Thị trường đang thiết lập một mặt bằng giá mới khi nhiều mã giảm điểm mạnh

Thị trường đang thiết lập một mặt bằng giá mới khi nhiều mã giảm điểm mạnh

Điểm tựa cho TTCK tháng 9

(ĐTCK) 3 phiên tăng điểm liên tiếp cuối tuần qua được ví như giải tỏa áp lực “lò xo nén” của thị trường ở giai đoạn trước đó. Thị trường đang kỳ vọng về một sức bật mới trong tháng 9 này.

Xu hướng uptrend

Trao đổi với ĐTCK, TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược CTCK Maritime Bank (MSI) cho rằng, niềm tin vào xu hướng uptrend trung hạn, cộng với yếu tố thị trường đã giảm quá sâu trong giai đoạn vừa qua, thị trường đang có sự phục hồi tốt mặc dù vĩ mô còn nhiều bất ổn. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang đạt điểm cân bằng ở ngưỡng 575 - 585 điểm trước khi đi lên các mốc kháng cự cao hơn.

Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), TTCK Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng của diễn biến TTCK thế giới và diễn biến giao dịch của khối ngoại. Nếu như TTCK thế giới chỉ ảnh hưởng mang tính nhất thời và chủ yếu tác động đến tâm lý nhà đầu tư, thì hoạt động của khối ngoại luôn gây tác động trực tiếp thông qua động thái giao dịch qua từng đợt mua vào hay bán ra.

Đối với thị trường trong nước, hiện các yếu tố vĩ mô đã cải thiện nhưng dòng tiền chưa ổn định, nhất là sau khi bị giới hạn bởi những quy định của Thông tư 36, chưa kể quyết tâm thực hiện IPO các tập đoàn, tổng công ty lớn trong năm 2015 cũng sẽ “hút” thêm nguồn tiền vốn đang eo hẹp của thị trường. Như vậy, vấn đề lớn nhất hiện nay theo nhiều chuyên gia, là làm thế nào để hút được dòng vốn vào thị trường niêm yết. Nhìn rộng hơn, đó là câu chuyện mở cửa nền kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư ngoại cũng như tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn để hấp dẫn các quỹ đầu tư thế giới.

Nhìn nhận về xu hướng thị trường trong tháng 9, ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới CTCK MB (MBS) cho rằng, ngưỡng 582 điểm +/- 3 sẽ là ngưỡng cản lớn của thị trường trong tháng 9 và thị trường sẽ sớm chạm ngưỡng này ngay trong tuần đầu tiên của tháng 9. Phân tích chi tiết hơn, theo MBS, sau khi chạm ngưỡng này, thị trường sẽ có 1 nhịp điều chỉnh diễn ra khoảng 5 phiên và sau đó, thị trường cần xuất hiện một nhóm cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt thị trường tăng điểm cho một uptrend trung hạn.

“Nếu sau nhịp điều chỉnh này (dự kiến sau 15/9) mà nhóm cổ phiếu dẫn dắt xuất hiện thì VN-Index coi như đã chính thức tạo đáy thành công tại 511 điểm vào 25/8 và thị trường sẽ tăng mạnh trong cả tháng 9. Ngược lại, nếu không có nhóm cổ phiếu nào đủ mạnh để dẫn dắt thị trường, có lẽ chúng ta cần phải chờ thị trường điều chỉnh hoặc tích lũy thêm một thời gian nữa mới có đủ lực để đi lên vào cuối tháng 10”, ông Chung phân tích. 

Cơ hội mới

Sau biến động lớn, thị trường đang thiết lập một mặt bằng giá mới khi nhiều mã giảm điểm mạnh, trong đó nổi bật nhất là các mã bluechips thuộc họ dầu khí và ngân hàng tiếp tục là tâm điểm thu hút của dòng tiền bắt đáy. Nhiều ý kiến cùng quan điểm cho rằng, với diễn biến thị trường tài chính thế giới và trong nước thời gian vừa qua, dòng cổ phiếu dầu khí và ngân hàng sẽ có sức bật mạnh khi thị trường hồi phục giai đoạn đầu. Nhưng để khẳng định 2 nhóm cổ phiếu này có đủ sức để đóng vai trò dẫn dắt thị trường thì rất khó, bởi xét ở vấn đề nội tại đối với 2 nhóm ngành vẫn có những bấp bênh trong trung và dài hạn khi giá dầu và tỷ giá vẫn là những yếu tố đang có biến động khó lường.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS) cho rằng, chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm cổ phiếu dầu khí đã đánh mất hết thành quả của năm 2014, đặc biệt với những cổ phiếu lớn như GAS và PVD đã giảm chỉ cách đáy lịch sử của những cổ phiếu này khoảng 10 - 15%, xuống mức giá hấp dẫn, nên dòng tiền đổ vào bắt đáy nhóm này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của giá dầu và tỷ giá trong thời gian tới, chu kỳ tăng trưởng của nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ mang tính ngắn hạn nhiều hơn.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu kỳ vọng tăng trưởng ổn định và ít chịu ảnh hưởng bởi biến động thị trường sẽ là nhóm chứng khoán và những cổ phiếu đầu ngành các lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng và công nghệ. Nhóm ngành ngân hàng có thể sẽ không tăng trưởng nhanh như thời gian qua nhưng vẫn tiếp tục giữ ổn định và là nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số chung của thị trường. Ngoài ra, vào quý III là giai đoạn tăng vốn của nhiều doanh nghiệp, vì vậy, sẽ có những cơn sóng lớn liên quan đến những doanh nghiệp này.      

“Kỳ vọng vốn ngoại quay lại thị trường”

Ông Tony Xuan Diep, Giám đốc điều hành Công ty quản lý Quỹ Indochina Capital

Nhìn vào tính thanh khoản của thị trường có thể dự đoán trước được những biến động. Ở giai đoạn cuối tháng 7, Việt Nam được đánh giá là thị trường tốt nhất ở ASEAN và điều này chỉ chệch hướng vào giữa tháng 8 khi có sự phá giá bất ngờ của đồng Nhân dân tệ (RMB), qua đó kéo theo sự mất giá của VND.

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, các yếu tố vĩ mô vẫn rất vững chắc, đồng thời đang có nhiều kỳ vọng từ các xúc tác tốt như cuộc họp về TPP trong tháng 9; kỳ vọng của các nhà đầu tư trong việc mở rộng giới hạn sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là những yếu tố có tác động tích cực, hỗ trợ thị trường theo xu hướng đi lên.

Đối với TPP, có thể nhìn thấy sự quyết tâm của những thành viên tham gia cuộc đàm phán này. Với 98% đã đồng ý thì vấn đề ký kết chỉ là khi nào chứ ko phải nếu như. Vì vậy, tôi cho rằng, sẽ không có một sự thất vọng nếu như hiệp định không được ký kết vào tháng 9.

Đối với nới room, đây là đầu mối quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư của chúng tôi quan tâm nhiều tới các cổ phiếu đang hết room và đương nhiên, khi được nới room, họ sẽ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào các cổ phiếu này. Bên cạnh đó, định giá TTCK Việt Nam đang rẻ, do vậy, tôi cũng kỳ vọng các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư trở lại Việt Nam, đương nhiên với điều kiện, không có biến động đột biến nào khác.

Tin bài liên quan