương đương biên lợi nhuận đạt 5,5%. Cổ tức dự kiến 20% bằng tiền mặt.

Chúng tôi khuyến nghị Mua đối với cổ phiếu AAA của Công ty Cổ phần Nhựa và môi trường xanh An Phát với mức định giá 26.300 đồng/cổ phiếu, với tiềm năng tăng giá ~19,54% so với giá 22.000 đồng/cổ phiếu ngày 10/04/2018 trên cở sở:

- An Phát là doanh nghiệp sản xuất bao bì mỏng hàng đầu Việt Nam với nhiều năm kinh nghiệm. 

- AAA đang là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất thành công bao bì tự hủy sinh học.

- Kết quả kinh doanh cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây.

- Triển vọng kinh doanh tăng trưởng mạnh đến từ nhà máy mới và thị trường mới.

- Tỷ lệ chia cổ tức hấp dẫn với dự kiến 15-20% bằng tiền trong năm 2018.

Trong tuần này, AAA có phiên tăng trần ấn tượng đầu tuần (6,8%) và tiếp tục +3,3% trong phiên tiếp theo, nhưng sau đó đã điều chỉnh giảm cả 3 phiên còn lại (-3,9%; -1,7%; -1%). Thanh khoản khớp lệnh 2 phiên tăng từ 1,3 triệu đến 1,6 triệu đơn vị, các phiên còn lại từ 400.000 đến hơn 700.000 đơn vị.

Chốt tuần, AAA tăng từ 19.950 đồng lên 20.600 đồng/cổ phiếu, tương đương +3,25%.

FPTS khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu VIP

Doanh thu năm 2017 đạt 729 tỷ đồng, tăng trưởng 15.5% so với năm 2016, với tăng trưởng mạnh từ mảng vận tải xăng dầu đạt 564 tỷ đồng (+24.2% yoy). Lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt mức 98.8 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2016.

Hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp đã từng phần được thực hiện trong năm 2017, hoàn thành sáp nhập Công ty TNHH MTV Bất động sản VIPCO vào Công ty mẹ tháng 8/2017. Năm 2018 tiếp tục là năm tái cấu trúc với các quyết định thoái vốn tại Trường cao đẳng Duyên Hải.

Luận điểm đầu tư:

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị THEO DÕI đối với Công ty Cổ phần vận tải xăng dầu VIPCO với những luận điểm sau:

- Doanh nghiệp đang được bao tiêu bởi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Việc ký hợp đồng định hạn với tàu của Tập đoàn giúp doanh nghiệp kiểm soát và tiết giảm được chi phí.

- Động thái thoái vốn vào các hoạt động không mang lại hiệu quả chứng tỏ hướng đi tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi – vận tải xăng dầu.

Trong tuần này, VIP giao dịch thất bại khi cả 5 phiên đều giảm (-0,8%; -0,5%; -0,8%; -0,5%; -1,4%). Thanh khoản khớp lệnh đều dưới 100.000 đơn vị, phiên thấp nhất chỉ có hơn 7.600 đơn vị.

Chốt tuần, VIP giảm từ 7.600 đồng xuống 7.300 đồng/cổ phiếu, tương đương -3,94%.

VCSC khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu PLX

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) cho biết ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT, sẽ thôi đại diện phần vốn Nhà nước, thôi phụ trách bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại PLX và nghỉ hưu để hưởng chế độ từ 1/5/2018.

Hiện vẫn chưa có thông tin về chủ tịch HĐQT mới nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ có những thông tin mới trong ĐHCĐ sắp tới ngày 27/04/2018.

 Ông Bảo là một lãnh đạo lớn trong ngành xăng dầu và là một nhân vật quan trọng tại PLX. Ông đã có những đóng góp đáng kể đối với ngành xăng dầu, đặc biệt là Nghị định 83.

Ông là một trong những nhân vật chủ chốt dẫn dắt công ty đến thành công hiện nay và hiện tích cực tham gia vào việc phát triển chiến lược và hoạt động của PLX.

Tuy nhiên, vì việc về hưu của ông đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi cho rằng sự kiện này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động của công ty.

Chúng tôi hiện đưa ra giá mục tiêu 70.900/cổ phiếu dành cho PLX với khuyến nghị KÉM KHẢ QUAN và tổng mức sinh lời -10,3% (bao gồm lợi suất cổ tức 4,3%). Theo giá đóng cửa phiên 10/4, PLX hiện đang giao dịch tại mức P/E 2018 là 22,9 lần và P/B là 4,7 lần.

Trong tuần này, PLX chỉ có 2 phiên tăng (0,5%; 1,3%) xen giữa là 3 phiên giảm (-0,5%; -4,8%; -4,4%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 500.000 đến 1 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, PLX giảm từ 83.000 đồng xuống 76.500 đồng/cổ phiếu, tương đương -7,83%.

BVSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VNE với giá mục tiêu 11.800 đồng

VNE là một trong vài doanh nghiệp xây lắp điện hàng đầu Việt Nam. Sau giai đoạn xáo trộn do bị thâu tóm, hoạt động kinh doanh của VNE đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng khi nhóm thâu tóm rút lui và Ban lãnh đạo cũ quay trở lại.

Với sự trở lại của Ban lãnh đạo cũ, VNE tiếp tục định hướng định hướng tái cấu trúc doanh nghiệp là thoái vốn ra khỏi các dự án BĐS cũng như các công ty con và công ty liên kết kém hiệu quả để tập trung vào thế mạnh là xây lắp điện và năng lượng từ đó giúp cho công ty có thể tăng trưởng và ổn định hơn trong tương lai.

Cùng với đó thì LNST năm 2018 được dự báo tăng trưởng xấp xỉ 100% nhờ thoái vốn từ Khách sạn Xanh Huế.

Vì vậy chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu VNE với mức giá mục tiêu cho năm 2018 là 11.800 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng trưởng 56% so với mức giá đóng cửa ngày 11/04/2018 là 7.550 đồng/cổ phiếu).

Trong tuần này, VNE có 3 phiên giảm liên tiếp từ đầu tuần (-4,9%; -4,4%; -3,2%) và hồi phục 2 phiên sau đó (2,8%; 3%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, VNE giảm từ 8.580 đồng xuống 7.990 đồng/cổ phiếu, tương đương -6,87%.

PHS: Mức giá hợp lý của PVT là 26.000 đồng

Với kỳ vọng việc nhà máy lọc dầu Dung Quất không bước vào đợt bảo trì định kỳ như trong năm 2017, đồng thời nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được dự kiến sẽ ra những sản phẩm đầu tiên vào quý IV/2018, chúng tôi kỳ vọng KQKD của PVT trong năm 2018 sẽ tăng trưởng trở lại trong năm nay.

Đồng thời nhu cầu vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện trong năm nay sẽ tích cực hơn cùng với mối quan hệ giữa PVN và EVN, PVT có thể sẽ tiếp tục nhận được các hợp đồng vận chuyển này.

Định giá và khuyến nghị: Bằng phương pháp so sánh P/E với ngành là 14x, chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý của PVT là 26.000/cổ phiếu.

Trong tuần qua, PVT có 2 phiên giảm từ đầu tuần (-0,9%; -4,3%) sau đó tăng trở lại 2 phiên tiếp theo (0,5%; 2%) và phiên cuối tuần mất -1,5%. Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 700.000 đến 900.000 đơn vị/phiên, riêng phiên cuối tuần chỉ có hơn 364.000 đơn vị.

Chốt tuần, PVT giam từ 21.100 đồng xuống 20.200 đồng/cổ phiếu, tương đương – 4,26%.

VCSC khuyến nghị giá mục tiêu 30.000 đồng/cổ phiếu cho DQC

CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) đã công bố kế hoạch doanh thu và LNTT năm 2018 lần lượt là 1,16 nghìn tỷ đồng (+9,8% so với 2017) và 150 tỷ đồng (+11,1% so với 2017).

Trong khi kế hoạch doanh thu của DQC là khá phù hợp với dự báo của chúng tôi, mục tiêu LNTT lại cao hơn nhiều so với dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi hiện đang dự phóng LNTT 97 tỷ đồng cho DQC năm 2018, giảm 28% so với 2017, do mức chiết khấu và khuyến mãi cao hơn cũng như chi phí mở rộng đội ngũ bán hàng trong khi thu nhập lãi sẽ giảm từ mức cơ sở cao năm 2017.

Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm với ban lãnh đạo công ty về nguyên nhân của chênh lệch dự báo này.

Dù vậy, khả năng điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận bao gồm (1) biên LN cao hơn dự báo của dòng sản phẩm LED mới có giá thành rẻ hơn của DQC và (2) lợi nhuận bất thường từ thoái vốn khỏi các tài sản ngoài cốt lõi như cổ phiếu và BĐS.

Liên quan đến đầu tư cổ phiếu, dựa theo giá thị trường hiện tại, chúng tôi ước tính tổng lợi nhuận trước thuế vào khoảng 30 tỷ đồng cho danh mục đầu tư của DQC.

Theo ban lãnh đạo, DQC đã một phần thoái vốn khỏi lượng nắm giữ này trong quý I/2018, tạo ra lãi trước thuế ước tính 10 tỷ đồng.

Trong khi khoản lợi nhuận bất thưởng từ thoái vốn khỏi các hoạt động không cốt lõi là khá lớn so với lợi nhuận cốt lõi của DQC, diễn biến này sẽ không tác động đáng kể đến định giá của chúng tôi.

Chúng tôi hiện đang khuyến nghị giá mục tiêu 30.000 đồng/cổ phiếu cho DQC, tương ứng với tổng mức sinh lời -5,1% bao gồm lợi suất cổ tức 4,2% dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Trong tuần này, DQC đứng tham chiếu phiên đầu tuần, sau đó giảm 2 phiên (-1,1%; -6,2%) và hồi phục 2 phiên còn lại (4,8%; 0,3%). Thanh khoản khớp lệnh chỉ từ 23.000 đến 50.000 đơn vị/phiên, riêng phiên cuối tuần chỉ có gần 3.000 đơn vị.

Chốt tuần, DQC giảm từ 35.700 đồng xuống 34.800 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,52%.

VCSC khuyến nghị giá mục tiêu 14.100 đồng/cổ phiếu cho GTN

Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2018, CTCP GTNFoods (GTN) đặt mục tiêu LNST sau lợi ích CĐTS 165 tỷ đồng, bao gồm xấp xỉ 100 tỷ đồng lãi tài chính từ thoái vốn khỏi các tài sản ngoài cốt lõi (chủ yếu là BĐS).

Con số này tương ứng với tăng trưởng LNST sau lợi ích CĐTS thường xuyên và báo cáo lần lượt 62% và 312% trong năm 2018 so với 2017.

Theo cơ sở thường xuyên, kế hoạch của GTN phần lớn phù hợp với dự phóng hiện tại của chúng tôi là 60 tỷ đồng LNST sau lợi ích CĐTS trong năm 2018.

Chúng tôi hiện chưa ghi nhận lợi nhuận bất thường vào dự phóng của chúng tôi khi chúng tôi sẽ chờ đợi đến khi các giao dịch được diễn ra. Tác động của các khoản thoái vốn này đến định giá của chúng tôi là không đáng kể.

Tuy nhiên, diễn biến này sẽ giúp giải phóng dòn tiền để GTN tái đầu tư vào các mảng kinh doanh cốt lõi (sữa và trà) hoặc gia tăng sở hữu của tại công ty con là Sữa Mộc Châu, vốn là yếu tố tạo ra lợi nhuận chính cho GTN.

Chúng tôi hiện đang khuyến nghị giá mục tiêu 14.100 đồng cho GTN, tương ứng với tỷ lệ tăng 28,2%.

Trong tuần này, GTN có 3 phiên liên tiếp giảm từ đầu tuần (-0,4%; -3,4%; -3,5%) sau đó 2 phiên còn lại tăng (0,9%; 0,5%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 360.000 đến 1 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, GTN giảm từ 11.850 đồng xuống 11.150 đồng/cổ phiếu, tương đương -5,9%.

VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường cho cổ phiếu HSG

Chúng tôi giữ khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) nhưng điều chỉnh giảm giá mục tiêu 21% (tương ứng từ 25.400 đồng xuống 20.000 đồng/cổ phiếu).

Vì trong thời gian qua biên lợi nhuận tiếp tục giảm và các chỉ số cơ bản của công ty xấu đi, chúng tôi cho rằng triển vọng cổ phiếu công ty không còn khả quan như trước.

KQLN Quý I/2018 gây thất vọng với lợi nhuận giảm mạnh 24% do biên lợi nhuận gộp giảm, trong khi tỷ lệ đòn bẩy và chi phí lãi vay tăng mạnh nên làm ảnh hưởng đến KQKD mặc dù tăng trưởng sản lượng bán ra đều lành mạnh ở tất cả các mảng sản phẩm.

Vì KQLN Quý I/2018 thấp hơn so với kỳ vọng, chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo biên lợi nhuận gộp, đồng thời điều chỉnh tăng dự báo chi phí lãi vay vì dư nợ tăng mạnh.

Chúng tôi dự báo LNST 2018 sẽ giảm 2% thay cho dự báo tăng 16% trước đây do cạnh tranh tại thị trường trong nước ngày càng gay gắt, rủi ro chiến tranh thương mại, chi phí thép cán nóng và chi phí lãi vay tăng.

Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với thép dự kiến sẽ không ảnh hưởng đáng kể đối với HSG vì công ty chỉ xuất khẩu 5% sản lượng sang nước này.

Ngoài triển vọng lợi nhuận kém tích cực, chúng tôi lưu ý rằng việc HSG có lượng lớn hàng tồn kho, dòng tiền hoạt động kinh doanh giảm và tỷ lệ đòn bẩy gia tăng làm ảnh hưởng đến luận điểm đầu tư vào HSG.

Định giá tại mức 6,3 lần 2018 là cao trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận kém khả quan và tình hình tài chính của HSG kém đi.

Trong tuần này, HSG chỉ có 1 phiên tăng duy nhất đầu tuần (1,8%), sau đó cả 4 phiên còn lại đều giảm (-0,9%; -3,3%; -3,9%; -6%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 2 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, HSG giảm từ 22.400 đồng xuống 19.750 đồng/cổ phiếu, tương đương – 11,8%.

Tin bài liên quan